Bình Định đề xuất giải pháp căn cơ kiểm soát IUU
Chiều 29.6, đoàn công tác Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã làm việc với UBND tỉnh về việc kiểm soát IUU, tội phạm, vi phạm trên biển. Tiếp và làm việc với đoàn có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, đại diện các đơn vị, sở, ngành và địa phương ven biển của tỉnh.
Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cho biết: Từ đầu năm 2022 đến nay, tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác IUU (đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định) bị bắt giữ, xử lý có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2021; phần lớn là xâm phạm sâu vào vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép; sử dụng nhiều cách thức né tránh các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã cùng với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng của các địa phương ven biển nhanh chóng xác minh, điều tra làm rõ các vụ tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ và xử lý, nỗ lực gỡ thẻ vàng thủy sản trong năm nay.
Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam làm việc với UBND tỉnh về kiểm soát IUU và tội phạm, vi phạm trên biển. Ảnh: THU DỊU
Tính từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có 32 tàu cá/200 lao động vi phạm; riêng 6 tháng đầu năm 2022 có 5 tàu vi phạm và đều là tàu cá có chiều dài dưới 15 m, không quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; cấp phép hoạt động ở vùng lộng. Điểm đặc biệt của nhóm tàu này là nhiều năm liền không trở về địa phương, thậm chí có những tàu cá mang số hiệu của Bình Định nhưng rời Bình Định trên 25 năm, xuất bến ở các tỉnh phía Nam.
Đánh giá về tình hình tàu cá Bình Định vi phạm IUU, Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc, cho hay: Tính về số lượng tàu cá/ngư dân vi phạm thì Bình Định giảm sâu, nhưng một khi vẫn còn vi phạm tức là chưa giải quyết được dứt điểm vấn đề. Ngay lúc mới có cảnh báo thẻ vàng thủy sản của Liên minh châu Âu (EC), số lượng tàu cá vi phạm nhiều nhất của Bình Định ở TX Hoài Nhơn, khi đó Bình Định triển khai giám sát tàu cá ngay từ lúc xuất bến. Công tác kiểm soát xuất bến tại cảng phát huy hiệu quả. Các tàu cá xuất bến ở Bình Định không vi phạm; nhóm tàu vi phạm hiện nay là nhóm “ly hương”; qua các biện pháp phối hợp xử lý, bước đầu chúng tôi nhận định các tàu cá này vi phạm phần nhiều là do ngư dân cố ý.
Phân tích thực trạng, đánh giá tình hình, ngành chức năng tỉnh Bình Định nhận định có nhiều bất cập trong việc kiểm soát IUU. Đó là công tác quản lý tàu cá về mặt đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác chưa phù hợp với thực tế hoạt động hiện nay; việc Luật không buộc tàu cá dưới 15 m hoạt động ở vùng lộng phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; tình trạng thiết bị giám sát hành trình kém chất lượng “trăm hoa đua nở”, thiếu đồng bộ… khi có sự cố không biết kêu ai; cùng với đó có một phần nguyên nhân khách quan như biến động về giá cả thị trường, sụt giảm về nguồn lợi thủy sản khiến tình trạng vi phạm IUU chưa thể giải quyết dứt điểm.
Bình Định nỗ lực rất lớn trong việc kiểm soát IUU, điều này thể hiện ở việc địa phương ban hành Nghị quyết thực hiện, gắn trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Đồng thời, Bình Định cũng đi đầu và triển khai nhanh nhất việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá cũng như bố trí lực lượng trực trạm bờ, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử phạt rất nặng đối với tàu cá vi phạm lãnh hải. Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh khẳng định: Thực tế cho thấy tình trạng vi phạm lãnh hải vẫn tiếp diễn, mà tất cả tàu cá đều xuất bến từ phía Nam và hàng chục năm nay chưa trở về địa phương. Cùng với việc phối hợp với lực lượng chấp pháp trong công tác kiểm soát IUU, về lâu dài, cần có thêm những chính sách đồng bộ như chuyền đổi nghề và hỗ trợ chuyển đổi nghề phù hợp; quy hoạch và có giải pháp đánh bắt theo mùa vụ để tránh tình trạng cạn kiệt nguồn cá. Đồng thời, kiến nghị Trung ương sớm quy định lắp thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá dưới 15 m, bởi đây là những tàu vi phạm lãnh hải nhiều nhất.
Tại buổi làm việc, đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đánh giá cao nỗ lực của Bình Định trong việc kiểm soát IUU. Theo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, đến nay Bình Định là địa phương đầu tiên xây dựng Nghị quyết chuyên đề về chống vi phạm IUU, điều này thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong việc chung tay gỡ thẻ vàng IUU - đây là “điểm sáng” của Bình Định mà Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển bổ sung vào đề xuất Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về nhân rộng mô hình này.
Đại tá Vũ Trung Kiên, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển, cho biết: Đoàn ghi nhận những ý kiến đóng góp của tỉnh, tổng hợp và báo cáo về Trung ương để sớm có những giải pháp hữu hiệu trong công tác chống khai thác IUU. Đối với lực lượng cảnh sát biển, thời gian tới sẽ phối hợp tăng cường các giải pháp quản lý về mặt hành chính như tuần tra, kiểm soát chốt chặn từ trên bờ ra đến vùng biển đảm bảo cho các tàu, ngư dân chấp hành nghiêm các quy định về hoạt động khai thác hải sản. Kiên quyết bắt giữ, xử lý những trường hợp vi phạm; tiến hành các biện pháp nghiệp vụ pháp luật để quản lý tình hình nắm bắt địa bàn, đối tượng, mục tiêu lớn nhất là ngăn chặn tình trạng vi phạm lãnh hải trong 6 tháng cuối năm nay.
THU DỊU