Thay đổi tư duy sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều năm trở lại đây, nhờ năng động và biết ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp, cuộc sống của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Ðịnh được nâng cao đáng kể.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đinh Văn Lung cho biết: Xác định công tác xóa đói, giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, thời gian qua, các cấp, các ngành chức năng dành nhiều nguồn lực đầu tư, hỗ trợ các địa phương xây dựng mô hình, tập huấn, chuyển giao các tiến bộ KHKT trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy, bộ mặt các thôn, làng ở các huyện miền núi đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, nhiều hộ thoát nghèo bền vững.
Nông dân xã Vĩnh Hiệp (huyện Vĩnh Thạnh) tham quan mô hình sản xuất lúa lai. Ảnh: N.H
Trước đây, với người Bana ở xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh), chuyện trồng rau thâm canh để bán là điều hết sức xa lạ. Tuy nhiên, từ năm 2017, khi được Chính phủ New Zealand tài trợ kinh phí, Sở NN&PTNT phối hợp với UBND huyện Vĩnh Thạnh triển khai dự án trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại làng K3, xã Vĩnh Sơn với diện tích hơn 4 ha, 45 hộ nông dân tham gia đã góp phần thay đổi hẳn tư duy sản xuất của bà con. Đến nay, sau 5 năm triển khai dự án, nông dân làng K3 đã nắm bắt rõ các kiến thức trồng rau; có thu nhập khá ổn định từ việc sản xuất rau ôn đới bán cho các siêu thị, quầy rau trong tỉnh.
Ông Đinh Văn Nhái, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn, cho biết: Sản xuất rau an toàn đã mở hướng phát triển kinh tế cho bà con địa phương, giúp nông dân làng K3 thoát cảnh nghèo khó. Từ sự chuyển giao tiến bộ KHKT của ngành chức năng, hầu hết các hộ nông dân trong làng ai cũng biết kỹ thuật trồng các loại rau xanh ôn đới như: Bắp sú, súp lơ, cải thảo, xà lách cuộn… Từ việc canh tác rau xanh, mỗi sào đất (500 m2) ở xã vùng cao Vĩnh Sơn nay cho thu nhập bình quân từ 4 - 5 triệu đồng/tháng.
Bà Đinh Thị Boi, ở làng K3, chia sẻ rằng, dù có điều kiện khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng khá thuận lợi nhưng trước đây người dân Vĩnh Sơn không biết cách sản xuất hiệu quả. Từ khi dự án trồng rau an toàn được triển khai, trực tiếp tham gia các lớp huấn luyện trồng rau, được các chuyên gia nông nghiệp “cầm tay chỉ việc”, bà con có điều kiện tiếp cận các tiến bộ KHKT để áp dụng vào sản xuất. Từ đó, giúp sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả cao, cuộc sống của người dân dần khấm khá.
“Với 3.000 m2 đất thường xuyên trồng đủ các loại rau xanh, trung bình mỗi tháng tôi có thu nhập ổn định từ 15 - 20 triệu đồng. Việc ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp đã và đang từng bước mang lại cuộc sống khởi sắc cho bà con ở vùng cao này”, bà Boi phấn khởi nói.
Nhờ sự quan tâm, chuyển giao các tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp đã giúp đời sống người dân vùng DTTS có sự cải thiện đáng kể; 5 năm trở lại đây, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện miền núi giảm trung bình từ 6 - 7%/năm (kế hoạch của tỉnh đề ra là giảm 5%/năm).
Ông Đinh Văn Lung cho biết, trong thời gian đến, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục phối hợp với các sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác chuyển giao các tiến bộ KHKT đến với người dân vùng DTTS, miền núi; đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án giúp vùng DTTS ngày càng phát triển.
Không chỉ năng động trong tiếp thu các tiến bộ KHKT để áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, bà con DTTS trong tỉnh còn mạnh dạn vay vốn ưu đãi từ ngân hàng CSXH để phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Bà Đinh Thị Sen (ở làng K4, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh) trước đây thuộc diện hộ nghèo, nhờ vay 50 triệu đồng từ Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, nay đã thoát nghèo.
Bà Sen cho hay: “Từ số vốn được vay, tôi trồng 2 ha măng điền trúc, bời lời, kết hợp phát triển chăn nuôi bò lai. Nhờ nắm vững kỹ thuật sản xuất nên hiệu quả mang lại khả quan; mỗi năm từ trồng trọt và chăn nuôi tôi có thu nhập trên 100 triệu đồng”.
Theo Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh Bùi Tấn Thành, bà con DTTS trên địa bàn huyện nay không còn thụ động, ỷ lại, trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước. Tinh thần tự lập, tự lực, tự vươn lên trong làm ăn kinh tế của bà con ngày càng được nâng cao. Nhờ đó, hằng năm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm bình quân từ 6 - 7%, vượt 2% so với chỉ tiêu đề ra.
Còn tại huyện miền núi An Lão, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với vùng DTTS như nuôi heo đen, gà thả đồi, bò lai, nuôi ong lấy mật, khoanh nuôi mây rừng tự nhiên, trồng rừng kinh tế... ngày càng phát triển. Từ đó đã thay đổi được tập quán canh tác lạc hậu, giúp đời sống vật chất của người dân ổn định, đời sống tinh thần được nâng cao.
Ông Đinh Văn Gờ (ở thôn 5, xã An Nghĩa) phấn khởi nói: “Bà con trong thôn bây giờ ai cũng thi đua phát triển kinh tế để có cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc, nuôi dạy con cái học hành đàng hoàng. Gia đình tôi hiện làm hơn 2 sào lúa nước, kết hợp nuôi 10 con bò lai và trồng 5 ha rừng, mỗi năm sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 200 triệu đồng, cuộc sống gia đình ổn định”.
N. HÂN