Nghi lễ cúng bến nước của người H’re
Cùng với cộng đồng các dân tộc Bana, Chăm H’roi, cộng đồng người H’re ở An Lão là một trong vài cộng đồng bản địa, cư ngụ lâu đời ở khu vực miền núi tỉnh Bình Định, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng cho cộng đồng các dân tộc ở tỉnh Bình Định.
Đồng bào H’re sáng tạo nên những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần đặc trưng của dân tộc mình. Trong đó có những nghi lễ độc đáo, riêng có mà nghi lễ cúng bến nước là một ví dụ. Nghi lễ này thường diễn ra vào khoảng cuối tháng 12 âm lịch hằng năm, sau mùa gieo trồng, để tạ ơn Yàng - Trời.
Thực hành nghi lễ cúng bến nước của người H’re tại Lễ hội VH-TT các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Bình Định năm 2022. Ảnh: N.V.T
Với đồng bào H’re, bến nước là nơi trong mát ở cạnh bờ sông, bờ suối hoặc khe nước từ núi chảy ra, nơi dân làng chọn để lấy nước sinh hoạt. Nước là nơi nữ thần Vada ngự trị, nơi giữ hồn người, giữ gia tài, súc vật của làng.
Theo tín ngưỡng, đồng bào H’re tin rằng sau một năm lo toan làm ăn vất vả, để chuẩn bị bước sang năm mới, dân làng muốn tẩy trừ mọi xui xẻo, rủi ro của năm cũ và đón năm mới vạn sự tốt lành, an bình, no ấm, may mắn cho bản thân và cả làng. Cúng thần nước còn là để tri ân thần đã giúp người dân cày cấy, gieo hạt trên nương được no đủ, đồng thời với nghi thức này, đồng bào muốn thành kính mời thần nước về ăn tết cùng với dân làng. Lễ cúng bến nước còn được gọi là Tết giọt nước, Tết bến nước.
Trước khi tiến hành nghi lễ cúng, già làng, trưởng thôn thông báo họp bàn với dân làng để giao nhiệm vụ chuẩn bị mọi việc chu toàn. Thanh niên trai tráng được giao làm vệ sinh bến nước. Phụ nữ, người già dọn dẹp nhà cửa, đường làng để chuẩn bị cho nghi lễ được diễn ra trong không khí tôn kính và trang trọng nhất.
Thông thường nghi lễ được chia thành hai phần: Cúng tại bến nước và cúng rượu cần tại nhà của già làng. Lễ vật cúng tại bến nước gồm rượu, trầu cau, một con gà trống màu trắng hoặc con heo trắng, tùy vào mức đóng góp của dân làng. Thầy cúng cắt tiết gà, sau đó đưa gà cho đám thanh niên làm thịt, chỉ giữ lại mỏ, mào, móng gà tượng trưng đặt lên bàn cúng cùng với tiết. Lúc này bà con dân làng để trầu cau lên bàn cúng để thầy tiếp tục cúng, rồi thầy đốt nhoi clâu (một loại trầm hương lấy từ rừng già) để xua đi u ám, rủi ro, bệnh tật cho dân làng.
Để tiếp thêm sức mạnh cho thầy cúng gửi gắm những điều mong ước đối với thần linh, dân làng sẽ đeo sợi dây chỉ vào cổ thầy cúng và cùng đưa tay về phía trước nơi có khói hương ngào ngạt, mong thần linh có thể nghe được lời cầu nguyện.
Những vị thần linh được tôn xưng gọi về để cúng dâng lễ vật là Yàng Rét (thần nước), Yàng Giang (thần sông), Yàng Gông (thần núi). Cúng xong, thầy cúng cùng một số người đưa sợi dây, mang theo trầu cau làm lễ vật xuống nước tạ ơn Yàng Rét và xin Yàng phù hộ, mang những điều tốt lành đến cho dân làng. Sau đó, đồng bào tập trung tại nhà già làng làm nghi lễ sói rượu cần. Già làng chọn một ống nước đổ vào ché rượu cho thầy cúng. Những người được uống rượu đầu tiên là thầy cúng, già làng, người có uy tín trong làng.
Cúng bến nước là nghi lễ đậm chất văn hóa, giàu nét đặc trưng H’re bậc nhất, nó vừa mang tinh thần nhân văn, vừa có ý nghĩa giáo dục sâu sắc cả cộng đồng về đạo lý tôn trọng tự nhiên nguyên thủy, giữ gìn nguồn nước để giữ gìn môi trường, thể hiện tinh thần cộng sinh hài hòa giữa con người với tự nhiên.
NGUYỄN VIẾT TUẤN