Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường
Bình Định đang đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, với các hoạt động đầu tư phát triển du lịch biển và dịch vụ biển; phát triển kinh tế hàng hải; phát triển lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản theo hướng phát triển bền vững, cùng với đó là tăng cường các giải pháp bảo vệ môi trường.
Định hướng phát triển kinh tế biển
Thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động về phát triển bền vững kinh tế biển.
Theo đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã định hướng các mục tiêu cụ thể, xác định các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu để phát triển các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên như sau: Đầu tư phát triển du lịch biển và dịch vụ biển; phát triển kinh tế hàng hải; phát triển lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản; khuyến khích phát triển ngành công nghiệp và đô thị ven biển; tăng cường đầu tư năng lượng tái tạo và phát triển các ngành kinh tế biển mới; khai thác bền vững các tài nguyên khoáng sản biển.
Trong nội dung quan điểm của Chương trình hành động số 22-CTr/TU ngày 29.7.2019 thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, Tỉnh ủy đã xác định: “Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh”. Đồng thời, Chương trình đã xác định mục tiêu thực hiện đến năm 2030 là “đưa kinh tế biển và vùng ven biển, hải đảo của tỉnh phát triển mạnh, giữ vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh gắn với củng cố quốc phòng an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo. Xây dựng vùng ven biển của tỉnh thành trung tâm công nghiệp - đô thị - du lịch dịch vụ của tỉnh. Phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam”.
Khai thác, đánh bắt hải sản là một trong những hoạt động kinh tế biển được ưu tiên phát triển. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Chú trọng bảo tồn hệ sinh thái biển
Trong thời gian qua, các cấp, ngành của tỉnh ta đã tăng cường triển khai công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; triển khai thực hiện Luật Đa dạng sinh học, Luật Môi trường, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, cùng các quy định của pháp luật liên quan. Cụ thể, UBND tỉnh đã ban hành Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, xác định các nhiệm vụ, dự án về bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển, ven biển; ban hành Quyết định số 4383/ QĐ-UBND ngày 25.11.2019 thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển và triển khai cắm mốc giới hành lang bảo vệ bờ biển trên địa bàn tỉnh, nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu bảo vệ cảnh quan và hệ sinh thái vùng bờ, giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Tỉnh đã triển khai các hoạt động điều tra sơ bộ về tài nguyên, đa dạng sinh học, hệ sinh thái biển, để từ đó đề xuất và triển khai các giải pháp quản lý, bảo vệ, góp phần phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển, nhất là hoạt động du lịch sinh thái biển. Đồng thời đã triển khai một số dự án: Dự án Quản lý, bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô vùng ven bờ gắn với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại các xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu và phường Ghềnh Ráng, thuộc TP Quy Nhơn; dự án Nâng cao năng lực quản lý và ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng địa phương, xây dựng mô hình cộng đồng thu gom, phân loại, xử lý nhằm giảm thiểu rác thải nhựa tại các xã, phường ven biển thuộc Vịnh Quy Nhơn, do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ...
Thực hiện Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong năm 2022, Sở TN&MT tiến hành lập dự án thành lập Khu dự trữ thiên nhiên đầm Thị Nại, tạo cơ sở pháp lý trình UBND tỉnh thành lập Khu dự trữ thiên nhiên đầm Thị Nại với mục tiêu bảo tồn hệ sinh thái và các loài động vật quý hiếm tại đầm Thị Nại - một hệ sinh thái đất ngập nước ven biển quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái biển. Đồng thời, tiếp tục công tác điều tra, đánh giá hệ sinh thái đầm Đề Gi, qua đó phân tích, đánh giá các tác động ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái đất ngập nước ven biển nhằm xây dựng kế hoạch quản lý, bảo tồn phù hợp nhất cho địa phương.
Ông Nguyễn Văn Nhung, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Biển và Hải đảo (Sở TN&MT), cho biết: Bên cạnh việc quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, không để xảy ra hiện tượng đánh bắt quá mức, ngăn chặn đánh bắt cá bằng chất nổ, xung điện…, các đơn vị của tỉnh tiếp tục phối hợp triển khai có hiệu quả phong trào toàn dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại 31 xã, phường ven biển. Công tác bảo vệ, phục hồi và phát triển diện tích rừng ngập mặn và rừng phòng hộ ven biển đang rất được chú trọng. Hiện nay diện tích đất lâm nghiệp quy hoạch chức năng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và phòng hộ chắn sóng, lấn biển trên địa bàn tỉnh là hơn 1.940 ha.
HOÀNG QUÂN