Bình Định tìm cách vực dậy môn bắn nỏ
Từng là môn chủ lực của Bình Định tại các Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc, nhưng trong những năm gần đây, bắn nỏ không còn là thế mạnh của thể thao đất võ. Do đó, việc đầu tư để khôi phục nội dung này đang được ngành Thể thao tính toán.
Tại Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc khu vực II - năm 2022 diễn ra từ ngày 20 - 26.6 tại Quảng Ngãi, đoàn Bình Định giành được 2 HCV, 3 HCĐ ở môn bắn ná - bắn nỏ. Trong đó, VĐV Đinh Rum giành 1 HCV ở môn bắn ná nội dung cá nhân nam đứng bắn; VĐV Đinh Thép giành HCV ở môn bắn nỏ nội dung cá nhân nam đứng bắn. Đây đều là những VĐV từng giành nhiều thành tích cao ở các hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc.
Dù vẫn là môn đem lại nhiều thành tích cao nhất so với những môn thể thao khác, nhưng bắn ná - bắn nỏ được đánh giá đang có bước thụt lùi so với chính mình. Năm 2013, tại Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc khu vực II tổ chức ở Gia Lai, các VĐV bắn nỏ Bình Định đã giành đến 7/8 HCV.
Không xuất hiện nhân tố mới trong nhiều năm qua, nên hai anh em Đinh Ram - Đinh Rum vẫn là những trụ cột của đội tuyển bắn nỏ - bắn ná Bình Định. Ảnh: ĐỨC MẠNH
Một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến việc bắn ná - bắn nỏ Bình Định không đạt thành tích cao ở những lần tranh tài gần đây là do phong trào tại các địa phương đi xuống. Một phần vì nỏ, ná không còn là vật dụng trong đời sống hằng ngày của người dân, bên cạnh đó, việc 2 năm mới có một giải đấu được tổ chức khiến các VĐV là người dân tộc thiểu số không có sự chuẩn bị tốt nhất cả về chuyên môn lẫn dụng cụ thi đấu. Những nhân tố mới vì thế cũng hiếm khi xuất hiện, và những cái tên Đinh Thưa, Đinh Thép, Đinh Rum, Đinh Thị Rêu, Đinh Thị Thống vẫn thống trị ở các nội dung suốt hàng chục năm qua.
Ông Võ Đình Hùng, cán bộ Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh - người thường được giao huấn luyện đội tuyển bắn nỏ của tỉnh tại các kỳ Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc, cho biết: “Khoảng cách giữa 2 lần tổ chức Ngày hội VHTT các dân tộc thiểu số miền núi toàn tỉnh là khá lớn, nên các VĐV dành rất ít thời gian tập luyện. Điều đó dẫn đến khả năng giữ thăng bằng, ngắm mục tiêu của VĐV bị hạn chế rất nhiều. Tâm lý thi đấu của VĐV cũng ít được trui rèn, nên khi góp mặt ở những giải lớn không đạt được sự tự tin cần thiết. Ở Ngày hội VHTT các dân tộc thiểu số miền núi toàn tỉnh năm 2022, thành tích của các VĐV đều đi xuống thấy rõ”.
Bên cạnh chuyên môn và con người, một trong những yếu tố khiến VĐV Bình Định thua kém so với các đơn vị bạn chính là dụng cụ thi đấu. Gần đây, nhiều tỉnh, thành đã cho VĐV của mình dùng nỏ có cánh bằng tre già (được cho là xuất xứ từ tỉnh Điện Biên), trong khi cánh nỏ của VĐV Bình Định vẫn dùng bằng gỗ. Ưu điểm của nỏ Bình Định là lực bắn mạnh, nhưng sau khi bắn vài mũi sẽ bị giãn dây, độ chuẩn xác không cao bằng nỏ bằng tre. Việc chế tác những chiếc nỏ thi đấu cũng đang mai một, sau khi VĐV kỳ cựu Đinh Nhin qua đời 10 năm trước.
Ngay tại Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc khu vực II - năm 2022, các VĐV Bình Định cũng đã bị 2 sự cố liên quan đến nỏ, khi Đinh Thị Thống bị đứt dây trong lúc thi đấu; còn VĐV Đinh Thưa bị “nổ nỏ”, do cánh nỏ quá cũ, muốn bật gãy sau khi bắn vài loạt tên. Tuy vậy, quan điểm của hầu hết VĐV bắn nỏ Bình Định vẫn giữ kiểu nỏ truyền thống để thi đấu chứ không muốn đổi sang nỏ làm bằng tre.
Phó trưởng Phòng Quản lý TDTT (Sở VH&TT) Phan Tuấn Sơn, cho biết: “Qua những lần thi đấu gần đây, chúng tôi đã nhận ra sự đi xuống của môn bắn nỏ - bắn ná Bình Định. Để giữ bản sắc cùng phong trào tại các địa phương cũng như có lực lượng tham gia thi đấu đạt thành tích tốt ở các Hội thi toàn quốc, chúng ta cần có kế hoạch, định hướng rõ ràng cho bộ môn bắn nỏ - bắn ná. Trong đó, có thể áp dụng theo cách một số tỉnh đã làm là đưa bắn nỏ - bắn ná thành môn tự chọn trong các giờ thể dục ở trường dân tộc nội trú; trang bị dụng cụ mới cho VĐV tập luyện; tổ chức nhiều giải đấu để kích thích tinh thần tập luyện của các VĐV…”.
ĐỨC MẠNH