Văn học Bình Định 10 năm (2011 – 2021): Hai dấu ấn nổi bật
Sáng 25.6, tại TP Quy Nhơn, Chi hội Văn học (Hội VHNT Bình Định) phối hợp cùng Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Bình Định tổ chức chương trình Tọa đàm văn học Bình Định 10 năm (2011 - 2021) “Tiếp nối và hy vọng”. Các ý kiến tại Tọa đàm đã thống nhất, một trong những điểm nổi bật của văn học Bình Định thời gian qua, chính là sự phát triển của thể loại văn xuôi.
Sự chiếm lĩnh của thơ
Sau 1975 cho đến ngày nay, Bình Định xuất hiện những thế hệ nhà thơ tiếp nối nhau để làm nên nhiều thành công thi ca mới trên hành trình hiện đại. PGS.TS Hồ Thế Hà chia sẻ: “Tên tuổi và tác phẩm của các thế hệ nhà thơ Bình Định giai đoạn này liên tục xuất hiện và chiếm lĩnh thi đàn cả nước. Trong đó, nhiều nhà thơ đã để lại dấu ấn thi pháp đặc sắc, được độc giả yêu quý tiếp nhận và ngợi ca như Lệ Thu, Từ Quốc Hoài, Lê Văn Ngăn, Văn Trọng Hùng, Xuân Mai, Nguyễn Thanh Hiện…; lớp trẻ hơn có Nguyễn Thanh Mừng, Mai Thìn, Trần Thị Huyền Trang, Quang Vĩnh Khương… Thơ Bình Định là thơ Việt Nam, hòa chung với thi ca cả nước. Ở đó, sắc thái tình cảm và thiên nhiên Bình Định làm thành nét riêng độc đáo, tạo ra bao hồn thơ, và thơ bồi đắp thêm hồn quê hương, xứ sở. Từ trước đến nay, nhiều Tuyển tập thơ văn Bình Định đã được ra mắt bạn đọc với dư luận tốt”.
Giao lưu văn học giữa Chi hội Văn học Bình Định và Ban tổ chức chương trình Đóa hoa đồng thoại.
Đáng lưu ý, nếu tính mốc 10 năm trở lại đây, văn chương Bình Định đã cho thấy một sự tiếp nối và hy vọng lớn. Như một đúc kết về quãng thời gian trên, Hội VHNT Bình Định đã chủ trương in ấn những Tuyển tập dày dặn, như Văn trẻ Bình Định 2012 - 2018, Văn xuôi Bình Định 2009 - 2019, Thơ Bình Định 2011 - 2021, Nhà văn Việt Nam tỉnh Bình Định 2011 - 2021. Các tuyển tập đủ để hình dung về lực lượng sáng tác, đánh giá về mặt thể loại của văn học Bình Định 10 năm qua. Trong đó, ở mảng thơ, đặc biệt là tuyển Thơ Bình Định 2011 - 2021, đã có sự góp mặt của 87 nhà thơ với 435 bài thơ của các tác giả quê gốc Bình Định và những nhà thơ ở quê khác nhưng sống và viết trên/ về quê hương Bình Định.
Bên cạnh đó, Bình Định đang tạo được sự chú ý của văn đàn cả nước khi đang sở hữu một lực lượng người viết trẻ hùng hậu. Có nhiều tác giả rất trẻ, hầu hết đều dưới 35 tuổi, đang sáng tác mảng thơ: Vân Phi, Trương Công Tưởng, Trần Quốc Toàn, My Tiên, Nguyễn Đặng Thùy Trang, Hồng Xuân, Trần Văn Thiên, Nguyễn Lê Văn Bút…
Sự phát triển của văn xuôi
Nếu tạm xem văn xuôi bao gồm truyện, tiểu thuyết, tản văn, nghiên cứu… thì hai thập niên gần đây, văn xuôi Bình Định đã ghi dấu ấn với nhiều tác giả tham gia sáng tác. Trong đó, có những cây bút văn xuôi quen thuộc, chuyên mảng truyện ngắn như: Lê Hoài Lương, Nguyễn Mỹ Nữ, Phạm Hữu Hoàng, Trần Văn Bạn, Trần Quang Lộc… Thế hệ kế cận, có Phạm Kim Sơn, Lưu Thị Mười, Hương Văn, Nguyễn Anh Nhật…. Một số tác giả song hành cả hai mảng thơ và truyện, tản văn như Nguyễn Thanh Hiện, Bùi Thị Xuân Mai, Trần Như Luận, Triều La Vĩ, Ngô Văn Cư, Mai Thìn, Trần Quang Khanh, Huỳnh Kim Bửu, Trần Duy Đức, Nguyễn Thị Phụng, Nguyễn Đặng Thùy Trang, Nguyệt Trinh, Vân Phi, Trần Quốc Toàn…
Ở mảng kịch bản sân khấu, kịch tác gia Văn Trọng Hùng đã có hàng chục kịch bản được dàn dựng, mang lại nhiều giải thưởng danh giá. Gần đây nhất, kịch bản vở Cô thần của ông vừa được Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trao giải 3 kịch bản văn học năm 2021. Bên cạnh đó, có tác giả Đoàn Thanh Tâm, Lê Công Phượng cũng làm dày thêm mảng kịch bản sân khấu. Mảng văn học dịch, ở Bình Định ngoài dịch giả Trà Ly (đã qua đời) còn những cái tên góp mặt chuyển ngữ các truyện ngắn nước ngoài, như các tác giả: Trần Như Luận, Minh Nguyệt, Lê Minh Kha…
Ở mảng tiểu thuyết, có những nhà văn đáng chú ý như: Nguyễn Thanh Hiện, đã in 2 cuốn tiểu thuyết, còn lại chủ yếu công bố trang văn chương cá nhân. Trần Như Luận đã in 3 cuốn tiểu thuyết, cuốn gần đây nhất vừa ra mắt bạn đọc giữa năm 2022 là Gương mặt loài Homo Sapiens. Hoặc các tác giả quê Bình Định đang định cư ở nước ngoài như Vũ Thanh in hai bộ trường thiên tiểu thuyết: Én liệng Truông Mây, Nhất thống sơn hà. Nhà văn Trương Văn Dân đã in 2 cuốn tiểu thuyết Bàn tay nhỏ dưới mưa, Trò chuyện với thiên thần…
Theo nhà thơ Mai Thìn - Phó Chủ tịch Hội VHNT Bình Định, ở mảng nghiên cứu, lý luận phê bình, văn học Bình Định đang có những tín hiệu vui. Ngoài sự nổi trội trong mấy năm gần đây của Lê Hoài Lương, Lê Từ Hiển, Lê Minh Kha, Châu Minh Hùng, gần đây một số cây bút đang là giảng viên Trường ĐH Quy Nhơn viết và xuất bản nhiều công trình nghiên cứu văn học được đánh giá cao, đơn cử là: Lê Nhật Ký, Trần Xuân Toàn, Võ Minh Hải, Võ Như Ngọc, Nguyệt Trinh…
Nhà văn Lê Hoài Lương, Chi hội trưởng Chi hội Văn học (Hội VHNT Bình Định), chia sẻ: “Với đặc trưng thể loại, vùng đất nào người làm thơ cũng đông hơn viết văn. Hoặc người cầm bút, lúc đầu thường thử sức bằng thơ rồi sau mới chuyển sang văn xuôi. Người trẻ giờ viết cả hai. Nhìn chung, từ khi thành lập Hội VHNT Bình Định (năm 1990), mười năm đầu, người làm thơ áp đảo. Mười năm tiếp theo, đã nhiều cây bút văn xuôi hơn, và giai đoạn này đã thực có sự thăng bằng”.
NGÔ PHONG