Những chuyến xe xưa
Tạp bút của TRẦN BĂNG KHUÊ
Ai đó nhắc nhở về những hồi ức xa của thời đoạn sáng tối xưa cũ. Bất giác cũng khiến tôi nhớ ra vài thứ từng gắn kết tuổi thơ tôi với những mảng trời rong ruổi xuôi ngược từ miền núi về phố biển, về làng chài miền Trung của nội. Xa, hay chưa xa, màu ký ức chưa bao giờ rời rạc, chưa bao giờ hoá thành khói mây mù mịt hay phong bế trong thẳm sâu.
Nhớ, hay không nhớ, chỉ là một sự tức thời bận bịu mà đôi khi chúng ta vô tình vùi quên đi. Rồi ai đó nhắc nhớ lại, những con người cùng thời, cùng trải nghiệm tháng ngày ấy chợt thèm cảm giác được nhìn thấy lại dù chỉ là bóng dáng của một chiếc xe lam phành phạch nổ inh ỏi khắp đường khắp chợ. Cấu trúc xe lam đơn giản, có lẽ là tối giản, hiền và gần gũi với quê xứ miền Nam, miền Trung, kể cả ở phố thị dốc đồi như Buôn Mê thời đất đỏ, rừng cây còn um tùm xanh rợp phố.
Tranh của họa sĩ NGUYỄN MAI LONG
Tôi, những ngày tháng bé bỏng như hạt đậu, đâu có cảm nhận gì nhiều hơn một sự thích thú mỗi lần được leo lên xe, ngồi ở hai bên thành ghế, hoặc kể cả ngồi bệt dưới sàn xe bẩn cũng vẫn khoái chí vì được đi chơi, được di chuyển đến một nơi lạ lẫm khác trong phạm vi từ huyện lên thị xã. Hình ảnh cũ kỹ về chiếc xe chở người, chở hàng hoá, chó mèo gà vịt, chở những câu chuyện rôm rả của kẻ buôn hàng, hệt như người ta mang luôn cả một cái chợ lên xe vậy.
Giờ, không còn thấy (hoặc vẫn thấy nhưng là từ hình ảnh cũ kỹ nhạt nước màu được lưu lại trong kho ký ức xuôi ngược thời gian) người ta cũng bồi hồi cung bậc cảm thương một thời mưa nắng. Nghĩ nghĩ sâu xa hơn, ngoài lề hơn một chút, thời nào chẳng có sự lẫn lộn sáng - tối, bất kể. Những chiếc xe lam cổ điển ấy bất giác gợi nhắc nhiều thương nhớ cho từng lớp người, từng thế hệ đã trải qua cuộc sống khó khăn thời đoạn ấy.
Hôm nào đó, thầy tôi chia sẻ hồi tưởng hoài cổ về hình ảnh chiếc xe lam lại thấy như nghe được tiếng nổ lớn, với ống bô xì khói mù mịt, với cảm giác hứng khởi khám phá sự mới mẻ của thế giới nhỏ bé lúc ấy. Rồi sau nữa, khi lớn dần người ta cũng vội vàng với thời cuộc với cơm áo, người ta quên đi sự vắng bóng của chiếc xe ấy cùng với những chuyến hàng, những chuyến di chuyển từ quê kiểng về phố thị. Nhưng cái chợ trên xe vẫn lúc mập mờ vệt màu lúc rõ băng từng nét cọ, hình ảnh, âm thanh, cảm giác cứ bồng bềnh trong trí nhớ người ta.
Tôi còn nhớ nhiều chiếc xe khác lưu dấu bước chân tôi, lưu dấu những chuyến đi xa hơn từ núi rừng dốc dài dốc ngắn để về với miền Trung, về với miền biển đất cát, đất bằng quê nội. Xích lô cũng là một loại xe khiến tôi thích mê vì được nghe âm thanh cọc cạch lượn trong thành phố xa trong đêm dưới đường khuya vắng ngắt. Cả người lẫn hành lý đều được xếp lên hết một chiếc xe xích lô đạp. Tôi đã bắt đầu những cuộc phiêu lưu trên mọi chuyến xe như thế từ năm ba tuổi. Hoặc ký ức của tôi vẫn còn lưu nhớ hình ảnh cùng với bà nội lang thang khắp Quy Nhơn năm lên sáu trong đêm vì lỡ một chuyến xe. Cho đến bây giờ, dù có phiêu bạt bốn phương bằng nhiều phương tiện khác, tôi vẫn loay hoay nhớ dăm ba lần ngồi xích lô qua cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp.
Bữa nay ngồi nghe những điệu buồn miền Tây sông nước, tôi ngẩn người ra với ca từ về chiếc xe thổ mộ, dễ thương quá chừng. Cái rồi thắc mắc, tìm kiếm dấu vết qua những bức hình cũ kỹ. Hóa ra, nó đơn giản chỉ là chiếc xe ngựa, mà thời này người ta chỉ dùng để làm phương tiện quảng bá du lịch, không còn chuyên chở hàng hoá và người buôn kẻ bán chợ gần chợ xa ngược xuôi như xưa nữa. Dẫu chưa đến miền Tây bao giờ. Nhưng tôi lại nghiện những ca từ, giai điệu về miền sông nước buồn mênh mang kia. Tôi nghiện cả những bản vọng cổ mà tôi được nội dưỡng nuôi từ bé bởi sở thích thưởng thức món ăn tinh thần duy nhất đó. Rồi cùng với những chuyến xe đi về ngược xuôi miền Trung cùng với nội cũng trở thành thứ ký ức đậm màu hoài cổ mà khi còn bé tôi không thể nhận thức được nó đẹp lung linh như thế nào.
Có lần nhớ ra, khi thèm leo lên một chiếc xe xích lô tìm cảm giác hoài cổ, cũng muốn đi chiếc xe ấy thử xem sao. Nhưng lại chần chừ nghi hoặc. Không thể nào giống chiếc xích lô rơi rụng giọt mồ hôi trên những khuôn mặt khắc khổ đen nhẻm ở quê tôi được. Nhớ ra, mình có quá nhiều thứ để nhớ, để hoài niệm về những chuyến xe xưa, tự hỏi, liệu tất cả có phải đã quá xa xôi? Giờ, một mình ở xứ người ngồi mở đi mở lại khá nhiều lần cái đoạn mộng tưởng miền Tây trong những ca từ ngọt ngào này: “Lư, lắc lư xe thổ mộ. Chèn ơi quá dễ thương”, bỗng muốn rong ruổi khắp chốn hoặc ghé thăm xứ miền Tây gạo trắng nước trong cho lòng dạ bớt hoài cảm về một thời xa vắng.