Thu gom, tái chế rác thải nhựa: Doanh nghiệp không đứng ngoài cuộc!
Với những quy định mới trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nhựa hoặc có phát sinh rác thải nhựa phải có trách nhiệm tương ứng. Vì vậy, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị ngay từ thời điểm này để có phương án thích ứng với quy định mới.
Theo số liệu thống kê từ Bộ TN&MT, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, 0,28 triệu đến 0,73 triệu tấn trong số đó bị thải ra biển; chỉ khoảng 27% được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, DN. Hiện tỉnh Bình Định có những cơ sở thu gom, tái chế rác thải nhựa, nhưng hầu hết đều ở quy mô nhỏ lẻ, sử dụng công nghệ lạc hậu và cũng chưa đầu tư các công trình bảo vệ môi trường.
Việc thu gom, tái chế rác thải nhựa ngày càng trở nên khó khăn do lượng rác thải sinh hoạt luôn tăng.
- Trong ảnh: Hoạt động phân loại rác thải nhựa do các đơn vị phát động nhân Ngày Môi trường thế giới (5.6). Ảnh: THU TRANG
Ông Nguyễn Thi, chuyên viên Vụ Pháp chế Bộ TN&MT, cho biết: “Không chỉ các DN chuyên sản xuất các sản phẩm nhựa mới chịu chế tài theo quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, những DN sử dụng và phân phối sản phẩm nguyên liệu nhựa thành phẩm cũng phải có trách nhiệm trong hoạt động thu gom, xử lý. Theo đó, DN sẽ trực tiếp thu hồi sản phẩm nhựa do mình đưa ra thị trường, hoặc ký quỹ để đơn vị thứ ba thu gom và xử lý thay”.
Trực tiếp sử dụng nguyên liệu nhựa để sản xuất các lọ đựng dịch truyền, hằng năm, Công ty CP Fresenius Kabi đưa ra thị trường hàng triệu sản phẩm. Ông Lê Anh Khoa, Giám đốc Hỗ trợ dự án Công ty CP Fresenius Kabi Việt Nam, cho biết: “Hiện chúng tôi quan tâm các vấn đề liên quan đến việc sử dụng nguyên liệu nhựa trong sản xuất các sản phẩm. Tuy nhiên, việc xác định tác động của việc áp dụng theo các quy định mới đối với lợi nhuận của công ty cũng chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, chai lọ đựng các sản phẩm đưa ra thị trường cũng do các đơn vị khác thu gom, chúng tôi đang tìm hiểu cách thu gom phù hợp. Nhằm giảm thiểu lượng nhựa sử dụng, Công ty cũng đang nghiên cứu theo hướng giảm nguyên liệu đầu vào ở những vị trí phù hợp để sản xuất sản phẩm”.
Đang đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại khu xử lý rác thải Long Mỹ, ở xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn, Công ty Nam Thành Xuân Hiếu sẽ là một DN tham gia công tác thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Tân Toàn, Giám đốc điều hành Công ty Nam Thành Xuân Hiếu, chia sẻ: “DN chúng tôi quan tâm đến khâu thu gom, xử lý rác thải, trong đó có rác thải nhựa sinh hoạt. Tuy nhiên, rác thải trước khi được đưa đến khu chôn lấp, xử lý đã trải qua các công đoạn “chọn lọc” của những người thu lượm ve chai. Do đó, rác thải nhựa khi đến khu chôn lấp thường lẫn trong rác sinh hoạt, tốn rất nhiều công để phân loại, thu gom và tái chế. Chi phí cho việc tái chế rác thải nhựa vì vậy khó sinh lãi, chưa kích thích được DN tham gia. Ngoài những vấn đề nêu trên, DN cũng đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để xây dựng, vận hành nhà máy”.
Trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có những quy định về các cơ chế tài chính trong việc khuyến khích, ưu đãi các DN sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường; đồng thời, nâng cao mức thuế đối với các DN sản xuất sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì ny lông khó phân hủy.
TS Nguyễn Việt Cường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT), cho biết: “Một số quy định liên quan đến quản lý rác thải nhựa trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 sẽ có hiệu lực từ năm 2025. Do đó, các DN cần tìm hiểu, có lộ trình thay đổi công nghệ và nguyên liệu phù hợp để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, cần sự vào cuộc đồng bộ của các ban ngành liên quan để tinh thần Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được thực thi hiệu quả, giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa”.
HOÀNG QUÂN