Không để dịch chồng dịch
Bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp ở TP Hồ Chí Minh và các địa phương phía nam. Tuy chỉ mới bước vào đầu mùa mưa, nhưng số ca mắc sốt xuất huyết liên tục tăng cao với số ca nặng, ca tử vong gấp nhiều lần so với những năm gần đây.
Cùng với đó, việc biến chủng Omicron BA.5 xuất hiện tại Việt Nam được dự báo sẽ làm tăng số ca nhiễm Covid-19 trong thời gian tới. Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, TP Hồ Chí Minh cần nhanh chóng thực hiện các giải pháp nhằm ngăn dịch bệnh bùng phát, nhất là không để xảy ra dịch chồng dịch.
Bệnh nhi nhập viện điều trị bệnh sốt xuất huyết tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh An Giang. Ảnh: TTXVN.
Theo báo cáo của Sở Y tế thành phố, tính đến giữa tháng 6, số ca mắc sốt xuất huyết tích lũy ở các tỉnh, thành phố phía nam là hơn 55.863 ca, tăng 117% so cùng kỳ năm 2021; trong đó số ca tử vong đến ngày 19.6 là 42 ca, tăng 6 lần so cùng kỳ và bảy lần so với năm 2021. Phân bổ ca mắc sốt xuất huyết theo địa phương cho thấy, TP Hồ Chí Minh có số ca mắc, tử vong cao nhất trong số 20 tỉnh, thành phố khu vực phía nam.
Tính đến ngày 29.6, số ca mắc sốt xuất huyết tích lũy ở thành phố là 20.952 ca, tăng 172,5% so cùng kỳ năm 2021, trong đó có 10 người chết. Các địa phương ở thành phố có số ca mắc cao gồm quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, quận 12, huyện Hóc Môn, TP Thủ Ðức, huyện Củ Chi, quận Tân Phú. Theo Sở Y tế thành phố, nếu không có những giải pháp quyết liệt, dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát mạnh mẽ tại các địa phương này khi bước vào đỉnh dịch năm nay.
Các chuyên gia y tế cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía nam. Ngoài việc năm 2022 rơi vào năm chu kỳ bùng phát của dịch sốt xuất huyết, một trong những nguyên nhân khác là do việc tiêu diệt loăng quăng, muỗi chưa thật sự trở thành thói quen trong nhận thức và hành động của người dân. Qua kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại các quận, huyện ở thành phố vừa qua cho thấy, nhiều nơi, nhiều hộ gia đình vẫn còn vật thể chứa nước chưa được xử lý. Ðây là điều kiện thuận lợi để phát sinh loăng quăng, muỗi vằn lây truyền bệnh sốt xuất huyết.
Mặt khác, công tác truyền thông chưa phát huy hiệu quả; việc xử phạt về vi phạm trong phòng, chống dịch sốt xuất huyết còn nhiều hạn chế, chưa đủ sức răn đe cũng ảnh hưởng hiệu quả phòng, chống dịch. Ngoài ra, sau thời gian tập trung chống dịch Covid-19, một số bác sĩ, nhất là bác sĩ trẻ, "quên bài" dẫn đến việc điều trị bệnh sốt xuất huyết gặp khó khăn.
Sốt xuất huyết là bệnh lưu hành, thường xuất hiện khi mùa mưa đến. Vì vậy, việc chủ động phòng, chống phải thực hiện từ sớm nhằm kiểm soát dịch bệnh, hạn chế số ca nặng, tử vong. Ngành y tế thành phố đã phát động chiến dịch tổng vệ sinh, triệt tiêu nơi sinh sản của muỗi bệnh. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thường xuyên tiêu diệt loăng quăng. Công tác phân luồng, phân tuyến điều trị sốt xuất huyết cần thực hiện hiệu quả hơn, tránh số ca bệnh nhẹ vẫn chuyển về tuyến trên gây quá tải các bệnh viện tuyến cuối, ảnh hưởng công tác điều trị, thậm chí tạo nguy cơ lây nhiễm chéo tại các cơ sở y tế.
Ðáng chú ý, để không xảy ra dịch chồng dịch, ngoài tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, ngành y tế thành phố cần tập trung đẩy mạnh công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi nhắc lại. Chú trọng rà soát các đối tượng tiêm chủng, nhất là những đối tượng nguy cơ như người cao tuổi, người mắc các bệnh lý mạn tính, miễn dịch. Cán bộ, nhân viên y tế cần "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để vận động, giải thích giúp người dân hiểu, chủ động đi tiêm phòng Covid-19.
Ðợt dịch Covid-19 lần thứ tư vừa qua đã để lại cho TP Hồ Chí Minh nhiều bài học quý giá. Sự đoàn kết, chung sức, chung lòng giữa các ban, ngành, đoàn thể, các lực lượng và người dân đã tạo nên sức mạnh tổng hợp giúp thành phố vượt qua đại dịch và phục hồi mạnh mẽ từng ngày. Bài học đó cần tiếp tục được phát huy trong công tác phòng, chống dịch chồng dịch hiện nay.
Theo VÕ MẠNH HẢO (NDĐT)