Tây Sơn bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng
Những ngày diễn ra Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Bình Định lần thứ XVI - năm 2022 ở huyện Vĩnh Thạnh, người xem ngỡ ngàng, thích thú khi nhìn thấy 4 diễn viên “nhí” của đoàn Tây Sơn say sưa đánh những nhịp chiêng giòn tan, vang vọng.
Đó là 4 diễn viên nhỏ tuổi ở xã Vĩnh An, gồm: Đinh Duy Lộc (8 tuổi), Đinh Minh Toàn (10 tuổi), Đinh Gia Quốc Hữu (12 tuổi) cùng ở làng Giọt 1, và Đinh Công Mạnh (13 tuổi) ở làng Giọt 2. Ông Đinh Ngắt (làng Giọt 2) và anh Đinh Phúc (làng Giọt 1) là những người có công đánh thức niềm đam mê nhịp chiêng âm vang nơi đại ngàn cho các em.
Bốn diễn viên “nhí” đánh cồng chiêng của đội huyện Tây Sơn tại Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh năm 2022. Ảnh: TRỌNG LỢI
Ông Đinh Ngắt, người đánh chiêng giỏi, chỉnh chiêng khéo bậc nhất ở xã Vĩnh An hiện nay, bộc bạch: Lối sống cùng những sinh hoạt văn hóa hiện đại tác động rất mạnh đến thanh thiếu niên bây giờ. Trong khi đó, những người có hiểu biết sâu sắc văn hóa cồng chiêng lần lượt qua đời, lớp trẻ không mặn mà với văn hóa của ông cha để lại... nên nghệ thuật cồng chiêng dần mai một, trong khi cồng chiêng là tâm hồn, nhịp điệu cuộc sống, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Bana.
Từ nỗi lo mai một bản sắc văn hóa, ông Ngắt đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động bà con trong làng, xã nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hóa cồng chiêng. Đồng thời, ông đặc biệt dành thời gian tìm kiếm những thanh thiếu niên có năng khiếu đánh chiêng để truyền dạy với mong muốn họ tiếp tục duy trì vốn quý của cha ông.
Trước đó, ông Đinh Ngắt là người hướng dẫn, đào tạo kỹ năng đánh cồng chiêng cho diễn viên Đinh Phúc, giúp anh trở thành “ngôi sao” cồng chiêng của làng. Giờ đây, Đinh Phúc được xem là thế hệ kế cận của ông Ngắt, giữ vai trò cầu nối, tập hợp các bạn trẻ ở làng tham gia biểu diễn cồng chiêng, múa xoang, tham gia các hội thi, hội diễn. Phần thi biểu diễn nghệ thuật quần chúng tại Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh lần thứ XVI - năm 2022 của đội Tây Sơn xuất sắc đạt giải nhì là một thành công lớn, ghi nhận nỗ lực của họ.
“Mình rất vui khi nhìn thấy 4 diễn viên nhỏ tuổi của làng sau thời gian được chỉ dẫn đã biết đánh chiêng. Mình sẽ cố gắng thổi ngọn lửa đam mê văn hóa cồng chiêng cho lớp trẻ và tận tâm truyền hết kỹ năng đánh chiêng mà mình có cho người thân, con cháu ở làng, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của ông cha xưa để lại”, anh Đinh Phúc cho biết thêm.
Biểu diễn cồng chiêng trong lễ mừng cơm mới của đồng bào Bana ở Tây Sơn tại Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh lần thứ XVI - năm 2022. Ảnh: TRỌNG LỢI
Tại huyện Tây Sơn, đồng bào Bana sinh sống, phân bố ở 7 làng thuộc 3 xã, gồm 5 làng thuộc xã Vĩnh An và làng Cam (Tây Xuân), làng M6 (Bình Tân). Đến nay, mỗi làng đều có một bộ cồng chiêng, đồng thời thành lập được đội cồng chiêng, múa xoang. Tiếng cồng, tiếng chiêng giờ đây đã vang vọng trở lại khắp nơi trong cộng đồng, đặc biệt là trong lễ cưới hỏi và các ngày hội họp của làng.
Ông Đặng Bảo Toàn, Trưởng Phòng VH-TT huyện Tây Sơn, cho biết, việc tặng chiêng cho các làng đã góp phần động viên, khích lệ tinh thần cho các nghệ nhân; tạo điều kiện thuận lợi cho việc duy trì tập luyện, tham gia các buổi phục dựng, trình diễn nghi lễ, lễ hội truyền thống, hội thi, hội diễn, liên hoan cồng chiêng ở địa phương, tỉnh, khu vực. Chưa kể, hằng năm, ngành Văn hóa huyện còn tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng cho các nghệ nhân, diễn viên đồng bào Bana, giúp họ có điều kiện học hỏi, nâng cao kỹ năng đánh cồng chiêng.
“Từ đó, họ trở về địa phương truyền dạy cho các thế hệ trẻ để tiếp tục duy trì, kế nghiệp vốn di sản văn hóa phi vật thể từ các nghệ nhân lớn tuổi, khơi dậy niềm đam mê diễn tấu cồng chiêng cho các em; góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng tại địa phương. Trong những năm tới, địa phương tiếp tục nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách về bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng; có chính sách hỗ trợ, động viên đối với nghệ nhân để họ tiếp tục cống hiến, giữ gìn, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc”, ông Toàn cho biết thêm.
TRỌNG LỢI