Hai tượng thú bằng gốm tráng men Champa
Trong các di tích lò gốm cổ Champa đã phát hiện ở Bình Định, khu lò gốm Gò Cây Me ở Nhơn Mỹ, TX An Nhơn là khu lò có sản xuất gốm tráng men với hoa văn trang trí phong phú và độc đáo bậc nhất. Qua hai cuộc khai quật tại đây vào các năm 2016, 2017, các nhà khoa học đã thu được nhiều hiện vật gốm tráng men đa dạng, chất lượng cao, cho thấy trình độ chế tác gốm đã đến độ tinh xảo. Ngoài các sản phẩm khá phổ biến như bát, đĩa, chén, hũ…, có phát hiện khá thú vị - hai tượng thú (bò và sư tử) bằng gốm tráng men.
Tượng hình sư tử bị vỡ mất phần thân, chỉ còn đầu và một mảnh thân. Phần còn lại này cao 8 cm, tráng men màu trắng đục. Chỉ với phần ít ỏi còn lại đó nhưng vẫn đủ cho thấy một số đặc điểm như: Khuôn mặt sư tử trông rất dữ tợn với mắt to lồi, lông mày xếch ngược, mũi to hếch lên, hai cánh mũi bè ra để lộ hai lỗ mũi sâu; tượng được làm rỗng bên trong.
Tượng sư tử bằng gốm tráng men.
Tượng thứ hai hình một con bò (cao 5,3 cm, dài 8,5 cm) nhưng đã bị vỡ hai chân sau, hai sừng và đuôi. Tượng gốm được tạo hình khá đơn giản, không đi sâu vào chi tiết nhỏ mà chỉ thể hiện các bộ phận cơ bản nhất của một tượng thú như đầu, thân, chân, đuôi, sừng… Tượng bò được tạo hình trong tư thế đứng, có một chiếc u nổi ở trên lưng gần vai, tráng men màu vàng da lươn.
Tượng bò bằng gốm tráng men. Ảnh: N.V.T
Phân tích về loại hình sản phẩm, có thể thấy cả hai tượng thú này đều được chế tác thủ công, tạo dáng bằng tay rất công phu và tỉ mỉ bằng các dụng cụ thô sơ, nhưng đường nét chế tác khá sinh động, đẹp. Sau khi chế tác xong, phôi gốm thô được nhúng vào dung dịch men, phơi khô, rồi đưa vào lò nung ở nhiệt độ cao.
Dù là được sử dụng với mục đích gì thì việc phát hiện hai tượng thú bằng gốm tráng men này cho thấy sự đa dạng trong việc chế tác các loại hình đồ gốm tráng men của những nghệ nhân Champa, qua đó góp phần hình thành nên một thương hiệu gốm cổ với định danh là Gò Sành nổi tiếng trên đất Bình Định.
NGUYỄN VIẾT TUẤN