Ngày hội Văn hóa- Thể thao miền biển tỉnh lần thứ XI- 2014:
Vang vọng tình yêu biển đảo
Ngày hội Văn hóa-Thể thao miền biển tỉnh lần thứ XI-2014 vừa được tổ chức tại TP Quy Nhơn được đánh giá là thành công nhiều mặt; đã để lại dư âm đẹp trong lòng người xem qua các hoạt động văn hóa, thể thao hướng về biển đảo quê hương.
Hướng về biển đảo
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở VH - TT- DL kiêm Trưởng Ban tổ chức Ngày hội, nhận xét: “Chủ đề chính của Ngày hội mang tính thời sự hướng về biển đảo Tổ quốc đã được các đoàn làm nổi bật trong phần thi văn nghệ, góp phần tuyên truyền mọi người cùng hòa chung tình yêu quê hương, nêu cao tinh thần đoàn kết sẵn sàng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển đảo”.
Chương trình thi văn nghệ của TP Quy Nhơn (đoạt giải Nhất) được dàn dựng hoành tráng, sinh động. Trong tiết mục múa “Những trái tim của biển”, các diễn viên đã thể hiện tốt hình ảnh các chiến sĩ mạnh mẽ vượt qua gian khổ, hiểm nguy để bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Tiểu phẩm “Chuyện lạ có thật” (giải tiết mục xuất sắc) với sự diễn xuất dí dỏm ăn ý của các diễn viên đã tuyên truyền hiệu quả cho đông đảo người dân đến xem. Ông Nguyễn Văn Trí, một người dân ở phường Trần Phú, nhận xét: “Tôi thích ý tưởng dàn dựng của tiểu phẩm từ chuyện một chị ngang nhiên sang vườn nhà hàng xóm đào bới tìm “của quý” rồi lý sự cùn làm người khác tức ngang xương. Từ đó, làm cái cớ dẫn dắt bày tỏ sự bất bình của người dân Việt Nam trước hành động ngang ngược của Trung Quốc khi đưa giàn khoan Hải dương 981 vào khu vực biển của nước ta”.
Chương trình văn nghệ dự thi của huyện Tuy Phước (đoạt giải Nhì) gây ấn tượng khi mở đầu bằng hình ảnh lão ngư kêu gọi con cháu ra khơi để tiếp nối cha ông giữ vững ngư trường truyền thống, cùng những hình ảnh, tư liệu minh họa về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Chương trình đem đến nhiều cảm xúc cho người xem từ hình ảnh vòng hoa tưởng niệm các chiến sĩ hải quân đã hy sinh ở đảo Gạc Ma được tái hiện trên sân khấu, đến những lời ca vang vọng của ca khúc Linh thiêng Việt Nam: Ta đi lấy lại Trường Sa. Ta đi lấy lại Hoàng Sa. Ta đi vì Tổ quốc nghìn đời Việt Nam. Anh Nguyễn Phú, cán bộ Trung tâm VH-TT-TT huyện Tuy Phước, cho biết: “Chương trình văn nghệ được dàn dựng các tiết mục liền mạch cảm xúc với các phần nội dung về biển đảo trong tiềm thức người Việt, tình người tình biển. Các diễn viên biểu diễn hết mình, thể hiện tấm lòng hướng về biển đảo Tổ quốc”.
Trong phần thi văn nghệ, cũng xuất hiện một số giọng ca mới thể hiện những ca khúc “lay động lòng người” đã đoạt giải xuất sắc như Phạm Văn Hào (huyện Phù Cát) với Nơi ấy là Trường Sa, Thùy Linh (huyện Phù Mỹ) với Sức sống Trường Sa… Chị Nguyễn Thị Xuân Hương, sinh viên Đại học Quy Nhơn, tâm sự: “Có cảm xúc gì đó thật mới mẻ khi nghe anh Phạm Văn Hào hát rất hay những lời ca nhẹ nhàng nhưng da diết tình cảm về người chiến sĩ nơi đảo xa: Phía xa xa chân trời nghìn trùng sóng gió, có những con người thay chúng ta đang vượt qua ngọn sóng vươn tới chân trời, giữ lấy nơi biên cương chưa bình yên của mọi người.
Bảo tồn văn hóa truyền thống
Phần thi tổ chức Hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định có 5 huyện, thành phố tuyến biển tham gia. So với lần thi đầu tiên trong Ngày hội lần trước, nhiều đơn vị đã có sự tiến bộ rõ rệt. Sự quan tâm đầu tư cho các hoạt động bảo tồn và phát huy hội đánh bài chòi cổ đã giúp cho đoàn TP Quy Nhơn có lực lượng hiệu, nhạc công biểu diễn khá đều tay và đã giành giải Nhất. Ngoài những gương mặt hiệu giỏi quen thuộc như Hoàng Việt, Quý Nhất, Quy Nhơn đã giới thiệu thêm “hiệu mới” Trần Huệ Thiện (xã đảo Nhơn Châu) được trao giải nghệ nhân trẻ triển vọng. Việc các huyện Tuy Phước, Hoài Nhơn, Phù Mỹ cùng đoạt giải Nhì cũng thể hiện được tín hiệu tích cực về chất lượng khá đều trong việc tổ chức hội đánh bài chòi cổ ở các địa phương.
Ông Nguyễn Trung Hiển, hiệu của đội bài chòi cổ huyện Hoài Nhơn tham gia thi tài trong Ngày hội, cho biết: “Có 7 thành viên Câu lạc bộ bài chòi cổ xã Hoài Thanh được tạo điều kiện tham gia Ngày hội. Nhờ vậy, đã học hỏi nhiều kinh nghiệm từ cách tổ chức hội đánh bài chòi cổ của các địa phương khác, đặc biệt là từ đội TP Quy Nhơn có lực lượng hiệu hát hay và diễn xuất sinh động”.
Nhìn chung, tại Ngày hội Văn hóa-Thể thao miền biển tỉnh lần này các đoàn đều có sự đầu tư tìm tòi, khai thác những nét đặc sắc trong kho tàng văn hóa dân gian để dàn dựng thành công nhiều tiết mục văn nghệ. Các phần thi chế biến đặc sản ẩm thực truyền thống của địa phương đã được lưu truyền thành câu ca dao, thi đan lưới, trò chơi dân gian góp phần cho thành công Ngày hội.
Hoài Thu