Tạo “cú hích” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Qua 18 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW và Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị, diện mạo của tỉnh Bình Ðịnh đã có nhiều khởi sắc đáng kể, đời sống nhân dân được cải thiện, nâng cao.
Đây là đánh giá của các đại biểu tại Hội nghị Tổng kết 18 năm thực hiện Nghị quyết (NQ) số 39-NQ/TW ngày 16.8.2004 của Bộ Chính trị khóa IX (về phát triển KT-XH và đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2010) và Kết luận số 25-KL/TW ngày 2.8.2012 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục thực hiện NQ số 39-NQ/TW, do Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức ngày 5.7.
Các đồng chí: Hồ Quốc Dũng- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Phi Long - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: N. HÂN
Tham dự Hội nghị về phía Trung ương có đồng chí Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng kết NQ số 39-NQ/TW; Lê Sơn Hải - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ; cùng các đồng chí trong Ban Chỉ đạo Trung ương, Tổ Biên tập xây dựng Đề án Tổng kết thực hiện NQ số 39-NQ/TW.
Tạo “cú hích” phát triển
Để cụ thể hóa các chủ trương của Đảng trong NQ số 39-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng, ban hành Chương trình hành động và Kế hoạch thực hiện NQ, trong đó xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cũng như lộ trình thực hiện cụ thể để tổ chức thực hiện.
Ảnh: N. HÂN
Sau gần 18 năm tập trung chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện các nhiệm vụ của NQ số 39-NQ/TW và sau này là Kết luận số 25-KL/TW, Bình Định đã tập trung mọi nguồn lực để phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh, từng bước trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền Trung.
Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long thông tin: Trong giai đoạn 2004 - 2021, tình hình KT-XH của tỉnh đạt nhiều thành tựu đáng kể. GRDP của tỉnh không ngừng tăng trưởng, năm 2020 đạt 89.793 tỷ đồng, tăng gần 11 lần so với năm 2004; đến năm 2021 đạt 95.311 tỷ đồng, tăng 11,67 lần so với năm 2004, chiếm 7,62% quy mô kinh tế cả vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, xếp thứ 6/14 tỉnh, thành trong vùng.
Xuất khẩu hàng hóa qua cảng Quy Nhơn. Ảnh: N.H
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh giai đoạn 2004 - 2010 là 10,85% và giai đoạn 2010 - 2021 là 6,11%/năm. Tổng sản phẩm địa phương bình quân đầu người năm 2021 của Bình Định đạt 63,19 triệu đồng, tăng 3,49 lần so với năm 2010 và bằng 97,9% bình quân đầu người cả nước.
Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Thành Hải cho hay, từ năm 2004 đến nay, Bình Định đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển KT-XH rất hiệu quả. Đặc biệt, tỉnh đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư, nâng cấp hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tập trung các nguồn lực đẩy nhanh tốc độ đầu tư xây dựng theo quy hoạch các khu công nghiệp, đặc biệt là Khu kinh tế Nhơn Hội, Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định, phát triển các ngành kinh tế trọng điểm mà tỉnh có lợi thế.
“Trên cơ sở các nội dung tổng kết, các ý kiến tham luận, tham gia góp ý của các đại biểu tham dự Hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ hoàn chỉnh Báo cáo tổng kết gửi Ban Chỉ đạo Trung ương Tổng kết NQ số 39-NQ/TW theo kế hoạch. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo bổ sung, hoàn thiện chiến lược, định hướng phát triển của tỉnh, đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khả thi nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung, đóng góp tích cực vào sự phát triển của vùng và cả nước”.
Bí thư Tỉnh ủy HỒ QUỐC DŨNG
“Bình Định không ngừng cải cách thủ tục hành chính và đổi mới tác phong, lề lối làm việc; kịp thời nắm bắt, đề xuất giải quyết các yêu cầu của DN và nhà đầu tư để kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất. Đồng thời, nhất quán quan điểm thu hút đầu tư phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - DN - người dân”, ông Hải khẳng định.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Quy Nhơn Đặng Mạnh Cường, triển khai thực hiện NQ số 39-NQ/TW và Kết luận số 25-KL/TW thời gian qua, TP Quy Nhơn đã có nhiều kết quả nổi bật trong phát triển KT-XH và là địa phương có vai trò “đầu tàu” của tỉnh trong phát triển các ngành dịch vụ, du lịch. Đáng ghi nhận, trong 6 tháng đầu năm 2022, khi dịch Covid-19 được khống chế, du lịch của thành phố có sự khởi sắc đáng kể; thành phố đã đón gần 2 triệu lượt khách.
Tăng tốc phát triển
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện NQ số 39-NQ/TW và Kết luận số 25-KL/TW trên địa bàn tỉnh còn gặp một số tồn tại, hạn chế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng khá, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa tạo được sự bứt phá về phát triển kinh tế, nhất là phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh kinh tế còn thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển khá, song chưa bền vững; quy mô, năng lực sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán; thiết bị công nghệ một số ngành, DN chậm đổi mới.
Nguồn: BTV
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, Bình Định còn nhiều dư địa để tăng tốc phát triển trong thời gian đến. Ông Sơn đề nghị tỉnh cần sớm hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Dịp này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tặng bằng khen cho 17 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện NQ số 39-NQ/TW và Kết luận số 25 của Bộ Chính trị.
Đồng thời, từng bước đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, gắn với tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn; gắn phát triển đô thị với phát triển công nghiệp và xây dựng nông thôn mới; xây dựng hệ thống đô thị thông minh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh.
Bên cạnh đó, cần có giải pháp cụ thể cho liên kết vùng; xác định rõ và phát huy vai trò, vị thế và tiềm năng của tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; cầu nối giữa vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với Tiểu vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên, vùng Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan.
NGUYỄN HÂN