Ðổi mới, nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông: Hướng tới nền nông nghiệp tiên tiến
Nhằm hưởng ứng phong trào thi đua “Ðổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến nông góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nông dân giàu có, nông thôn văn minh” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phát động, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) có nhiều đổi mới để phù hợp với hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Các hoạt động này đều gắn với việc thực hiện Chương trình hành động số 11 của Tỉnh ủy Bình Định về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2025. Phóng viên Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh xung quanh vấn đề này.
● Ông đánh giá về công tác khuyến nông trên địa bàn tỉnh thời gian qua như thế nào?
- Qua gần 30 năm hoạt động cùng với tiến trình phát triển của ngành NN&PTNT, tổ chức khuyến nông không ngừng phát triển, lớn mạnh từ Trung ương, tỉnh đến cấp cơ sở, gắn bó mật thiết với nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Gần đây, mạng lưới khuyến nông có nhiều thay đổi, dẫn tới thiếu hụt nhất định về lực lượng. Để công tác khuyến nông vận hành liền mạch, thông suốt, được sự chỉ đạo trực tiếp từ lãnh đạo Sở NN&PTNT, Trung tâm đã xây dựng và triển khai nhiều giải pháp, phối hợp chặt chẽ với các trung tâm dịch vụ nông nghiệp cơ sở thực hiện tốt nhiều mô hình khuyến nông.
Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ Semi - Biofloc ở huyện Phù Cát do Trung tâm Khuyến nông tỉnh chuyển giao kỹ thuật. Ảnh: THU DỊU
Nhìn chung, công tác khuyến nông ở tỉnh ta liên tục phát triển. Các mô hình khuyến nông ngày càng bám sát thực tế, không còn nặng về chuyển giao kỹ thuật mà chú trọng, kết hợp hài hòa các yếu tố từ sản xuất đến thị trường, tiêu thụ, liên kết nhiều “nhà” trong sản xuất được tính toán chu đáo hơn, vấn đề bảo vệ môi trường được quan tâm với định hướng sản xuất bền vững… Nghĩa là hoạt động khuyến nông gắn chặt với sự chuyển đổi của nền sản xuất nông nghiệp của địa phương; đội ngũ cán bộ khuyến nông phải nhạy bén để cập nhật các yếu tố mới trong xây dựng mô hình, từ đó mới tạo được sự lan tỏa.
Chúng ta đều thấy rằng, nông dân thời đại mới rất am hiểu về công nghệ, chủ động tiếp cận thông tin, chủ động trong học hỏi. Đây là điểm thuận lợi để cán bộ khuyến nông theo đó áp dụng những mô hình mới, triển khai sâu rộng và bài bản hơn, vừa đảm bảo không bị “đứt gãy” do thiếu lực lượng, vừa linh hoạt để đổi mới, hướng tới một nền nông nghiệp tiên tiến.
● Ông có thể nói rõ thêm về sự đổi mới trong công tác khuyến nông hiện nay, thưa ông?
- Như tôi đã chia sẻ, công tác khuyến nông hiện nay không nặng tính chuyển giao kỹ thuật mà phải hài hòa các yếu tố trong phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường. Điều này buộc chúng tôi phải phát triển mô hình khuyến nông mới, trong đó phải đảm bảo kỹ thuật được chuyển giao phải dễ thực hiện, để nông dân tự tin trong triển khai sản xuất; cùng với mô hình cũng phải tính tới các yếu tố thị trường. Năng suất cao, sản phẩm đạt chất lượng tốt mà bán không được thì cũng như không!
Không chỉ có vậy, hoạt động khuyến nông còn phải định hướng, hỗ trợ để nông dân làm chủ trên cánh đồng của mình, hiểu và hạch toán được chi phí sản xuất, doanh thu để đầu tư đạt hiệu quả kinh tế tốt nhất. Cùng với đó, phải thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường.
Trong vụ Đông Xuân 2021 - 2022, chúng tôi xây dựng 3 mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với tổng diện tích 15 ha, giúp nông dân làm quen với phương thức sản xuất giảm phụ thuộc vào phân bón hóa học, áp dụng phương thức canh tác lúa cải tiến SRI, sử dụng các chế phẩm sinh học làm phân bón hữu cơ thay thế cho phân bón vô cơ. Kết quả, mô hình đạt năng suất và sản lượng cao, bình quân từ 72 - 75 tạ/ha, riêng mô hình ở Tam Quan Nam (TX Hoài Nhơn) cho năng suất 83 tạ/ha.
Giá lúa theo hướng hữu cơ cao hơn bình thường 10 - 15 % so với lúa canh tác theo kiểu cũ. Mô hình này đáp ứng được 3 vấn đề đổi mới hoạt động khuyến nông mà tôi đề cập: Giúp nông dân nắm vững kỹ thuật, chuyển đổi phương thức sản xuất phù hợp; giảm chi phí đầu vào, tăng doanh thu; thích ứng với biến đổi khí hậu.
● Để cụ thể hóa mục tiêu của phong trào thi đua này, Trung tâm triển khai những hoạt động nào?
- Trung tâm xây dựng kế hoạch triển khai mô hình theo từng giai đoạn, mô hình dài hơi và có tính lan tỏa hơn. Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2023, lĩnh vực trồng trọt có 10 mô hình với 65 điểm trình diễn tập trung vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng cạn, các mô hình sản xuất gắn với liên kết chuỗi giá trị; lĩnh vực chăn nuôi có 4 mô hình với 15 điểm trình diễn; thủy sản có 5 mô hình với 22 điểm trình diễn. Các mô hình khuyến nông bắt nhịp với xu thế mới, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.
Cùng với đó, Trung tâm áp dụng công nghệ trong kết nối để chia sẻ thông tin tới nông dân đầy đủ nhất. Đồng thời, khắc phục sự thiếu hụt trong lực lượng khuyến nông cơ sở, Trung tâm xây dựng mô hình khuyến nông viên, khuyến ngư viên và tổ khuyến nông cộng đồng nhằm đẩy mạnh hoạt động tư vấn, dịch vụ khuyến nông đáp ứng nhu cầu thực tiễn sản xuất. Mô hình này vừa khắc phục được sự thiếu hụt về lực lượng vừa tăng tính kết nối để duy trì các hoạt động chuyển giao kỹ thuật từ tỉnh đến cơ sở.
● Xin cảm ơn ông!
THU DỊU (Thực hiện)