Cựu chiến binh thành tỷ phú nhờ nuôi tôm
Tiếp chúng tôi trong “biệt thự” bề thế, CCB Võ Thanh Triên (68 tuổi, ở thôn Công Lương, xã Hoài Mỹ, TX Hoài Nhơn) vui vẻ nói: “Tất cả đều nhờ vào tiền nuôi tôm cả đấy!”.
Không có chặng đường nào trải đầy hoa hồng. Hành trình làm giàu từ nuôi tôm của ông Triên cũng gặp nhiều trắc trở, truân chuyên. Ông Triên kể, năm 1999, chính quyền xã Hoài Mỹ có chủ trương cải tạo đầm Công Lương (ở thôn Công Lương) rộng 16 ha để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Ông Triên và 3 người bạn cùng nhận khoán 1 ha mặt nước ở đầm rồi hùn vốn, bỏ công sức đắp bờ để nuôi tôm. Tuy nhiên, nuôi tôm trong ao bùn không hiệu quả, 3 người bạn “rút lui”, ông Triên tiếp nhận luôn phần diện tích của họ. Đằng đẵng 10 năm nuôi tôm trong ao bùn, nhưng hiệu quả mang lại không cao, số vốn của ông Triên ngày càng thâm hụt.
CCB Võ Thanh Triên là một điển hình dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi để tạo đột phá trong phát triển kinh tế. Ảnh: H.P
Không chùn bước, năm 2013, ông vay mượn, tiếp tục mua thêm đất, con giống và trang thiết bị cải tạo lại hồ để nuôi tôm thẻ chân trắng trên 4 hồ lót bạt, diện tích khoảng 1 ha. Thời gian đầu, tôm phát triển tốt nhưng sang tháng thứ 2 thì bỏ ăn, nổi đầu, chết hàng loạt. Cuối năm lại có trận lụt lớn, ao hồ bị sạt lở hết, trang thiết bị hư hỏng nặng… Số vốn ông Triên bỏ ra xem như mất trắng, sức khỏe ông cũng xuống cấp trầm trọng.
Ông Triên đánh liều cú chót, thuyết phục ngân hàng cho vay thêm 900 triệu đồng để khôi phục sản xuất. Tháng 4.2014, ông Triên thả tôm nuôi trên tất cả 4 ao. Vụ đó tôm phát triển tốt, lại gặp lúc giá tôm lên cao nên ông Triên trúng lớn, lãi hơn 1 tỷ đồng. Nhờ vậy, gia đình ông trả hết nợ, còn dư được ít vốn.
Ông Triên khẳng định, thành công với nghề nuôi tôm thẻ chân trắng của mình không phải may mắn mà là thành quả của việc vừa khai thác hiệu quả, vừa đầu tư mở rộng diện tích nuôi, rút kinh nghiệm và điều chỉnh phương thức nuôi từng vụ, từng năm. Giai đoạn 2015 - 2020, bình quân mỗi năm ông thu lãi ròng hơn 2 tỷ đồng.
Cơ sở của ông Triên hiện có 15 lao động làm việc thường xuyên với mức lương 7 triệu đồng/người/tháng. Đó là chưa kể hàng chục công lao động thời vụ khi vào mùa thu hoạch tôm. Đặc biệt, khi nuôi tôm có lãi, ông Triên thưởng thêm cho các lao động, có người nhận đến 14 - 15 triệu đồng/vụ .
Ông Triên còn luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ người khác để cùng nhau phát triển. Trong đó, đã có 6 gia đình CCB trên địa bàn đã được ông Triên hỗ trợ về vốn (không tính lãi); người nhiều nhất 200 triệu, người ít nhất 20 triệu; đến năm 2021, tổng số tiền ông cho gia đình các CCB mượn không tính lãi lên đến 470 triệu đồng.
Điển hình là trường hợp của anh Huỳnh Văn Hoàng (con của đồng đội ông Triên) được ông cho mượn 3.000 m2 đất ở thôn Mỹ Khánh (xã Hoài Mỹ) để ở, phát triển kinh tế. “Nhờ sự hỗ trợ của chú Triên mà giờ gia đình tôi có cuộc sống khấm khá, mỗi năm thu trên 100 triệu đồng từ nuôi bò. Tôi nhiều lần đến nhà cảm ơn và đặt vấn đề trả tiền thuê đất nhưng đều bị chú Triên từ chối”, anh Hoàng chia sẻ.
Ông Huỳnh Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Mỹ, cho biết: CCB Võ Thanh Triên là một điển hình dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi để tạo đột phá trong phát triển kinh tế và sẵn sàng giúp đỡ đồng đội. Không chỉ thế, ông còn đóng góp hàng chục triệu đồng để xây dựng nhiều công trình và các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương.
HỒNG PHÚC