Nhiều mô hình làm giàu sáng tạo
Thời gian gần đây, nhiều thanh niên ở huyện Tây Sơn sau thời gian làm việc ở xa, chủ yếu là ở các tỉnh phía Nam, đã quay về quê nhà, vận dụng những kiến thức, kỹ năng tích lũy để khởi nghiệp làm giàu.
Đến thăm mô hình trồng trọt - chăn nuôi liên hoàn của anh Nguyễn Ngọc Tráng, 30 tuổi, ở thôn Thủ Thiện Hạ, xã Bình Nghi, người vốn không xa lạ gì với trồng trọt, chăn nuôi vẫn thấy bất ngờ với vườn măng tây xanh mơn mởn, cách đó không xa là dãy chuồng bò, heo béo tốt.
Anh Tráng cho biết, khu đất này trước đây gia đình trồng mì nhưng thu hoạch chẳng được là bao, hiệu quả kinh tế rất thấp. Vì vậy, sau một thời gian tìm tòi, học hỏi ở Lâm Đồng, anh đầu tư cải tạo đất, lắp đặt hệ thống béc phun, chuyển đổi 2 sào đất vườn sang trồng cây măng tây. Cùng với đó, anh nuôi 4 con bò sinh sản, 20 con heo rừng.
Vườn măng tây của anh Nguyễn Ngọc Tráng ở xã Bình Nghi. Ảnh: ĐINH NGỌC
Điều đáng nói trong cách làm của anh Tráng là sự kết hợp khá hiệu quả chăn nuôi - trồng trọt và ngay từ đầu anh đã xác định canh tác, chăn nuôi theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường. Theo đó, phần lớn thức ăn nuôi bò, heo là thức ăn xanh; phân bò, heo được anh gom lại đem ủ với chế phẩm sinh học Trichoderma và mật đường rỉ để làm phân hữu cơ bón cho măng tây. Với cách làm này, anh Tráng vừa giữ sạch môi trường chăn nuôi, cải tạo đất, đồng thời tiết kiệm được chi phí mua phân bón.
Sau trồng 4 tháng, vườn măng tây sạch của anh Tráng đã mang lại cho anh thu nhập mỗi ngày gần 400 nghìn đồng; và mỗi năm, anh có thêm hơn 50 triệu đồng nữa tiền bán một phần đàn bò, heo. Anh Tráng cho biết: Việc đầu tư cải tạo đất để thực hiện sản xuất nông nghiệp sạch tốn khá nhiều tiền, tuy vậy điều quan trọng là mình đã khẳng định được có thể làm giàu ngay ở quê nhà. Hiện tôi đang ấp ủ dự định và sẽ triển khai trong thời gian tới dự án sản xuất trà giải nhiệt từ gốc cây măng tây.
Hành trình lập nghiệp của anh Đinh Hữu Thắng, ở thôn Phú Thịnh, xã Tây Phú là câu chuyện khác và hiện anh là một trong những tấm gương sáng về ý chí vượt lên khó khăn, truyền cảm hứng để nhiều người có thể tìm việc làm phù hợp ngay tại quê nhà.
Anh Thắng kể: Trước đây tôi làm nghề nông, rồi cũng như nhiều người trong thôn, tôi tìm đường vào Nam mưu sinh với hy vọng đổi đời. Sau mấy năm dốc lòng làm việc tại một công ty may ở TP Hồ Chí Minh, tôi đã có mức lương rất khá, nhưng vẫn tin chắc rằng mình có thể làm nhiều hơn. Tôi quan sát và thấy nhiều thanh niên rời quê hương, cha mẹ, con cái vào Nam làm việc và may công nghiệp có lẽ là ngành hút nhiều lao động nhất. Do đó, khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm, quan hệ để có nguồn hàng, sắp xếp được vốn đầu tư, tôi liền về Tây Sơn mở xưởng may ngay tại quê nhà. Tôi có DN, mọi người có việc làm, ai cũng được gần gia đình, vợ con, cuộc sống ít bị xáo trộn.
Thật bất ngờ khi biết rằng hiện nay xưởng may của anh Thắng đang tạo việc làm cho gần 100 thanh niên, chủ yếu là người địa phương, lương bình quân từ 6 - 8 triệu đồng/người/ tháng. Nhiều công nhân làm việc ở xưởng của anh Thắng đều cho biết, cùng một việc như nhau nhưng ở quê nhà thì có tích lũy, để dành chút đỉnh, cuộc sống gần nhà thoải mái hơn nhiều so với ở các tỉnh phía Nam, đó là lý do vì sao họ chọn làm việc cho “ông chủ” Thắng.
Không chỉ có anh Tráng, anh Thắng, rất nhiều bạn trẻ ở huyện Tây Sơn đã bám trụ tại địa phương và triển khai được nhiều mô hình canh tác, sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả tốt ngay trên quê nhà như: Trồng hoa cúc ở các xã Bình Thành, Bình Hòa; chăn nuôi bò ở xã Bình Nghi, Tây Vinh, Tây Bình; nuôi heo thịt, heo rừng ở xã Tây Thuận, Bình Tường, Bình Hòa; mở trang trại chăn nuôi gà ở các xã Tây Thuận, Tây An; trồng bưởi da xanh ở xã Bình Tường; trồng thanh long ruột đỏ ở xã Tây Giang; trồng rau sạch ở thị trấn Phú Phong. Đặc biệt là một số mô hình mới như trồng dưa lưới ở xã Bình Tân; nuôi thỏ thịt và thỏ giống, sản xuất bánh canh rau, củ, quả ở xã Bình Nghi…
Anh Đặng Ngọc Vũ, ở xã Bình Nghi (bìa trái) là người đã khởi nghiệp thành công với sản phẩm bánh canh rau, củ, quả. Ảnh: ĐINH NGỌC
Khởi nghiệp trên nhiều lĩnh vực khác nhau từ trồng trọt, chăn nuôi, đến sản xuất công nghiệp, kinh doanh… nhưng điểm chung là tất cả họ đều tìm cách phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có ngay tại quê nhà. Họ linh hoạt, chịu khó học hỏi, ứng dụng, vận dụng KHKT, công nghệ tiên tiến, và đặc biệt nhất là hầu hết ngay từ đầu đều theo đuổi định hướng sản xuất sạch, thân thiện với môi trường, bền vững.
ĐINH NGỌC