Tỉnh táo trước hình thức cho vay trực tuyến
Cuối tháng 5 vừa qua, tại thành phố Sơn La diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại trực tiếp với nông dân Việt Nam. Một trong những nội dung mà nông dân nêu ra tại buổi đối thoại là nạn “tín dụng đen” vẫn tồn tại ở nông thôn hiện nay.
Tuy nhiên, không chỉ “tín dụng đen” nông dân đề cập mà ngay cả chủ doanh nghiệp, một bộ phận cán bộ, công nhân viên cũng đang lo lắng trước nạn “khủng bố” trả nợ từ trên trời rơi xuống khi một cá nhân nào đó trong đơn vị vay tiền bằng các app cho vay online.
Cần kiểm soát chặt chẽ dịch vụ cho vay tiền qua app, không để biến tướng thành tín dụng đen. Ảnh: Khả Hòa.
Mới đây, hiệu trưởng một trường học tại tỉnh Hà Tĩnh phải cầu cứu lực lượng chức năng đề nghị giải quyết việc thầy và nhiều giáo viên trong trường bị xúc phạm trên mạng xã hội với nội dung truy tìm các giáo viên lừa đảo đang công tác ở ngôi trường này. Nguyên nhân xuất phát từ việc một thầy giáo trong trường nợ tiền của một công ty tài chính, quá hạn nhưng chưa trả đủ khiến nhiều giáo viên trong trường bị đòi nợ vô cớ.
Tương tự, có chủ doanh nghiệp và một số thầy giáo hiệu trưởng tại Quảng Bình cũng bị đòi nợ, khủng bố tinh thần đến mất ăn mất ngủ chỉ vì nhân viên lái xe, một giáo viên trong trường vay tiền thông qua app cho vay online mà chưa trả gốc, lãi kịp thời.
Theo tìm hiểu, khi có nhu cầu về tiền, người vay chỉ cần chụp ảnh chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, sau đó dùng danh bạ điện thoại làm tài sản thế chấp, gửi qua app thông qua các trang web hoặc ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh. Chỉ với thủ tục như vậy, khách hàng có thể vay từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng mà không cần gặp mặt hay ký kết giấy tờ vay nợ.
Trường hợp không thanh toán được tiền gốc như cam kết, số tiền sẽ được nhân lên để tính với mức lãi suất rất cao. Khi người vay mất khả năng thanh toán, nhóm cho vay đòi nợ nhắn tin, gọi điện đe dọa, khủng bố tinh thần họ và người thân cùng các mối quan hệ trong danh bạ điện thoại đã thế chấp trước đó. Có trường hợp, chúng cắt ghép hình ảnh của người vay rồi tung lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ, ép nhanh trả nợ.
Để ngăn chặn hành vi cho vay nặng lãi thông qua hình thức cho vay trực tuyến, Nhà nước cần có chế tài chặt chẽ và nghiêm khắc hơn đối với hình thức cho vay này; đồng thời, có các giải pháp để mở rộng hơn tín dụng chính thức, tạo thêm điều kiện cho vay tiêu dùng phát triển giúp cho người dân tiếp cận nhanh nguồn vốn, với thủ tục nhanh gọn, phục vụ cho những nhu cầu bức thiết trong cuộc sống hằng ngày. Ngành Ngân hàng cần sớm mở rộng các chương trình cho vay vốn ưu đãi đối với người nghèo.
Thời gian qua, công an các đơn vị, địa phương đã mở nhiều đợt cao điểm tấn công, triệt xóa nhiều ổ nhóm liên quan đến tín dụng đen. Do đó nạn tín dụng đen đã giảm xuống song vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức tinh vi hơn khiến người dân dễ dàng “sập bẫy”. Vì thế, lực lượng công an cần rốt ráo hơn, quyết liệt hơn trong thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ ngày 25.4.2019 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh liên quan đến hoạt động tín dụng đen.
Hiện dữ liệu quốc gia về dân cư đã cơ bản hoàn thành, vì thế, các bộ, ngành nghiên cứu sử dụng cơ sở dữ liệu này để hỗ trợ thẩm định hồ sơ vay vốn, đánh giá các thông tin cơ bản của người vay, giúp người dân có thể vay vốn ngân hàng thuận lợi hơn.
Về phía người dân, cần cẩn trọng trước các lời mời vay tiền qua app hoặc các hình thức trực tuyến khác; tỉnh táo tìm hiểu kỹ thông tin điều khoản, dịch vụ, các quy định về lãi, phí và hạn mức trả nợ để tránh rắc rối, lo lắng về sau.
Theo HOÀNG PHÚC (NDĐT)