Nhiều công trình cấp nước sinh hoạt chưa phát huy hiệu quả
Hàng năm, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh ta đã đầu tư hàng chục tỉ đồng xây dựng các công trình cấp nước (CTCN) sinh hoạt cho người dân ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, công tác quản lý, duy tu bảo dưỡng chưa được chú trọng, nên nhiều CTCN đã bị xuống cấp, hư hỏng, không phát huy tác dụng.
Theo ông Hồ Đắc Chương, Giám đốc Trung tâm Nước sạch - Vệ sinh môi trường nông thôn (NS-VSMTNT) tỉnh, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt hiện nay là do nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý các CTCN. Thực tế cho thấy, phần lớn các CTCN đều do UBND huyện, thị xã, thành phố làm chủ đầu tư và giao cho UBND xã, HTX hoặc tổ cộng đồng dân cư ở địa phương quản lý, vận hành, khai thác và bảo vệ, nhưng các thành viên quản lý công trình thiếu chuyên môn nghiệp vụ, không thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành. Có nhiều công trình xuống cấp nhưng chính quyền địa phương chưa sửa chữa, bổ sung vật liệu phụ, hóa chất… nên không phát huy hết công suất thiết kế, chất lượng nước ngày càng giảm.
Tỉnh ta hiện có 136 CTCN tập trung bằng trọng lực và động lực, với tổng công suất theo thiết kế là 44.920 m3/ngày đêm. Năm 2014, tỉnh ta tiếp tục đầu tư 19,95 tỉ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia NS-VSMTNT để thực hiện các dự án trên lĩnh vực này. Trong đó, có trên 18 tỉ đồng đầu tư thực hiện 4 CTCN mới.
Năm 2012, qua kiểm tra tổng thể 136 công trình cấp nước sinh hoạt tại 11/11 huyện, thị xã, thành phố, có 27 công trình bị hư hỏng không hoạt động. Năm 2013, có thêm nhiều công trình bị hư hỏng do lũ lụt cũng chưa được sửa chữa. Ngoài ra, nhiều công trình sau khi xử lý chất lượng nước chưa đảm bảo. Công tác vệ sinh bể lọc nước tại cụm đầu mối CTCN cũng chưa được quan tâm. Khâu xử lý, khử trùng nước để điều chỉnh, cân đối các thành phần vô cơ, vi sinh vật và tiêu diệt vi khuẩn trong nước là rất quan trọng, nhưng nhiều địa phương không thực hiện công đoạn này hoặc thực hiện qua loa. Do đó, nguồn nước cấp cho dân sử dụng không đảm bảo. Công trình hư hỏng gây lãng phí tiền của của Nhà nước và gây bức xúc trong nhân dân.
Cũng theo ông Hồ Đắc Chương, để khắc phục hạn chế nói trên, chủ đầu tư các công trình cần nghiêm túc chấp hành các Nghị định của Chính phủ về quản lý đầu tư xây dựng, quản lý công trình xây dựng và quy định của Chương trình mục tiêu quốc gia NS- VSMTNT giai đoạn 2012-2015. Mặt khác, lựa chọn và điều chỉnh mô hình quản lý vận hành CTCN hợp lý, loại bỏ mô hình quản lý không phù hợp. Mỗi huyện, thị xã, thành phố cũng cần thành lập Ban quản lý cấp nước sạch và vệ sinh để quản lý vận hành công trình, nhằm tăng nhanh diện bao phủ cấp nước sạch, quản lý chất lượng nước, bảo đảm an toàn công trình trong mùa cạn kiệt và cả mùa lũ.
PHẠM TIẾN SỸ