Trăm năm trọn nghiệp với tuồng
100 năm qua, 3 thế hệ của một gia tộc ở phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn đã cùng nhau vượt qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống để giữ gìn nghệ thuật tuồng Bình Ðịnh, làm rạng danh đoàn tuồng không chuyên của gia đình - Ðoàn tuồng Nhơn Hưng.
Ba thế hệ theo đuổi tuồng không chuyên
Đầu tháng 6.2022, gặp lại tôi trong đợt lưu diễn tại xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn, nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Nguyễn Minh Toàn (nghệ danh Minh Lưỡng), Trưởng Đoàn tuồng Nhơn Hưng, hồ hởi khoe: Đoàn tuồng chúng tôi vừa được Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc (thuộc Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam) tặng bằng khen đoàn tuồng không chuyên 100 năm tuổi nghề đã có thành tích xuất sắc trong gìn giữ và phát huy nghệ thuật tuồng truyền thống. Đây là động lực lớn để gia đình tôi tiếp tục kế thừa, phát huy hơn nữa nghệ thuật tuồng của đất Bình Định. Cả nhà tôi ai cũng mừng vui!
Nghệ nhân Lệ Hoa (phải) cùng hai con gái - Kiều My (giữa) và Diễm Thi trên sân khấu tuồng, Đoàn tuồng Nhơn Hưng. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Vợ chồng NNƯT Minh Lưỡng và nghệ nhân Lệ Hoa (nghệ danh của vợ anh, chị Trần Thị Quý) gắn bó với nghệ thuật tuồng từ thuở ấu thơ, họ nên duyên cũng từ những lần đi diễn tuồng. NNƯT Minh Lưỡng tâm tình: Mẹ tôi là nghệ sĩ Hồng Lợi - người thành danh cùng thời với những nghệ sĩ tuồng ở đất Bình Định, như: NSƯT Hoàng Chinh, NSƯT Ngọc Cầm… Khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi thành lập Đoàn tuồng và bài chòi Nhơn Hưng và dẫn tôi theo đoàn lưu diễn khắp nơi. Lúc rảnh rỗi, bà truyền dạy bài chòi, tuồng cho tôi. Khi mẹ tôi mất - lúc đó Đoàn tuồng và bài chòi Nhơn Hưng cũng đã hoạt động được 57 năm - tôi tiếp nối, gắn bó với nghề tuồng đến nay ngót nghét cũng 43 năm. Sau này, vợ chồng tôi thành lập Đoàn tuồng Nhơn Hưng hoạt động cho đến nay.
Nghệ nhân Lệ Hoa góp chuyện: Hành trình theo đuổi nghiệp tuồng của vợ chồng tôi không biết bao lần vấp ngã, tưởng có lúc đành phải từ bỏ tất cả công sức, của cải khi Đoàn liên tục gặp nhiều trắc trở. Thế nhưng cái nghiệp diễn nó ngấm vào xương tủy mất rồi, vả lại cũng nghĩ đến bao nhiêu tâm huyết của mẹ cha nên vợ chồng tôi bảo nhau ráng gượng dậy, ráng gầy dựng để Đoàn hoạt động ổn định đến giờ.
Trong câu chuyện giữa tôi với vợ chồng NNƯT Minh Lưỡng, điều toát lên là niềm hạnh phúc chan hòa của họ khi nói về nghiệp tuồng. Và nói không quá, đây chính là cuộc sống của họ. Nếu không vậy sẽ khó khiến họ cùng dốc lòng chỉ bảo để hai cô con gái Nguyễn Kiều My (SN 1990) và Nguyễn Thị Diễm Thi (SN 2000) trở thành những diễn viên trẻ tài năng đủ sức tiếp nối nghiệp dĩ của gia tộc và gặt hái nhiều thành công khi đạt nhiều giải thưởng trong các kỳ liên hoan tuồng không chuyên toàn tỉnh, Giải thưởng Vũ Ngọc Liễn khuyến tài hát bội - bài chòi Bình Định, Giải thưởng Đào Tấn (do Viện Sân khấu thành lập từ năm 1995).
Hạnh phúc trong lòng công chúng
Nghệ nhân Kiều My thổ lộ: Năm 16 tuổi, tôi trúng tuyển vào lớp năng khiếu tuồng của Trường trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Bình Định. Sau đó, tôi được Đoàn Ca múa nhạc Quân khu 5 (TP Đà Nẵng) tuyển, rồi được chuyển ra Hà Nội công tác. Nhưng lúc đó tuổi còn nhỏ, tôi quyết định trở về, theo cha mẹ đi diễn với đoàn tuồng của gia đình. Khi lập gia đình, có con nhỏ, việc đi diễn khó khăn hơn, nhưng rất may mắn là chồng tôi rất ủng hộ tôi dẫn con theo để vừa diễn, vừa chăm con. Tôi xem đây là niềm hạnh phúc rất lớn, bởi nhiều chị đã phải nghỉ diễn vì không vượt qua được khó khăn này.
Cũng giống như chị gái mình, tuổi thơ của nghệ nhân Diễm Thi là những ngày rong ruổi theo đoàn tuồng của gia đình đi lưu diễn khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Những kỷ niệm lúc nhỏ ngồi bên cánh gà theo dõi cha mẹ, các cô chú trong đoàn biểu diễn là ký ức mà hai chị em không bao giờ quên. “Được tiếp xúc với sân khấu từ rất sớm nên chị em tôi đã làm quen với nghệ thuật tuồng bắt đầu từ những vai nhỏ như quân sĩ, thường dân, rồi dần trở thành đào phụ, đào chính trong các vở tuồng, trưởng thành dần qua từng vai diễn”, Diễm Thi tâm sự.
Dù tự hào với gia đình có 3 đời nối nghiệp tuồng, nhưng NNƯT Minh Lưỡang vẫn không khỏi tiếc nuối khi nhớ lại thuở vàng son của tuồng Bình Định. Cả tỉnh có hơn 50 đoàn tuồng không chuyên, giờ nhẩm đi đếm lại còn chưa tới 10 đoàn tuồng còn hoạt động. Ông bộc bạch: Gia đình tôi vẫn sống được với nghề, giữ gìn cơ nghiệp của gia tộc. Điều đáng trân quý hơn hết là bà con vẫn còn yêu tuồng. Họ đến xem và vẫn dành tình cảm nồng nhiệt cho các nghệ sĩ tuồng. Đó là động lực để chúng tôi cũng như các nghệ sĩ tuồng không chuyên khác giữ lửa với nghề, góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Qua báo chí, tôi tha thiết gửi đến khán giả mộ tuồng lòng biết ơn sâu sắc. Nghiệp tuồng của gia tộc tôi nói riêng, của ngành tuồng không chuyên nói chung, sẽ không thể tồn tại nếu không có những bà con mê tuồng!
ÐOÀN NGỌC NHUẬN