Thu nộp quỹ phòng chống thiên tai: Kết quả chưa như mong đợi
Triển khai từ năm 2018, nhưng đến nay công tác thu và nộp Quỹ Phòng chống thiên tai vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhiều năm không đảm bảo kế hoạch đề ra, đặc biệt là đối với các đơn vị do cấp huyện quản lý thu. Ông Lê Trung Hậu, Phó Giám đốc Quỹ đầu tư phát triển tỉnh, Giám đốc Quỹ Phòng chống thiên tai tỉnh đã trả lời phỏng vấn Báo Bình Ðịnh về vấn đề này.
● Xin ông cho biết thực trạng công tác thu, nộp Quỹ Phòng chống thiên tai tại tỉnh ta?
Ông LÊ TRUNG HẬU
Mỗi năm, UBND tỉnh đều ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch, định mức, thời gian thu, nộp vào Quỹ phòng chống thiên tai (PCTT) cụ thể cho từng đơn vị. Trên cơ sở đó, Hội đồng quản lý Quỹ PCTT của tỉnh đã rà soát danh sách các đơn vị phải thu nộp Quỹ PCTT và hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị thực hiện. Tuy nhiên, kết quả thu nộp Quỹ PCTT chưa như mong đợi, đặc biệt là đối với các đơn vị do UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý thu.
Năm 2021, UBND tỉnh giao 727 đơn vị khối hành chính sự nghiệp, khối DN và UBND các huyện, thị xã, thành phố thu nộp Quỹ PCTT với tổng số tiền 28,985 tỷ đồng, nhưng kết quả thu chỉ đạt 14,464 tỷ đồng; riêng các huyện, thị xã, thành phố thu nộp chỉ đạt 31% so với kế hoạch. Điều đáng nói là nhiều địa phương có nền kinh tế phát triển khá tốt như: TP Quy Nhơn, TX An Nhơn, Tây Sơn... lại là những nơi có số thu - nộp thấp.
● Tỉnh ta đã sử dụng Quỹ PCTT để hỗ trợ địa phương và người dân ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai như thế nào, thưa ông?
Năm 2021, tỉnh ta trích 14,1 tỷ đồng từ Quỹ PCTT hỗ trợ thêm cho các địa phương phục vụ công tác ứng phó với thiên tai. Trong đó, TP Quy Nhơn, TX An Nhơn, TX Hoài Nhơn và 2 huyện Tuy Phước, Phù Cát mỗi địa phương được phân bổ 1,5 tỷ đồng; các huyện Phù Mỹ, Hoài Ân và Tây Sơn mỗi địa phương nhận 1,2 tỷ đồng; 3 huyện miền núi Vân Canh, An Lão và Vĩnh Thạnh mỗi địa phương nhận 1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, qua xem xét hồ sơ quyết toán, chúng tôi thấy có một số địa phương sử dụng không đúng hướng dẫn của Sở NN&PTNT. Ngoài ra, một số địa phương mua sắm vật tư, thiết bị để phục vụ công tác PCTT nhưng lại không thực hiện quy định về lựa chọn nhà thầu, quản lý tài sản công. Quỹ PCTT tỉnh sẽ làm việc với Sở NN&PTNT liên quan đến các vấn đề nói trên và báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo để xử lý.
● Kế hoạch thu nộp Quỹ PCTT năm 2022 có nhiều thay đổi so với các năm trước. Ông có thể cho biết những điểm mới và giải pháp huy động quỹ đạt kết quả tốt hơn?
Công tác thu nộp Quỹ PCTT năm 2022 được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 1852/QĐ-UBND ngày 9.6.2022 của UBND tỉnh. Theo đó, tổng số đơn vị trong kế hoạch thu, miễn giảm đóng Quỹ PCTT là 888 đơn vị; bao gồm 170 đơn vị khối hành chính sự nghiệp; 707 đơn vị khối DN và 11 huyện, thị xã, thành phố, tổng số tiền phải nộp Quỹ chưa trừ miễn, giảm là hơn 41,447 tỷ đồng. Số tiền phải thu, số tiền được miễn, giảm đóng Quỹ PCTT... tất cả chi tiết đã được tỉnh giao cụ thể cho từng khối, đơn vị.
TX An Nhơn sử dụng tiền hỗ trợ từ Quỹ PCTT của tỉnh để mua thêm sõng, áo phao, bao cát cho các địa phương phục vụ công tác PCTT. Ảnh: TIẾN SỸ
Năm nay, định mức đóng Quỹ đối với công chức, người lao động thực hiện theo Nghị định số 78/2021 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 15.9.2021) thay thế các Nghị định trước đó của Chính phủ, nên so với các năm trước thì định mức đóng Quỹ PCTT theo quy định hiện hành giảm nhiều, thời gian thu nộp quỹ cũng muộn hơn. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho cả đối tượng đóng quỹ và đơn vị thu, nộp Quỹ PCTT. Để việc huy động Quỹ đạt kết quả tốt hơn, chúng tôi chuẩn hóa danh sách các đơn vị phải thu nộp Quỹ PCTT và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thông báo, đôn đốc các đơn vị lập kế hoạch thu ngay sau khi được tỉnh giao kế hoạch thu, nộp quỹ năm 2022.
● Xin cảm ơn ông!
PHẠM TIẾN SỸ (Thực hiện)