Giữ gìn nét đẹp nghề dệt thổ cẩm
Bằng tâm huyết và đam mê, chị Ðinh Thị Thống (SN 1985, dân tộc Bana, hội viên nòng cốt Chi hội phụ nữ khu phố Klot-Pok, thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh) đã tích cực tham gia bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc.
Một sản phẩm thổ cẩm làm ra mất rất nhiều thời gian. Ví dụ, với một chiếc khăn, người dệt có thể mất từ vài tuần, tùy theo loại lớn nhỏ. Sản phẩm làm ra giá thành cao, nên chỉ dệt khi có người đặt hàng. Từ đôi bàn tay và sự chăm chỉ của người phụ nữ đã tạo ra những sản phẩm với màu sắc, hoa văn phong phú, độc đáo, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa.
Chị Đinh Thị Thống hướng dẫn cán bộ Hội LHPN thị trấn Vĩnh Thạnh dệt thổ cẩm. Ảnh: N.S
Có mẹ chỉ dạy, chị Thống biết dệt thổ cẩm từ khi còn rất trẻ. Chị thường tranh thủ dệt vào cuối ngày, hay những lúc nông nhàn, vừa để giữ nghề vừa kiếm thêm thu nhập.
Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thổ cẩm trong các ngày lễ, Tết hay đám cưới của người Bana ngày càng tăng, chị Thống đã động viên chị em trong Chi hội phụ nữ (nhất là những người có tay nghề tốt) tham gia bảo tồn, phát huy nghề dệt truyền thống; tích cực truyền dạy cho thế hệ sau. Chị còn vận động chị em cố gắng học hỏi, trau dồi để làm ra các sản phẩm với mẫu mã mới, đẹp, giá cả hợp lý nhằm đáp ứng thị trường tiêu thụ, thu hút khách hàng trong và ngoài huyện.
Nhờ đó, lượng sản phẩm thổ cẩm do các thành viên Chi hội phụ nữ làm ra được tiêu thụ ngày càng nhiều; qua đó tăng thu nhập, khuyến khích, động viên chị em gắn bó và lưu truyền nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Theo chị Đinh Thị Thân, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khu phố Klot-Pok, hiện nay Chi hội có 64 hội viên phụ nữ tham gia sinh hoạt, trong đó có khoảng 21 chị em biết dệt thổ cẩm truyền thống. Trước đây, sản phẩm thổ cẩm làm ra chủ yếu phục vụ trong gia đình, trong các hoạt động văn hóa ở địa phương, thu nhập không cao, đầu ra sản phẩm không ổn định nên nhiều chị em không còn mặn mà với nghề. Với tâm huyết của mình, chị Thống đã góp phần quan trọng giúp cho nghề dệt thổ cẩm có sức sống mới.
Còn chị Trương Thị Thu, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Vĩnh Thạnh cho biết: Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, vừa qua, Hội LHPN thị trấn đã quan tâm hỗ trợ vốn đầu tư dệt vải thổ cẩm cho 1 hội viên có hoàn cảnh khó khăn ở Chi hội Klot-Pok. Bên cạnh phát huy vai trò tích cực của những hạt nhân như chị Thống, thời gian đến, Hội LHPN thị trấn sẽ tập trung tuyên truyền, vận động hội viên cố gắng bảo tồn nghề dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.
NGỌC SEN