Phó trưởng nhóm thiện nguyện LHL Võ Tuấn Linh: Thiện nguyện từ tâm nguyện
Qua 19 năm hoạt động, nhóm thiện nguyện xã hội LHL (TP Hồ Chí Minh) đã vận động thực hiện rất nhiều chương trình có ý nghĩa thiết thực. Thành công đó có sự đóng góp tích cực của anh Võ Tuấn Linh, một người con của quê hương Bình Ðịnh.
Tất cả từ trái tim
● Khi tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, ai cũng có lý do riêng của mình. Anh có “cơ duyên” hay mong muốn gì khi “vào cuộc hết mình”?
- Tôi thích 4 câu thơ: “Một mùa xuân nho nhỏ/ Lặng lẽ dâng cho đời/ Dù là tuổi hai mươi/ Dù là khi tóc bạc...” (Mùa xuân nho nhỏ, Thanh Hải).
Tôi cảm thấy rất ý nghĩa khi được đóng góp cho cộng đồng, mong muốn được gặp những người cùng tâm huyết về thiện nguyện để cùng thực hiện. Còn về “cơ duyên”, tôi luôn “mang ơn” một người bạn rất thân khi giới thiệu về hoạt động ý nghĩa của nhóm thiện nguyện xã hội LHL (Lâm Hoa Liên), để tôi tham gia và gắn bó đến nay.
● Anh có thể thông tin vài nét về nhóm thiện nguyện xã hội LHL?
- Năm 2003, nhóm LHL ra đời; ban đầu chỉ có 6 thành viên, mỗi người một công việc khác nhau, nhưng điểm chung là “thích việc thiện”. Hiện nhóm có hơn 20 thành viên, trong đó trưởng nhóm là anh Nguyễn Minh An và 4 phó nhóm, cùng gánh vác, chia sẻ trách nhiệm. Phần lớn các bạn trong nhóm còn rất trẻ (19 - 30 tuổi), rất nhiệt huyết với các hoạt động thiện nguyện.
Anh Võ Tuấn Linh tham gia tích cực trong chương trình “San sẻ yêu thương” của nhóm LHL tại tỉnh Tây Ninh tháng 5.2022. Ảnh: NVCC
Trong hơn 5 năm đầu sau khi thành lập, các thành viên trụ cột của nhóm đi khảo sát nhiều nơi có điều kiện khó khăn. Đến để thấy, để nghe, hiểu và về suy nghĩ mình cần làm gì nếu quay lại. Nhờ đó, nhóm có “cơ duyên” quen biết rất nhiều bạn có tâm thiện nguyện tại địa phương để thực hiện những hoạt động rất thiết thực.
● Gắn bó với công tác thiện nguyện nhiều năm, anh tâm đắc nhất điều gì?
- Tôi được tin tưởng giao trọng trách là 1 trong 4 phó nhóm LHL, cũng áp lực nhiều lắm! Trước hết, mình còn nhiều công việc cá nhân, chuyện gia đình phải lo mỗi ngày. Vậy nhưng, phải cố gắng hết mình trong kết nối bạn bè và vận động nguồn ủng hộ.
Tôi vẫn tiếp tục học hỏi thêm kinh nghiệm để làm thiện nguyện tốt hơn nữa từ các anh chị rất tâm huyết đi trước. Tôi rất tâm đắc và xin chia sẻ 3 điều: Làm gì cũng bằng tâm nguyện; không tư lợi cá nhân; mọi thứ phải rõ ràng từ công việc thiện nguyện “cho” và “nhận”.
Từ “San sẻ yêu thương” đến “Hướng về phía mặt trời”
● Qua trang Facebook của anh, tôi được biết về các chương trình thiện nguyện mang thương hiệu “San sẻ yêu thương”. Xin anh cho biết thêm về độ lan tỏa của chương trình này?
- San sẻ thì luôn rộng mở. Nhóm chúng tôi kết nối được rất nhiều nhà hảo tâm. Nhờ vậy, chương trình duy trì tổ chức từ năm 2007 đến nay vào tuần thứ ba cuối mỗi tháng. Địa bàn hướng đến là vùng sâu vùng xa, với hoạt động chính là khám bệnh, tư vấn dinh dưỡng và phát thuốc miễn phí cho trẻ em, trao học bổng khuyến học cho học sinh nghèo hiếu học.
Quy mô hỗ trợ mỗi chương trình tùy thuộc vào “duyên quyên góp” được bao nhiêu. Đến nay, nhóm đã thực hiện rất nhiều chương trình ở các tỉnh từ miền Tây đến miền Đông Nam Bộ và một phần ở miền Trung. Chúng tôi đang vận động thực hiện chương trình “San sẻ yêu thương” số 161, với mục tiêu trao 30 suất học bổng (1 triệu đồng/suất) cho các em mồ côi, học sinh nghèo học giỏi tại Mái ấm tình thương Kim Chi (Long An) vào ngày 24.7.2022.
● Thật sự khâm phục khi biết rằng, ngoài “San sẻ yêu thương”, nhóm LHL còn có thêm hoạt động thiện nguyện “Hãy hướng về phía mặt trời”. “Hãy hướng về phía mặt trời” có những điểm gì đặc biệt, thưa anh?
- Chương trình “Hãy hướng về phía mặt trời” thực hiện từ năm 2018 đến nay, duy trì 2 tháng/lần tại khoa Ung bướu - Huyết học của Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh).
Sau khi tốt nghiệp Trường THPT Quốc học Quy Nhơn, anh Võ Tuấn Linh (năm nay 41 tuổi) đã học đại học, rồi cao học chuyên ngành Xét nghiệm ký sinh trùng - côn trùng. Anh hiện là Phó Trưởng khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh.
Ý tưởng hình thành chương trình “Hướng về phía mặt trời” xuất phát trong lần chúng tôi đi tặng sữa cho các bệnh nhi, tình cờ gặp được 2 cha con người dân tộc K’ho ở Đắk Lắk xuống TP Hồ Chí Minh điều trị bệnh, hoàn cảnh rất đáng thương. Khi biết con mình bị ung thư, người cha vẫn xin xuất viện về, bởi tiền đâu mà chữa trị. Ông cứ ôm con khóc ròng. Chúng tôi không bao giờ quên ánh mắt của hai cha con khi ấy. Đây là động lực để nhóm LHL vận động thêm mọi người ủng hộ cho đối tượng chính là bệnh nhi ung thư, hỗ trợ đóng tạm ứng viện phí và tặng quà cho các em.
Gần đây nhất, nhóm đã vận động được ủng hộ gần 73 triệu đồng để thực hiện chương trình “Hãy hướng về phía mặt trời” số 25 vào ngày 10.7.2022, hỗ trợ đóng tạm ứng viện phí cho 5 em bệnh nhi ung thư có hoàn cảnh khó khăn nhất (mỗi em 9 triệu đồng) và 250 phần quà cho các em đang điều trị.
Song song với hai chương trình trên, nhóm LHL còn cố gắng thực hiện thêm các chương trình “San sẻ nỗi đau” để vận động giúp đỡ viện phí cho bệnh nhi nghèo tại các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh.
● Thực hiện được nhiều chương trình thiện nguyện ý nghĩa như vậy là rất khó. Đâu là bí quyết của nhóm LHL?
- Nhóm chúng tôi chỉ luôn “hành động từ trái tim”. Để có chương trình diễn ra từng tháng và kéo dài liên tục nhiều năm, các thành viên trong nhóm bàn bạc với nhau rất rõ ràng về định hướng. Chúng tôi đồng cảm, chia sẻ với các em kém may mắn, thiệt thòi nhiều trong cuộc sống. Mình làm thiện nguyện không tốt thì trước có lỗi với bản thân, sau là mất niềm tin với rất nhiều nhà hảo tâm cùng đồng hành.
Mỗi chương trình đều thông báo trước về mục tiêu, kết quả vận động; khi trao quà, hỗ trợ đều công khai, minh bạch bằng nhiều hình thức. Tất cả thành viên trong nhóm đều đóng tiền để trả chi phí di chuyển, ăn ở cho từng chuyến thiện nguyện.
Hướng về quê nhà
● Được biết, nhóm LHL đã có nhiều chương trình thiện nguyện xã hội ở Bình Định. Anh có thể thông tin cụ thể hơn?
- Tôi kết nối với các anh chị làm thiện nguyện, nhiều lần về Bình Định quê mình để các nhà hảo tâm biết được bà con nơi đây còn nhiều khó khăn. Năm 2022 còn ảnh hưởng dịch Covid-19 nên chúng tôi không tổ chức, liên tục 8 năm trước đó, năm nào nhóm LHL cũng đưa “San sẻ yêu thương” về Bình Định vào dịp chuẩn bị đón tết Nguyên đán.
Tùy nguồn vận động được ở mỗi chương trình, chúng tôi trao quà, học bổng, xe lăn, khám bệnh và xây nhà tình thương… dành tặng người nghèo ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn.
● Trong các chuyến về quê, anh có kỷ niệm nào đáng nhớ?
- Tôi nhớ mãi chuyến về xã Phước Quang, huyện Tuy Phước vào đầu năm 2017, sau khi người dân bị thiệt hại nặng nề sau những đợt mưa lũ lịch sử cuối năm 2016. Chúng tôi vận động được hơn 150 triệu đồng để trao 300 phần quà cho trẻ em nghèo, 30 suất học bổng, 40 phần quà tặng các cụ già neo đơn. Một Việt kiều Australia là người gốc Quy Nhơn, biết được thông tin về chương trình khi mới về Việt Nam, anh đã ủng hộ chi phí và cùng tham gia chuyến đi để chia sẻ cùng bà con quê hương mình.
Anh Võ Tuấn Linh (ngoài cùng bên phải) trong chương trình “San sẻ yêu thương” số 110 của nhóm LHL tại xã Phước Quang (Tuy Phước) đầu năm 2017. Ảnh: H.THU
Hay chương trình “San sẻ yêu thương” năm 2020, 2021 đều hướng tới đồng bào Bana còn nhiều khó khăn ở huyện Tây Sơn. Ở xã Vĩnh An, chúng tôi đã hỗ trợ 5 hộ người Bana hoàn cảnh khó khăn sửa nhà xuống cấp (5 triệu đồng/hộ), trao tiền chia sẻ khó khăn cho 10 em khuyết tật (2 triệu đồng/em), cùng 300 suất quà tết (300 nghìn đồng/suất), 30 suất quà đặc biệt (1 triệu đồng/suất) cho trẻ em, người dân khó khăn. Còn tại xã Tây Xuân, chúng tôi đã hỗ trợ hơn trăm triệu đồng xây nhà tình thương cho một hộ người Bana hoàn cảnh rất khó khăn ở làng Cam, cùng nhiều phần học bổng, quà cho các em học sinh nghèo.
Những ánh mắt xúc động, nụ cười rạng rỡ của bà con khi được chia sẻ, hỗ trợ là kỷ niệm đẹp nhất trong hành trình thiện nguyện của chúng tôi.
● Xin cảm ơn anh. Chúc anh và nhóm LHL tiếp tục có nhiều chương trình thiện nguyện ý nghĩa trong thời gian tới!
HOÀI THU (Thực hiện)