Người thương câu bả trạo
● Ký của VÂN PHI
Trên con ngõ nhỏ tại thôn Bình Thái (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước), bóng người nghệ nhân liêu xiêu từng bước chân khi chiều về. Nhìn ông, người gặp lần đầu chắc khó hình dung, ông từng là linh hồn của đội bả trạo Bình Thái, chuyên vai tổng lái. Đã 5 năm, ông - Nghệ nhân ưu tú Hồ Thành Long không còn biểu diễn bả trạo vì lý do sức khỏe. Nhưng tình yêu đối với loại hình nghệ thuật này, chưa bao giờ vơi.
1. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn An Pha, cảm kích trước tấm lòng của ngư dân làng chài Nhơn Ân đối với vị Nam Hải thần ngư, trên cơ sở của điệu hát múa bả trạo dân gian, Quỳnh phủ Nguyễn Diêu đã viết nên chỉnh thể một vở tuồng “Hát bội Bả trạo” với những lớp lang bài bản. Sau đó, ông giao cho học trò là Dương Đồng Luân, nhưng người đầu tiên dàn dựng là hai anh em ruột Ma Văn Tiết và Ma Văn Đại, ở Phước Thuận thuộc vạn chài làng Nhơn Ân. Ông Tiết làm chủ bầu lấy tên là bầu Đê, lưu diễn các làng chài trong vùng, rồi phát triển đến Phước Lý, Phước Hải, Phước Châu, nay là Nhơn Lý, Nhơn Hải và Nhơn Châu (TP Quy Nhơn). Như vậy, từ vùng đất Phước Thuận, loại hình hát múa bả trạo đã được nhân rộng, phát triển và truyền thừa qua nhiều thế hệ.
Đội bả trạo xã Nhơn Hải biểu diễn tại Lễ hội cầu ngư ở địa phương năm 2022. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Nghệ nhân Hồ Thành Long lớn lên theo nhịp sanh gõ, theo từng động tác khua chèo đồng điệu cùng những lời hát, điệu bộ của các nghệ nhân bả trạo tiền bối của vùng Phước Thuận. Vì đem lòng yêu thích nên ông cố công tìm thầy học. Ông kể: Năm 1998 tôi xin theo học nghệ nhân Năm Học ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn. Ông Năm Học nổi tiếng với vai tổng sanh. Học rồi lại thêm mê, hồi ấy đi đâu tôi cũng nghêu ngao hát, tay làm điệu bộ, trong đầu chỉ tâm niệm làm sao hát cho đúng, cho hay, sao toát lên được thần thái của nhân vật tổng sanh. Vừa học vừa thực hành, tập luyện ròng rã như thế, sau 10 năm ròng tôi mới bắt đầu biểu diễn phục vụ lễ hội cầu ngư ở địa phương vào ngày 16.2 âm lịch hằng năm. Cũng từ đó, tôi bắt đầu truyền lại những gì mình biết cho lớp trẻ trong vùng.
2. Theo nghệ nhân Hồ Thành Long, đội bả trạo Bình Thái có 24 thành viên chính gồm: Tổng sanh, tổng lái, tổng cờ, tổng thương, 2 bồ hổ, 2 lồng đèn, 16 trạo phách. “Tổng sanh, có nơi gọi là tổng mũi, tổng tiền, là người điều khiển vở diễn hát múa bả trạo. Người vào vai tổng sanh vì thế phải đảm bảo được sự thuần thục, chính xác của mình, nhất là trong những nhịp gõ sanh như để bắt nhịp cho các thành viên khác hát diễn. Vì thế, để làm tốt vai diễn này, tôi rèn luyện nhịp gõ để gõ trúng, gõ hay, hòa nhịp đồng điệu với các thành viên trong đội đến mức cặp sanh ấy liền lạc như chính đôi bàn tay của mình vậy”- Nghệ nhân chia sẻ.
Nghệ nhân Hồ Thành Long đã góp phần quan trọng làm nên đội bả trạo Bình Thái. Đội bả trạo vinh dự góp mặt biểu diễn tại nhiều chương trình nghệ thuật về văn hóa dân gian miền biển trong, ngoài tỉnh. Không chỉ thường xuyên đại diện cho huyện Tuy Phước tham gia biểu diễn tại các dịp Ngày hội Văn hóa - Thể thao miền biển tỉnh, đội bả trạo Bình Thái còn được Sở VH-TT “chọn mặt gửi vàng” mỗi khi cần giới thiệu về bả trạo Bình Định tại các sự kiện ngoài tỉnh. Điển hình là năm 2011, đội bả trạo Bình Thái đã vinh dự được cử là đại diện cho Bình Định tham gia Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc Việt Nam khu vực miền Trung - Tây Nguyên tổ chức tại TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Sau đó, tiếp tục biểu diễn tại Lễ hội đường phố - Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ V - Bình Định 2014…
3. Ngư dân vốn xem lễ hội cầu ngư là một ngày thiêng liêng mà cháu con dẫu đi làm ăn xa xứ cũng gắng sắp xếp trở về. Những lúc như thế, bà con ngư dân rộn ràng niềm vui ngày hội, đội bả trạo lại tề tựu đông đủ làm lễ nghinh Ông, hát múa làm nức lòng người xem.
Ông Đặng Văn Hiếu, 73 tuổi, ở thôn Bình Thái, xã Phước Thuận, Tuy Phước chia sẻ: Bà con ở đây mê xem bả trạo lắm. Mỗi năm chỉ xem diễn đúng có 1 lần vào dịp Lễ hội cầu ngư nên bà con náo nức mong đợi vô cùng. Đội bả trạo ở Bình Thái dưới sự dẫn dắt của bác tổng lái Hồ Thành Long hát diễn thì khỏi phải bàn rồi. Ai cũng mê. Tiếc quá chừng khi hơn ba năm nay do đau bệnh nên anh Long không còn tham gia hát diễn bả trạo được nữa…
5 năm trước, trong một lần ra dỡ đất làm hồ tôm, nghệ nhân Hồ Thành Long bị tai biến. Dù qua cơn hiểm nguy tính mạng nhưng ông không còn đủ sức khỏe để tham gia biểu diễn. Ông lui về sau, dốc lòng truyền lại hết những gì mà mình biết về bả trạo cho lớp trẻ trong vùng. Hôm về làng Bình Thái, ngồi cùng ông tại Lăng ông Nam Hải ở Bình Thái, bao ký ức gắn với bả trạo như ùa về trong câu chuyện của lão nghệ nhân.
Vậy rồi, như nhớ cái vai tổng sanh đã gắn chặt lấy những tháng ngày với bả trạo, ông cầm lại cặp sanh gõ nhịp, rồi run run cất lên lời hát nam: “Hữu hạ rày mừng lạc nghiệp an cư, trời nghêu gió tạnh bườm từ lộng khơi”. Câu hát nghe rưng rưng nỗi niềm. “Không hát diễn được nữa nhưng hễ ai muốn biết, muốn học về bả trạo, biết gì mình chia sẻ hết. Chỉ mong bả trạo dân gian còn được lưu giữ bền vững đến mai sau là vui rồi”, nghệ nhân Hồ Thành Long trải lòng.
Năm 2015, ông Hồ Thành Long được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Đợt ấy, ông cũng là đại diện duy nhất của Bình Định ở lĩnh vực bả trạo nhận danh hiệu này. Nhắc về ông, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn An Pha trân trọng: “Nghệ nhân Hồ Thành Long được truyền thừa những căn cơ bả trạo có gốc gác từ cụ Tú Diêu. Anh Long chuyên vai tổng sanh, là người cầm trịch đội bả trạo Bình Thái nhiều năm gần đây. Từ sự nhiệt tình, tâm huyết của mình, anh đã truyền dạy cho lớp trẻ của Bình Thái đa phần từ độ tuổi 20 đến 30 diễn hay, múa đẹp làm nên thương hiệu đội bả trạo Bình Thái. Đội bả trạo Bình Thái không chỉ biểu diễn trong tỉnh mà còn được mời đi biểu diễn cả ở các tỉnh bạn. Phải nói rằng, trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian, đặc biệt là lĩnh vực hát múa bả trạo không thể thiếu những người tâm huyết như anh”.