Luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ lâu dài
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Quy định số 08-QÐ/TU về luân chuyển cán bộ. Ðây là cơ sở quan trọng để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương của Ðảng về công tác cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ trong quy hoạch có môi trường rèn luyện, am hiểu thực tiễn, phát triển toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ.
Thị ủy Hoài Nhơn tổ chức hội nghị công bố quyết định luân chuyển Chủ tịch Hội LHPN thị xã Nguyễn Thị Nhung về giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy phường Hoài Thanh Tây; luân chuyển Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND phường Hoài Thanh Tây Nguyễn Văn Phượng về giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo Thị ủy. Ảnh: Văn phòng Thị ủy Hoài Nhơn
Quy định số 08-QĐ/TU đặt ra yêu cầu kết hợp luân chuyển với tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, cục bộ, khép kín; góp phần thúc đẩy thực hiện chủ trương bố trí lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã không là người địa phương và người đứng đầu không giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp.
Quy định cũng nhấn mạnh nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu trong luân chuyển cán bộ (LCCB). Bảo đảm tổng thể, đồng bộ, liên thông giữa các cấp, cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; gắn kết chặt chẽ giữa luân chuyển với quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và các nội dung khác trong công tác cán bộ. Cán bộ luân chuyển phải trong quy hoạch, có phẩm chất, năng lực và triển vọng phát triển.
Mở rộng phạm vi luân chuyển; quan tâm cán bộ nữ, cán bộ trẻ
Theo Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Giờ, công tác LCCB trước đây chủ yếu thực hiện trong phạm vi một địa phương (cấp huyện), một ngành; LCCB giữa các địa phương, ngành và giữa cán bộ làm công tác đảng, Mặt trận, các đoàn thể với cán bộ làm công tác quản lý nhà nước còn ít.
Theo Quy định số 08-QĐ/TU, phạm vi luân chuyển được mở rộng, cụ thể: Luân chuyển từ cấp trên xuống cấp dưới, từ cấp dưới lên cấp trên, từ địa phương này sang địa phương khác; giữa các cơ quan, tổ chức cùng cấp trong hệ thống chính trị. Đây là cơ sở để mở rộng phạm vi luân chuyển, nâng cao hiệu quả công tác LCCB trên địa bàn tỉnh.
Trong khi đó, tại các hội nghị công bố quyết định về công tác cán bộ gần đây, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long thường xuyên nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa của LCCB. Để có đội ngũ cán bộ chất lượng, tỉnh sẽ chú trọng hơn nữa đến LCCB; đặc biệt là tạo điều kiện cho cán bộ nữ, cán bộ trẻ được rèn luyện, trưởng thành ở các ngành, lĩnh vực và môi trường làm việc khác nhau.
Đồng thời, giải quyết hài hòa giữa LCCB để đào tạo với bố trí, sử dụng nguồn cán bộ tại chỗ; vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trước mắt, vừa đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ lâu dài. Không tăng thêm chức danh để LCCB. Có cơ chế quản lý, giám sát, đánh giá cán bộ luân chuyển và chính sách, chế độ phù hợp tạo điều kiện cho cán bộ luân chuyển hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đối tượng thuộc diện luân chuyển là cán bộ được quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp; cán bộ giữ chức vụ cấp trưởng quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp ở một cơ quan thanh tra, tài chính cấp tỉnh, cấp huyện; cán bộ được luân chuyển để thực hiện chủ trương bố trí cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp huyện không là người địa phương, gồm bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND. Cùng với đó là các chức danh chánh án TAND, viện trưởng viện KSND và cấp trưởng các ngành CA, quân sự, thuế, hải quan cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện theo quy định của các ngành cấp trên. Đối với cấp xã, cơ bản bố trí cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp xã không là người địa phương, gồm bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND.
Thời gian luân chuyển ít nhất là 3 năm (36 tháng); trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Khi luân chuyển, cơ bản thực hiện theo nguyên tắc bố trí giữ chức vụ tương đương với chức vụ cán bộ đang đảm nhiệm. Trường hợp cần thiết, cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bố trí chức vụ cao hơn chức vụ đang đảm nhiệm đối với cán bộ có phẩm chất, năng lực nổi trội, có khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của chức vụ dự kiến phân công, bố trí.
Sau luân chuyển, việc bố trí công tác đối với cán bộ phải căn cứ yêu cầu công tác cán bộ của Đảng, nhiệm vụ chính trị, tình hình đội ngũ cán bộ; kết quả công tác, năng lực, sở trường của cán bộ luân chuyển gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị và nhận xét, đánh giá của cấp có thẩm quyền. Trường hợp cán bộ luân chuyển được cấp có thẩm quyền quyết định tiếp tục bố trí ổn định công tác ở địa phương, đơn vị nơi đến thì không còn xem là cán bộ luân chuyển theo quy định.
Quy trình chặt chẽ
Quy định số 08-QĐ/TU đưa ra quy trình LCCB chặt chẽ với 5 bước. Bước 1: Căn cứ vào nhu cầu LCCB, cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị tiến hành rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ của địa phương, cơ quan, đơn vị để xây dựng kế hoạch luân chuyển trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho chủ trương; Bước 2: Căn cứ chủ trương của cấp có thẩm quyền, cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ trao đổi với các địa phương, cơ quan, đơn vị để đề xuất nhân sự luân chuyển; Bước 3: Cơ quan tham mưu tổng hợp đề xuất của các địa phương, cơ quan, đơn vị và tiến hành rà soát tiêu chuẩn, tiêu chí; dự kiến địa bàn, chức danh, nhân sự luân chuyển; lấy ý kiến nhận xét, đánh giá đối với nhân sự dự kiến luân chuyển; Bước 4: Cơ quan tham mưu gửi văn bản lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan liên quan, trao đổi với cơ quan nơi đi, cơ quan nơi đến về dự kiến địa bàn, chức danh và nhân sự luân chuyển; tổng hợp kết quả thẩm định và trao đổi với cán bộ dự kiến luân chuyển. Tổ chức gặp gỡ cán bộ được luân chuyển để quán triệt mục đích, yêu cầu luân chuyển; đồng thời, nắm tâm tư, nguyện vọng và xác định trách nhiệm đối với cán bộ luân chuyển; Bước 5: Cơ quan tham mưu trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện (công bố quyết định, chỉ đạo bầu cử và các công việc cần thiết khác).
MAI LÂM