Khá lên nhờ trồng rau an toàn
Năm 2018, gia đình anh Phan Tiến Huệ, ở thôn Trung Thành 2, xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ, được Hội Nông dân xã chọn tham gia thực hiện mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, với các loại rau chính là ngò, xà lách, cải ngọt, hành lá.
Vườn rau lưới quây đạt chuẩn VietGAP của gia đình anh Phan Tiến Huệ. Ảnh: T.T
Tham gia mô hình, bên cạnh được hỗ trợ xây dựng nhà lưới quây 300 m2, vợ chồng anh Huệ còn được tập huấn và hỗ trợ kỹ thuật về trồng rau an toàn; cách phòng trừ sâu bệnh; hướng dẫn bón phân sinh học… Nhờ áp dụng tốt quy trình kỹ thuật, mô hình trồng rau an toàn của vợ chồng anh Huệ cho hiệu quả kinh tế khá. Khi thuần thục kỹ thuật, anh Huệ tìm cách luân phiên trồng xen vụ, rải vụ để vừa cải tạo đất, vừa hạn chế sâu hại lại đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, tránh được việc dư thừa sản phẩm do thu hoạch cùng một lúc quá nhiều.
Anh Huệ kể: Thật ra, gia đình tôi trồng rau từ lâu đời. Nhưng chỉ làm theo cách xưa bày nay làm, mỗi năm chỉ tập trung làm một vụ chính - từ tháng 11 đến tháng 2 âm lịch hằng năm, thời gian còn lại hầu như bỏ đất trống hoặc trồng rất ít, do sản lượng không đạt, hiệu quả không cao. Khi trồng rau theo mô hình an toàn sinh học, có hệ thống nhà lưới quây giúp hạn chế sâu bệnh gây hại rất nhiều, rau đạt phẩm cấp cao nên dễ tiêu thụ, giá tốt. Đặc biệt, từ chỗ chỉ làm 1 vụ/năm, nay tôi nâng lên tới 6 vụ rau/năm. Thành công đó khiến tôi mở rộng diện tích vườn rau lên 600 m2.
Ông Trần Đình Văn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Quang cho biết, trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là mô hình phát triển kinh tế mới của địa phương. Từ thành công của gia đình anh Huệ, nhiều nông dân học theo và chỉ sau một thời gian đã xuất hiện tổ hội trồng rau an toàn. Những người trồng rau biết liên kết sản xuất, giữ sản lượng ổn định thông qua thỏa thuận với những mối tiêu thụ lớn.
THANH TRỌN