Cảnh giác với lừa đảo trên mạng
Dù các hình thức, thủ đoạn lừa đảo không mới, lực lượng chức năng đã tuyên truyền, cảnh báo rất nhiều, nhưng không ít người vẫn dễ dàng trở thành nạn nhân trên không gian mạng với sự cả tin, chủ quan, thiếu cảnh giác, thậm chí là hám lợi.
Từ đầu năm 2022 đến nay, cơ quan CSĐT toàn tỉnh tiếp nhận 83 tin báo tố giác tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đã điều tra, khởi tố 18 vụ. Trong đó, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản với chiêu thức, thủ đoạn giả danh cơ quan pháp luật, chiếm quyền sử dụng tài khoản mạng xã hội (MXH) và giới thiệu việc làm thu nhập cao tăng đáng kể, với 26 tin báo, thiệt hại tài sản hàng chục tỷ đồng.
Hám lợi, thiếu hiểu biết
Trình báo với cơ quan CA về việc bị lừa trên 920 triệu đồng vì tham gia “Nhóm kiếm thu nhập 4.0”, chị K. (ở TP Quy Nhơn) vẫn chưa hết bần thần do sự cả tin, hám lợi của mình.
Hội Phụ nữ CA TX An Nhơn tổ chức tuyên truyền, phát tờ rơi cung cấp thông tin về tội phạm mạng. Ảnh: K.A
Chị K. kể, cuối tháng 5, trong lúc lướt facebook thấy nội dung “ai cần thêm thu nhập thì liên hệ tài khoản zalo “PPhuong Thảo”. Tò mò, chị nhắn tin và ngay lập tức được tài khoản zalo này thêm vào nhóm cùng tham khảo cách kiếm tiền trên web “02singapore.com”. Đặt lệnh 500 nghìn đồng, thắng được 300 nghìn đồng, chị thực hiện thao tác rút tiền thì được nhận ngay. Sau đó, chị chuyển hơn 376 triệu đồng, được thông báo thắng hơn 1,5 tỷ đồng; nhưng không thực hiện được lệnh rút tiền. Nhân viên chăm sóc khách hàng tư vấn phải đóng phí hướng dẫn 315 triệu đồng, tiếp đó là 236 triệu đồng phí hệ thống mới rút được tiền.
“Vì nghĩ số tiền trúng thưởng cũng lớn, có nhiều người chơi tự nhận đã trúng nên tôi tin tưởng và thực hiện lệnh chuyển tiền theo. Đến khi được yêu cầu đóng thêm 362 triệu đồng tiền thuế thu nhập cá nhân, tôi nhẩm tính và hiểu ra đã bị lừa”, chị K. nói.
Cũng nghĩ rằng sẽ được chiết khấu cao khi tham gia mua các món hàng giảm giá trên gian hàng của ứng dụng “Vingroup”, mới đây, chị L. (ở huyện Phù Cát) đã bị lừa hơn 200 triệu đồng.
Không chỉ vậy, tội phạm mạng còn giả danh cán bộ thực thi pháp luật (CA, viện kiểm sát, tòa án), gọi điện thông báo nạn nhân liên quan đến các đường dây tội phạm, buộc họ phải nộp tiền vào “tài khoản của cơ quan chức năng” để “kiểm tra” rồi chiếm đoạt. Ngay khi thực hiện bài viết này, phóng viên chứng kiến một trường hợp đến trình báo với cơ quan CA về việc bị mất 520 triệu đồng với thủ đoạn kể trên.
“Ban đầu họ hỏi tôi có mở tài khoản tại ngân hàng S. không, tôi nói không; nhưng sau đó họ đọc đúng tên, tuổi, địa chỉ nên tôi có phần lo lắng. Họ bảo tôi có vay một khoản tiền và đang liên quan đến đường dây tội phạm rửa tiền. Để tạo áp lực, chúng yêu cầu tôi không được nói việc này với bất kỳ ai và liên tục sử dụng nhiều số điện thoại, xưng là người của Bộ CA và Viện KSND tối cao để uy hiếp. Quá hoảng sợ, muốn chứng minh mình không phạm tội nên tôi cứ thế làm theo”, nạn nhân V. (ở TX Hoài Nhơn) chia sẻ.
Cảnh giác, tỉnh táo
Theo CA tỉnh, sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản là loại tội phạm có tính chất đặc thù, phạm vi hoạt động rộng. Các đối tượng thường sử dụng thông tin giả để đăng ký tài khoản cá nhân, hoặc ẩn danh, tạo tài khoản ảo trên các MXH có máy chủ đặt ở nước ngoài liên hệ rồi dẫn dắt bị hại vào “kịch bản” đã được bày sẵn để chiếm đoạt tài sản.
Trung tá Nguyễn Thanh Bình, Đội trưởng Đội Phòng ngừa, đấu tranh và hướng dẫn điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài (Phòng Cảnh sát hình sự, CA tỉnh), khuyến cáo: Người dân không chia sẻ thông tin cá nhân như tên, họ, địa chỉ, số điện thoại, địa chỉ email, số tài khoản ngân hàng, mã OTP... nhất là không bấm vào đường link lạ để nhập mật khẩu và mã OTP.
Đối với người sử dụng các tài khoản MXH, không nên kết giao với người lạ; cần kiểm chứng trước khi tham gia vào các trang web ứng tuyển “việc nhẹ lương cao”, mua hàng online, trả lời thông tin yêu cầu của một số trang web quảng cáo giả danh để nhận khuyến mãi, tự cài đặt, cập nhật phần mềm ứng dụng không rõ xuất xứ…
Đặc biệt, không cung cấp bất kỳ thông tin gì và báo ngay cho cơ quan CA khi nhận những cuộc điện thoại tự xưng là cơ quan thực thi pháp luật. Bởi, các cơ quan thực thi pháp luật như CA, viện KSND, tòa án... không làm việc thông qua điện thoại, tất cả đều có giấy triệu tập thông qua cơ quan CA địa phương nơi công dân cư trú.
“Đặc biệt, các cơ quan thực thi pháp luật không yêu cầu người dân chuyển tiền vào bất kỳ tài khoản cá nhân nào để kiểm tra, xác minh. Bởi, việc giao nộp tiền, tài sản (nếu có vi phạm) đều có biên bản tạm giữ, quyết định và lệnh theo quy định pháp luật; những việc này đều thực hiện công khai, trực tiếp”, trung tá Bình lưu ý.
KIỀU ANH