CHƯƠNG TRÌNH GẶP GỠ VIỆT NAM LẦN THỨ 18 NĂM 2022:
Lan rộng tình yêu khoa học đến bạn trẻ
Sáng 11.7, Hội nghị “Điện tử lượng tử Topo tương tác trực diện” chính thức diễn ra tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE - TP Quy Nhơn). Hội nghị nằm trong chương trình Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 18 năm 2022, do Hội Gặp gỡ Việt Nam phối hợp với Ban tổ chức quốc tế và Bộ KH&CN tổ chức, diễn ra từ ngày 10 - 16.7.
Sự kiện này được Hội đồng chủ trì đề án trình Liên hợp quốc và UNESCO công nhận là sự kiện khoa học đầu tiên trên toàn thế giới, hưởng ứng Năm Quốc tế Khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững 2022 do Liên hợp quốc thông qua vào tháng 1.2022. GS Trần Thanh Vân là người đồng chủ trì đề án và Việt Nam là một trong các quốc gia tác giả của đề xuất đó.
Sự kiện khoa học đầu tiên trên thế giới
Theo GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, năm nay đánh dấu một năm rất đặc biệt. Theo đó, ngày 8.7 vừa qua, Năm Quốc tế Khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững đã khai mạc ở trụ sở UNESCO (Paris, Pháp). Tại đây, Chủ tịch Ban tổ chức Năm Quốc tế Khoa học cơ bản đã công nhận Hội nghị “Điện tử lượng tử Topo tương tác trực diện” là hội nghị đầu tiên của Năm Quốc tế Khoa học cơ bản và đã trao cho Hội Gặp gỡ Việt Nam ngọn lửa khoa học để đưa về đây chiếu sáng trong thời gian hội nghị diễn ra, để cùng nhau phổ biến tình yêu khoa học cho toàn thể Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ.
Các nhà khoa học trên thế giới dự Hội nghị “Điện tử lượng tử Topo tương tác trực diện”. Ảnh: TRỌNG LỢI
Hội nghị là cơ hội để những học sinh có niềm đam mê với khoa học được mở rộng tầm mắt và được tiếp thu thêm nhiều kiến thức bổ ích từ chính những nhà khoa học nổi tiếng khắp thế giới. Vì ý nghĩa đó, ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ KH&CN, nhắn nhủ đến toàn thể học sinh, sinh viên tham dự Hội nghị cần nắm bắt cơ hội từ những nội dung mà các nhà khoa học trao đổi để tích lũy kiến thức, kỹ năng, phấn đấu trong tương lai trở thành những nhà khoa học giỏi như các GS: Trần Thanh Vân, Lê Kim Ngọc, Đàm Thanh Sơn… đã và đang cống hiến cho đất nước Việt Nam nói riêng và nhân loại nói chung.
Nhiều năm qua, Bình Định luôn xác định phát triển giáo dục là một trong những ưu tiên hàng đầu, hướng đến xây dựng Quy Nhơn trở thành trung tâm phát triển khoa học tiên phong của cả nước. Do vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long bày tỏ niềm vui và lòng biết ơn khi chứng kiến rất nhiều giáo sư, nhà khoa học hàng đầu thế giới về với Quy Nhơn để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm nghiên cứu khoa học cho các thế hệ trẻ. Đây là một động lực to lớn để các bạn trẻ phát triển thêm về tri thức cũng như gắn bó với niềm đam mê nghiên cứu khoa học.
Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học (thứ hai từ phải sang), Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy (thứ ba từ phải sang) và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long (đầu tiên từ phải sang) tại Hội nghị “Điện tử lượng tử Topo tương tác trực diện”. Ảnh: TRỌNG LỢI
Dịp này, Hội Gặp gỡ Việt Nam còn tổ chức lễ thắp đuốc khoa học, nhằm chào mừng Năm Quốc tế Khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững lần đầu tiên trên thế giới. Đích thân GS Duncan Haldane cầm ngọc đuốc thắp sáng đài đuốc. Và, ngọn đuốc khoa học này được thắp sáng liên tục trong một tuần diễn ra Hội nghị “Điện tử lượng tử Topo tương tác trực diện”.
GS Duncan Haldane thực hiện nghi thức thắp đuốc khoa học. Ảnh: TRỌNG LỢI
Lan rộng tình yêu khoa học
Sau lễ khai mạc, Hội nghị bắt đầu với một loạt bài giảng sư phạm ngắn của các chuyên gia về các khía cạnh lý thuyết và thực nghiệm của vật liệu lượng tử. Các bài giảng sư phạm hướng đến các nhà nghiên cứu trẻ (các nghiên cứu sinh và nghiên cứu viên sau tiến sĩ), nhằm cung cấp cho họ nền tảng cần thiết để tiếp nhận các báo cáo khoa học tiếp theo ở cấp độ nghiên cứu của các nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về những chủ đề của Hội nghị.
GS Duncan Haldane mở đầu với báo cáo khoa học phiên toàn thể với chủ đề “Nguồn gốc hình học của lượng tử tương tác”. Báo cáo thu hút đông đảo các nhà khoa học, giáo viên, học sinh.
GS Đàm Thanh Sơn và GS Duncan Haldane trò chuyện cùng học sinh. Ảnh: TRỌNG LỢI
Chiều cùng ngày, GS Đàm Thanh Sơn có buổi nói chuyện khoa học và giao lưu với 60 học sinh ưu tú của 5 trường chuyên thuộc các tỉnh Bình Định (THPT chuyên Chu Văn An và THPT chuyên Lê Quý Đôn), Quảng Ngãi (THPT chuyên Lê Khiết), Gia Lai (THPT chuyên Hùng Vương), Phú Yên (THPT chuyên Lương Văn Chánh). Tại buổi giao lưu, GS Đàm Thanh Sơn đã chia sẻ với giáo viên, học sinh về kiến thức vật lý cơ bản.
Trong buổi nói chuyện, nhiều giáo viên, học sinh đã gửi đến GS Đàm Thanh Sơn nhiều câu hỏi xoay quanh hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực vật lý, toán học và hóa học. Thầy giáo Huỳnh Tấn Châu, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên), hỏi: "Toán học đã mang lại nhiều điều tốt đẹp cho giáo sư. Vậy, nếu một học sinh đam mê vật lý, nhưng không học toán xuất sắc như giáo sư hoặc có nền tảng kiến thức chưa tốt, thì liệu học sinh đó có cơ hội trở thành nhà vật lý xuất sắc trong tương lai?".
GS Đàm Thanh Sơn trao đổi với học sinh sau buổi nói chuyện khoa học và giao lưu về kiến thức vật lý cơ bản. Ảnh: TRỌNG LỢI
“Vật lý hiện đại cần nhiều công cụ về toán học, trong đó có vật lý lý thuyết. Tuy nhiên, có nhiều cách để tiếp cận, nghiên cứu. Có người tiếp cận vật lý từ toán học, có người lại suy nghĩ bức tranh vật lý theo trực giác. Dù tiếp cận ở góc độ nào, thì các kiến thức có sự bổ sung lẫn nhau. Tôi ví dụ, học sinh chưa giỏi về toán, nhưng lên đại học thì học xuất sắc. Cái này chúng ta hay nói “tài năng nở muộn”. Do đó, tương lai đôi khi cũng khó đoán định. Vật lý là môn học vừa có lý thuyết, và cả thực hành…”, GS Đàm Thanh Sơn vui vẻ chia sẻ.
TS Trần Thanh Sơn, Phó Giám đốc ICISE, cho hay: Hội nghị “Điện tử lượng tử Topo tương tác trực diện” kéo dài một tuần và mỗi ngày hội thảo được chia thành các phiên họp buổi sáng và buổi chiều để có nhiều thời gian cho tương tác không chính thức vào giữa ngày, giữa các nhà nghiên cứu trẻ và các nhà nghiên cứu dày dặn kinh nghiệm, và trao đổi văn hóa với những người tham dự đại diện cho cộng đồng nghiên cứu trên thế giới. Hội nghị cũng nêu bật những phát triển gần đây trong nghiên cứu các tính chất cân bằng và không cân bằng của các vật liệu lượng tử mới, như: Các trạng thái Topo của vật chất, các hệ hai lớp xoắn, các vật liệu từ, TMDs (transition metals dichalcogenides), siêu dẫn, các hiện tượng lượng tử trong hệ trung mô...
Dự Hội nghị có các nhà khoa học hàng đầu, gồm: GS Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, GS Lê Kim Ngọc - Chủ tịch Hội Giúp đỡ Trẻ em Việt Nam (tại Pháp), GS Duncan Haldane - Nhà khoa học đoạt giải Nobel Vật lý năm 2016, Trường ĐH Princeton - Mỹ, GS Đàm Thanh Sơn - Nhà khoa học đoạt giải Dirac năm 2018, Trường ĐH Chicago, Mỹ, GS Gregory Fiete, Trường ĐH Northeastern, Mỹ; TS Sophie Maysonnave - Tham tán Hợp tác và hoạt động văn hóa, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam; cùng 74 nhà khoa học, nhà nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu các tính chất điện tử của các vật liệu lượng tử đến từ 13 nước trên thế giới...
Đến dự Hội nghị còn có các đồng chí: Nguyễn Thái Học - Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Bùi Thế Duy - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ KH&CN; Nguyễn Phi Long - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.
"Khoa học cơ bản là nền tảng cho giáo dục và các khám phá chuyển thành ứng dụng thực tế phục vụ cho sự phát triển bền vững toàn diện, cải thiện sự công bằng và phúc lợi toàn cầu, tạo nên một hành tinh tươi đẹp và phát triển".
Giáo sư Michel Spiro - Chủ tịch Liên hiệp các hội Vật lý thế giới, Chủ tịch Ban đề án Năm Quốc tế Khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững
“Hội nghị này là dịp để các nhà khoa học trên thế giới đến Việt Nam chia sẻ kiến thức với những người trẻ yêu khoa học. Tôi hy vọng từ đây các ý tưởng khoa học mới sẽ được hình thành và lan rộng để tình yêu khoa học trong các bạn trẻ ngày một lớn thêm và trở thành nguồn tài nguyên quý giá của đất nước”.
GS Trần Thanh Vân
TRỌNG LỢI