Người trẻ giữ “hồn núi” ngân vang
Họ còn rất trẻ tuổi và điểm chung là yêu quý văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình, mong muốn vốn quý đó luôn cuộn chảy, lan tỏa trong đời sống cộng đồng. Và đặc biệt họ tha thiết muốn giao lưu, học hỏi lẫn nhau để làm giàu vốn quý.
Đó là Klin, 22 tuổi, dân tộc Chăm H’roi, ở khu phố Canh Tân, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh; Đinh Thị Linh, 17 tuổi, dân tộc H’re, ở thôn 1, xã An Trung, huyện An Lão; Đinh Công Mạnh, 13 tuổi, dân tộc Bana, ở làng Giọt 2, xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn.
1. Vóc dáng nhỏ nhắn nhưng phong cách biểu diễn ngẫu hứng, phóng khoáng, mạnh mẽ, đậm chất rừng núi trên sân khấu, đó là ấn tượng của nhiều khán giả khi xem chàng trai Klin biểu diễn tiết mục song tấu trống đôi kơ-toang qua phần thi biểu diễn nghệ thuật quần chúng tại Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh lần thứ XVI, tháng 6.2022.
Klin (bên phải) biểu diễn trống kơ-toang.
Klin cho biết, anh đam mê nghệ thuật dân tộc từ nhỏ. Sau khi tốt nghiệp THPT, anh tiếp tục đi học tại Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk. Không chỉ biểu diễn trống kơ-toang giỏi, anh còn chơi tốt nhiều nhạc cụ khác như: Đàn guitar, organ, trống, đàn t’rưng, cồng chiêng… “Tôi may mắn sinh ra, lớn lên trong gia đình có bố mẹ là nghệ sĩ, nghệ nhân âm nhạc truyền thống dân tộc Chăm H’roi. Tôi đã được ông, bà truyền dạy, chỉ dẫn rất nhiều trên con đường phát triển sự nghiệp nghệ thuật của mình”, Klin chia sẻ.
Thế nhưng với trống kơ-toang, Klin lại học “lỏm” từ các thế hệ lớn tuổi ở làng qua những lần đi xem biểu diễn trống. Sau này, nghệ nhân Lê Văn Ru, ở thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh chỉ dạy thêm, giúp anh có cơ hội hoàn thiện kỹ năng trình diễn.
Theo Klin, đánh trống kơ-toang khó nhất là các động tác chẻ, tạo ra âm thanh cứng cáp, mạnh mẽ. Các động tác đánh trống thường được mô phỏng theo dáng đi, kiểu chạy nhảy của muông thú. Người Chăm H’roi thường dùng trống kơ-toang hòa âm với chiêng ba. Song, thú vị nhất là hình thức song tấu (đánh theo lối đối đáp). Tiếng trống nhẹ nhàng, khoan thai khi đôi bên yêu mến nhau. Nhưng khi giận dữ, nhịp trống giật cục, tiếng vỗ lạch bạch tỏ rõ thái độ với đối phương... Người Chăm hay bày tỏ lời yêu hay thái độ không hài lòng bằng tiếng trống kơ-toang cũng vì lẽ đó.
2. Đinh Thị Linh mê múa xoang từ khi còn rất nhỏ. Niềm đam mê múa xoang lớn dần lên trong những dịp Linh cùng gia đình tham gia các lễ hội trong làng (lễ cúng mừng kho lúa, lễ về nhà mới, đám cưới…).
Theo Linh, múa xoang có 4 động tác chính là vỗ tay; đưa tay ra sau; chống 2 tay bên hông rồi nhún sang trái, sang phải; đưa tay theo tiếng cồng nhẹ nhàng. Trong đó, động tác đưa tay theo tiếng cồng nhẹ nhàng (tay vung lên - chân nhấc lên, tay hạ xuống - chân nhún một nhịp) là động tác đơn giản nhất và nếu động tác này không thực hiện được thì 3 động tác còn lại cũng khó theo. Chưa kể, múa xoang đẹp đòi hỏi phải đảm bảo 4 yếu tố: Tay múa mềm, nhẹ; chân nhún đúng nhịp, nhẹ nhàng; phần eo, hông lắc uyển chuyển và gương mặt biểu cảm.
Đinh Thị Linh (ngoài cùng bên phải) múa xoang.
“Em học múa xoang từ khi 10 tuổi. Bắt đầu là những động tác đơn giản, dần dần mới chuyển sang các động tác khó hơn. Mẹ em là nghệ nhân múa xoang của xã, là người chỉ dẫn em”, Linh vui vẻ nói.
Để bảo tồn và phát huy những làn điệu múa xoang của dân tộc H’re, Linh còn truyền dạy, tập luyện cho những bạn trẻ thích múa xoang trong thôn và bạn bè. Múa xoang là thông điệp về tình đoàn kết của bà con dân làng, giá trị bản sắc văn hóa độc đáo đó đang được những người trẻ như Linh gìn giữ, phát huy.
3. Đinh Công Mạnh là nghệ nhân cồng chiêng nhỏ tuổi nhất ở làng Giọt 2, xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn. Ông Đinh Ngắt - người phát hiện, đào tạo Mạnh gắn bó với môn nghệ thuật này, chia sẻ: Vì yêu cồng chiêng nên cháu Mạnh thường có mặt xem các nghệ nhân, người lớn tuổi biểu diễn cồng chiêng ở các lễ hội của địa phương. Mạnh có khả năng thẩm âm tốt, tiếp thu các động tác đánh chiêng rất nhanh. Hy vọng, niềm say mê cồng chiêng của cháu sẽ tiếp tục phát triển, sau này truyền dạy lại cho các bạn, các em nhỏ tuổi hơn để cùng nhau giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Bana.
Đinh Công Mạnh (bên phải) đánh cồng chiêng.
“Lúc đầu, mới tập đánh chiêng tay em ê ẩm, mỏi lắm. Em tính không theo nữa, nhưng chú Ngắt động viên cố gắng tập, vì bây giờ ít người trẻ theo học. Chú nói cồng chiêng là hồn cốt của dân tộc, nên mình phải giữ gìn, không để mai một. Nhờ sự chỉ dẫn tận tình của chú Ngắt, giờ đây em cũng biết được một số bài chiêng”, Mạnh tâm tình.
TRỌNG LỢI