Tây Sơn phát triển cây đậu phụng theo hướng hàng hóa
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Tây Sơn giai đoạn 2021 - 2025, địa phương chú trọng vào phát triển cây đậu phụng với quy mô tập trung, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo quy mô hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân.
Trong khoảng 5 năm gần đây, diện tích trồng đậu phụng của Tây Sơn liên tục tăng, các vùng sản xuất đầu tư các giống đậu phụng với năng suất và sản lượng cao. Nhờ nguồn nước tưới của kênh tưới Văn Phong, kênh tưới Thượng Sơn, việc chuyển đổi đậu phụng trên các chân đất cây trồng cạn thành công lớn. Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Tây Sơn, diện tích đậu phụng toàn huyện đạt gần 1.700 ha, tăng 66 ha so với năm 2021. Trong đó, xã Bình Thuận - “thủ phủ” đậu phụng của Tây Sơn - có 821 ha, tăng hơn 43 ha so với năm 2021.
Cán bộ nông nghiệp huyện Tây Sơn trực tiếp xuống ruộng kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân trồng đậu phụng ở xã Bình Thuận. Ảnh: THU DỊU
Ông Lê Hà An, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tây Sơn, cho hay: Thuận lợi của Tây Sơn khi quy hoạch phát triển cây đậu phụng thành cây chủ lực chủ yếu dựa vào đột phá về khả năng cấp đủ nước tưới. Hệ thống kênh Văn Phong, kênh Thượng Sơn và mạng lưới kênh mương nội đồng lan tỏa, đưa nước về khắp các vùng là một lợi thế lớn. Người dân tận dụng lợi thế này chuyển đổi từ các diện tích trồng mì, mía kém hiệu quả sang trồng đậu phụng, mè.
Không chỉ có vậy, các cơ quan chuyên môn ngành nông nghiệp từ tỉnh, huyện cũng đồng hành với nông dân, hỗ trợ xây dựng thành công nhiều mô hình khuyến nông cho cây đậu phụng; trong đó hiệu quả hơn cả là quy trình trồng đậu phụng áp dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm, quản lý sâu bệnh hại theo nguyên tắc IPM…
“Vụ Đông Xuân 2022 - 2023, Trung tâm lựa chọn các địa phương có diện tích trồng đậu phụng lớn, trong đó có Tây Sơn thí điểm xây dựng mô hình sản xuất đậu phụng kết hợp với máy móc cho thu hoạch. Mô hình này áp dụng KHKT, công nghệ trong sản xuất (giống mới, hệ thống tưới) và hệ thống máy sau thu hoạch, vừa giải quyết bài toán nhân công, vừa đáp ứng việc xuống giống tập trung trong cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng liên kết trong trồng đậu phụng”.
Ông HUỲNH VIỆT HÙNG, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT)
Theo nhiều nông dân ở Tây Sơn, so với các mô hình chuyển đổi cây trồng cạn khác, cây đậu phụng mang lại thu nhập cao hơn cả. Điều kiện canh tác thuận lợi, giá bán ổn định khuyến khích nông dân địa phương chủ động chuyển đổi, từng bước hình thành các vùng sản xuất đậu phụng tập trung.
Theo ông Phạm Phú Đức, cán bộ phụ trách lĩnh vực trồng trọt (Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện), nông dân chủ động tiếp cận kỹ thuật, áp dụng đúng quy trình canh tác theo hướng dẫn, nhờ vậy năng suất và sản lượng đậu phụng ở Tây Sơn cải thiện rõ rệt. Qua việc đứng chân các mô hình, Trung tâm trực tiếp hỗ trợ để người dân nắm bắt kỹ thuật trong sản xuất, đặc biệt là việc tích cực sử dụng chế phẩm Trichoderma để sản xuất phân bón hữu cơ vừa giảm được chi phí đầu tư cho phân bón vừa nâng cao chất lượng cho hạt đậu phụng. Nhiều địa phương như: Tây Giang, Tây Thuận, Bình Hòa, Bình Thuận… bắt đầu chuyển đổi tập trung, hình thành các vùng chuyên canh đậu phụng với mô hình cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng liên kết.
Ông Nguyễn Thành Mười, chủ cơ sở sản xuất và kinh doanh sản phẩm dầu phụng Thành Mười, ở xã Bình Thuận, chia sẻ: Nhu cầu dầu phụng an toàn ngày càng tăng, từ thực tế đó, gia đình tôi liên kết với các hộ dân trong vùng xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất đậu phụng hợp chuẩn VietGAP quy mô 5 ha để sản xuất dầu phụng an toàn. Sản phẩm của chúng tôi đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Dầu phụng sản xuất từ nguyên liệu hợp chuẩn VietGAP, với đầy đủ thông tin xuất xứ, nguồn gốc, giá bán cao hơn so với dầu ép truyền thống thông thường. Dù đầu tư bài bản như thế, song hiện nay sản phẩm của chúng tôi vẫn gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh và mở rộng thị trường. Việc huyện xây dựng vùng nguyên liệu hợp chuẩn, có sự đầu tư, hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, thu hút thêm DN lớn là một hướng đi phù hợp để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Quy hoạch phát triển cây đậu phụng tập trung ở Tây Sơn thực hiện theo Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp huyện Tây Sơn giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 nhằm đáp ứng vấn đề: Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng toàn diện gắn với phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, tạo việc làm, tăng thu nhập; hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung đối với các sản phẩm chủ lực của huyện để thu hút DN vào hoạt động chế biến sâu. Theo đó, đến năm 2025, huyện Tây Sơn phát triển 30 ha đậu phụng hợp chuẩn VietGAP; xây dựng các chuỗi liên kết của HTXNN chuyên ngành trong sản xuất đậu phụng...
Ông Lê Hà An, cho biết: “Để thu hút DN về đầu tư hoạt động trong lĩnh vực chế biến sâu nông sản, chúng tôi từng bước quy hoạch vùng sản xuất tập trung, hướng dẫn nông dân tham gia các chuỗi liên kết bền vững tạo vùng nguyên liệu; đồng thời mở rộng các kênh hỗ trợ kết nối, quảng bá sản phẩm, mục tiêu cuối cùng tăng thu nhập cho người dân”.
THU DỊU