DỰ ÁN “PHỤC HỒI VÀ QUẢN LÝ BỀN VỮNG RỪNG PHÒNG HỘ” - JICA 2 TẠI BÌNH ÐỊNH:
Giữ xanh những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn - Kỳ 1
Dự án “Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ” tỉnh Bình Ðịnh triển khai trong giai đoạn 2012 - 2021 do Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA, còn được gọi là Dự án JICA 2), thực hiện ở tỉnh Bình Ðịnh với mục tiêu góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng rừng phòng hộ đầu nguồn, nâng cao mức sống cho người dân vùng Dự án.
Dự án JICA 2 triển khai trên phạm vi 8.239 ha tại 12 xã thuộc 6 huyện, thị xã; với các hoạt động trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, bảo vệ rừng, kết hợp xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng lâm sinh, hạ tầng sinh kế, hỗ trợ sinh kế cho người dân, mua sắm thiết bị phòng, chống cháy rừng… Qua đó, nâng cao chất lượng rừng phòng hộ đầu nguồn và mức sống cho người dân trong vùng hưởng lợi.
Kỳ 1: Phục hồi và quản lý rừng bền vững
Kết thúc Dự án JICA 2, trong báo cáo tổng kết, nhà tài trợ và cơ quan chuyên môn thống nhất đánh giá, toàn bộ diện tích rừng thuộc phạm vi dự án đã hoàn thiện và chuyển sang giai đoạn chăm sóc bền vững; tỷ lệ che phủ rừng tăng 0,28%.
Người dân tham gia trồng rừng khôi phục rừng phòng hộ tại xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: Ban quản lý Dự án JICA 2 Bình Định
Tại Bình Định, Dự án JICA 2 triển khai ở 6 huyện, thị xã gồm: Vĩnh An (Tây Sơn), Vĩnh Kim (Vĩnh Thạnh); Mỹ Phong, Mỹ Hiệp, Mỹ An (Phù Mỹ); Ân Nghĩa, Ân Sơn, Ân Tín, Bok Tới (Hoài Ân); Hoài Sơn (Hoài Nhơn) và Canh Liên, Canh Hiệp (Vân Canh). Theo đánh giá của Ban quản lý Dự án JICA 2 Bình Định, trong quá trình triển khai, dù gặp một số khó khăn vướng mắc, song nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các cơ quan Trung ương đến tỉnh, sự đồng thuận, tích cực phối hợp thực hiện của các địa phương, các hợp phần thuộc Dự án hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo kế hoạch đặt ra. Điểm quan trọng nhất của Dự án JICA 2 là đã góp phần chuyển giao kỹ thuật, bộ công cụ hỗ trợ để các Ban quản lý rừng phòng hộ ở 6 địa phương thiết lập được phương án bảo vệ bền vững rừng phòng hộ đầu nguồn.
Chuyện rừng JICA 2 ở Vĩnh An
Đầu tháng 7.2022, dẫn chúng tôi đi thực địa về xã vùng cao Vĩnh An, huyện Tây Sơn, ông Lý Phùng Lê, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Sơn, tâm đắc: Ở Vĩnh An, đường bê tông nông thôn mang tên JICA 2 phủ khắp làng, nối liền nhau từ các làng tới trung tâm xã; đường rộng và đẹp, người dân Vĩnh An nhờ vậy mà di chuyển thuận lợi hơn; hàng hóa vận chuyển dễ dàng hơn, đời sống kinh tế của người dân nâng cao hơn. Trong khuôn khổ Dự án JICA 2, Vĩnh An được hỗ trợ xây dựng 5 km đường nằm trong hợp phần hỗ trợ hạ tầng sinh kế; đồng thời, được hỗ trợ mô hình nuôi bò thịt kết hợp trồng cỏ, giúp người dân tạo dựng được sinh kế, cải thiện đời sống.
Như muốn tôi hiểu rõ hơn lời ông Lê, ông Đinh Hoang Bình, Chủ tịch UBND xã Vĩnh An, chia sẻ: Nhờ Dự án JICA 2, chúng tôi đã hoàn thành tiêu chí “giao thông” trong xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt hơn, với hỗ trợ về sinh kế từ mô hình chăn nuôi bò thịt kết hợp trồng cỏ, giờ đây ở Vĩnh An nhà nào cũng trồng cỏ kết hợp nuôi nhốt bò thịt, biết trồng lúa lai năng suất cao. Vui nhất là nhà nhà tham gia giữ rừng, biết làm giàu nhờ kết hợp giữ rừng đầu nguồn và chuyển đổi sang khai thác lâm sản hợp pháp dưới tán rừng; bám rừng, giữ rừng để ổn định cuộc sống.
Khi tôi đến, Vĩnh An đang vào mùa lên rẫy. Những ngôi nhà khép cửa, người dân lên rẫy chăm sóc cây trồng, chuẩn bị cho một mùa thu hoạch mới. Đi qua những ngôi làng ở Vĩnh An, những nếp nhà sàn đan xen với những căn nhà kiên cố. Chỉ tay vào những nếp nhà sàn với vật liệu là tre, nứa, gỗ keo từ rừng trồng… ông Lý Phùng Lê vui mừng nói: Nếu không có những bài học giữ rừng phòng hộ đầu nguồn, dùng rừng phòng hộ để kiểm soát những vấn đề liên quan tới khí hậu, thiên tai… thì rất có thể người dân vẫn quan niệm cần làm nhà thì vào rừng đốn cây gỗ đưa về. Nhưng nhà báo thấy đó, nhà sàn vẫn đó, nhưng ở Vĩnh An từ nhiều năm nay đã chấm dứt cảnh “xẻ thịt” rừng già. Đó là những giá trị cốt lõi mà Dự án JICA 2 mang tới cho chúng ta. Không phải chỉ ở những con số không thôi, nó còn nằm ở chuyển biến nhận thức của đồng bào khi nghĩ về rừng.
Cùng tham gia bảo vệ rừng
Tín hiệu vui ở rừng Dự án JICA 2 không chỉ đến riêng với Vĩnh An mà cũng hiện rõ nhiều vùng rừng khác thuộc phạm vi triển khai Dự án. Với kinh nghiệm trong quản lý và khôi phục rừng bền vững, các chuyên gia đã cập nhật, huấn luyện, bổ sung kiến thức, kỹ năng và các ứng dụng cần thiết phục vụ việc quản lý và phát triển rừng. Theo đánh giá của Ban quản lý Dự án JICA 2 tỉnh Bình Định, đến nay, những diện tích rừng trồng sau khi kết thúc thời gian đầu tư đã khép tán, đảm bảo chất lượng. Những diện tích rừng tự nhiên thực hiện khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên và bảo vệ cũng được các đơn vị thi công thực hiện đảm bảo kỹ thuật và quản lý tốt.
Tính đến hết năm 2021, từ Dự án JICA 2, tỉnh Bình Định có thêm 1.658 ha rừng trồng mới; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh được 3.452 ha rừng khác; giao khoán bảo vệ 2.868 ha rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn. Dự án JICA 2 đã góp phần tăng độ che phủ rừng toàn tỉnh thêm 0,28%. Không chỉ có vậy, chất lượng rừng cũng cao hơn, giảm xói mòn đất, bảo vệ nguồn nước, hạn chế lũ lụt và góp phần bảo vệ đa dạng sinh học.
Ông Nguyễn Rê, Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý Dự án JICA 2 Bình Định, đánh giá: Dự án JICA 2 thiên về tác động tốt cho môi trường tự nhiên, trong đó tập trung vào khôi phục rừng phòng hộ đầu nguồn, từ đó đưa tới những kết quả tích cực trong kiểm soát các vấn đề về thiên tai. Cách làm của chuyên gia JICA là chuyển giao kỹ thuật, công nghệ phù hợp để khôi phục và bảo tồn đa dạng sinh học vùng rừng đầu nguồn. Dự án góp phần tăng cường kỹ năng, năng lực cho cán bộ quản lý của ngành lâm nghiệp; áp dụng những điểm phù hợp của Dự án để nhân rộng và lên phương án bảo vệ rừng bền vững trên địa bàn tỉnh.
Dự án JICA 2 triển khai trên địa bàn tỉnh gồm 7 hợp phần: 1- Rà phá bom mìn và tẩy rửa chất độc; 2- Phát triển và cải thiện rừng phòng hộ; 3- Hỗ trợ phát triển sinh kế; 4- Phát triển cơ sở hạ tầng sinh kế; 5- Phát triển cơ sở hạ tầng lâm sinh; 6- Kiểm soát cháy rừng; 7- Quản lý dự án.
Đến hết năm 2021, toàn tỉnh đã trồng rừng mới 1.658 ha/1.835 ha, đạt hơn 90% kế hoạch; khoán bảo vệ rừng 2.686 ha, đạt 100% kế hoạch; khoanh nuôi tái sinh tự nhiên 3.452 ha, đạt 100% kế hoạch.
“Dự án JICA 2 tạo ra tiền đề quan trọng cho việc người dân tham gia giữ rừng phòng hộ đầu nguồn ở địa bàn huyện Tây Sơn. Tính đến nay, ở vùng Dự án - cụ thể là xã Vĩnh An, người dân ý thức tham gia giữ rừng, tham gia vào tổ cộng đồng bảo vệ rừng, không tự ý lấn chiếm, khai thác rừng trái pháp luật. Với sự trang bị về kỹ thuật, kiến thức, kỹ năng từ Dự án, người dân Vĩnh An chủ động tham gia vào trồng và chăm sóc rừng bền vững, khởi đầu cho việc phát triển rừng gỗ lớn ở địa phương” - Ông Lê Hà An, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tây Sơn
THU DỊU
● Kỳ cuối: Phát huy hiệu quả từ Dự án jica 2