An Nhơn phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao là nhiệm vụ trọng tâm được TX An Nhơn tập trung đôn đốc thực hiện, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. TX An Nhơn xem đây là bước đột phá trong phát triển kinh tế giai đoạn 2020 - 2025.
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động số 11, ngày 14.5.2021 của Tỉnh ủy về phát triển ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, lâm nghiệp, TX An Nhơn đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các đơn vị tư vấn, khoa học nghiên cứu, chuyển giao các công trình khoa học, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; xây dựng mô hình, dự án thử nghiệm ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm; xúc tiến xây dựng thương hiệu các nông sản chủ lực của địa phương.
Cùng với đó, An Nhơn khuyến khích phát triển các HTX, tổ hợp tác, nhóm cùng sở thích trên các lĩnh vực trồng cây ăn quả, trồng rau an toàn, chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, nuôi thủy sản trên sông, trong ao hồ… gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm với nhiều mô hình linh hoạt.
Một nông dân phường Bình Định trồng rau thủy canh trong nhà màng.
Ông Lê Thanh Tùng, Chủ tịch UBND TX An Nhơn, cho biết: Vừa rồi chúng tôi triển khai canh tác lúa cải tiến theo phương thức SRI liên kết theo chuỗi giá trị, diện tích trên 1.020 ha, kết quả năng suất tăng 2 tạ/ha so với lúa đại trà đối chứng. Không chỉ năng suất cao hơn mà chất lượng gạo cũng tốt hơn, được người tiêu dùng đánh giá cao. Cùng với đó, An Nhơn còn đầu tư hạ tầng kỹ thuật sản xuất khu mai vàng tập trung tại 2 xã Nhơn An và Nhơn Phong. Đây là mô hình trồng mai kiểu mới, đảm bảo an toàn, thân thiện với môi trường theo chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm. Những động thái trên nhằm từng bước hình thành các vùng sản xuất quy mô, sản xuất hàng hóa đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Những thành công trên tiếp sức để An Nhơn khuyến khích các DN, HTX đầu tư các dự án sản xuất lúa thương phẩm theo hướng hữu cơ, VietGAP gắn với liên kết sản xuất và chế biến gạo. Để thực hiện hướng đi này, từ vụ Thu năm 2021 và vụ Đông Xuân 2021 - 2022, An Nhơn thử nghiệm sản xuất 45 ha lúa chất lượng cao ST25. Đồng thời chuyển hơn 14 ha trồng lúa, hoa màu hiệu quả thấp sang trồng một số giống rau mới, dưa lưới trong nhà màng, nhà lưới; việc chăm sóc có sự hỗ trợ của công nghệ cao, hệ thống tưới tiết kiệm.
Đón nhận sự động viên khuyến khích của chính quyền, nhiều DN đã đầu tư lớn để làm vườn cây ăn quả, dược liệu và điểm chung là đều có sự hỗ trợ của công nghệ cao trong quản lý, chăm sóc. Có thể kể đến Công ty HSP đầu tư hơn 7,4 tỷ đồng làm vườn cây ăn quả, dược liệu rộng 15 ha tại thôn Thọ Lộc 2, xã Nhơn Thọ; Công ty TNHH Thiên Hưng đầu tư 10,2 tỷ đồng trồng 30 ha mít, bưởi tại thôn Tân Nghi, xã Nhơn Mỹ; một số DN, HTX khác đã xây dựng chuỗi liên kết canh tác - chế biến - tiêu thụ nông sản sau thu hoạch một số loại cây trồng cạn (sả, đậu phụng, bắp, mè…) với một số sản phẩm (tinh dầu sả, dầu phụng, dầu mè) có thương hiệu, gắn với chỉ dẫn địa lý.
Điển hình trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp phải kể đến HTXNN 2 Nhơn Thọ với một số sản phẩm nổi tiếng, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao như: Dưa lê vỏ vàng Kim Hoàng Hậu, dưa lưới vỏ xanh. “Dưa lê Kim Hoàng Hậu có thể trồng từ tháng 2 đến cuối tháng 9 hằng năm. Từ khi xuống giống đến khi thu hoạch mất chừng 60 - 70 ngày, trọng lượng có thể đạt từ 1,2 - 1,5 kg/quả. Hiện tại với 3,4 ha dưa lê vỏ vàng Kim Hoàng Hậu và dưa lưới vỏ xanh hợp chuẩn VietGAP, chúng tôi thu được hơn 1,2 tỷ đồng mỗi vụ, cao gấp 5 - 6 lần so với trồng mía như trước đây”, ông Phạm Văn Tân, Giám đốc HTXNN 2 Nhơn Thọ, cho biết.
Thành viên HTXNN 2 Nhơn Thọ thu hoạch dưa lê vỏ vàng Kim Hoàng Hậu.
Đến nay TX An Nhơn đã có 7 sản phẩm OCOP 4 sao và 8 sản phẩm OCOP 3 sao, sản phẩm được tiêu thụ khá tốt. Đây là cơ sở để An Nhơn tiếp tục đẩy mạnh việc giúp các địa phương, nhà sản xuất có thêm sản phẩm được chứng nhận hợp chuẩn OCOP; đồng thời tích cực hỗ trợ để đưa các sản phẩm này lên sàn thương mại điện tử.
Ông Lê Thanh Tùng, khẳng định: “Từ nay cho đến năm 2025, An Nhơn tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho sản xuất hàng hóa có lợi thế cạnh tranh, thích ứng biến đổi khí hậu và có thị trường ổn định. Thị xã chỉ đạo chủ động tiếp cận, lựa chọn những kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và những mô hình tổ chức quản lý sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để chuyển giao vào sản xuất, phục vụ bà con nông dân, tạo sự chuyển biến rõ rệt trên phạm vi rộng về chất lượng và hiệu quả kinh tế, bền vững môi trường”.
XUÂN THỨC