DỰ ÁN “PHỤC HỒI VÀ QUẢN LÝ BỀN VỮNG RỪNG PHÒNG HỘ” - JICA 2 TẠI BÌNH ĐỊNH:
Giữ xanh những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn - Kỳ cuối: Phát huy hiệu quả từ Dự án JICA 2
Theo đánh giá của tỉnh Bình Định, Dự án JICA 2 góp phần tăng cường năng lực quản lý, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp trong vùng Dự án. Trong đó, do đặc trưng là hướng đến loại hình rừng phòng hộ đầu nguồn, điểm khác biệt của Dự án JICA 2 là rất chú trọng đến việc tăng cường năng lực quản lý, kỹ năng sản xuất lâm nghiệp cho cộng đồng và hộ gia đình; xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học với sự tham gia của cộng đồng và cơ quan quản lý nhà nước.
Góp phần nâng cao năng lực cho cán bộ lâm nghiệp
Đặc điểm của Dự án JICA 2 là suất đầu tư thấp hơn, quá trình thực hiện nhiều khó khăn so với rừng sản xuất. Tuy nhiên, Dự án tập trung tác động, phát triển môi trường - xã hội, thông qua việc phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn sẽ hạn chế thiên tai, giảm rủi ro cho cộng đồng dân cư. Chính vì vậy, các chuyên gia của Dự án JICA 2 đi sâu vào các biện pháp chuyển giao kỹ thuật trong chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên; đào tạo kỹ năng trồng mới rừng chuyển hướng dần sang cây bản địa để tăng tỷ lệ che phủ rừng về lâu dài.
Ông Huỳnh Thanh Phương, Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Hoài Ân, chia sẻ: Tham gia Dự án JICA 2, những người hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp đã được đào tạo, cập nhật nhiều kiến thức mới về sản xuất lâm nghiệp, kỹ thuật giữ rừng phòng hộ - tái tạo để bảo tồn đa dạng sinh học và nhiều kỹ năng khác. Các chuyên gia của Dự án truyền đạt, cầm tay chỉ việc ngay trên thực địa - ngay cả từ việc đơn giản, quá quen thuộc như bấm định vị từng vị trí trồng xen cây, quy cách đào hố... Đơn giản và quen thế nhưng khi được phân tích, hướng dẫn chi tiết mình mới thấy rõ vì sao phải làm đúng quy trình, thực hiện đúng chi tiết các yêu cầu.
Chẳng hạn, Dự án JICA 2 chuyển giao kỹ thuật cho các ban quản lý rừng phòng hộ thực hiện xử lý thực bì không đốt dựa trên những đặc tính của vùng rừng, kéo giảm thiệt hại do cháy rừng, giữ được hệ sinh thái thảm rừng. Kết hợp trồng mới cây bản địa với cây sản xuất, cho phép khai thác gỗ trong chu kỳ để tăng thu nhập, từ đó khích lệ người dân tham gia bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn.
Dự án tập huấn kỹ năng phòng, chống cháy rừng cho cán bộ ngành lâm nghiệp. Ảnh: BQL Dự án JICA 2 Bình Định
Nói về điều này, ông Lê Văn Bình, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Hoài Ân, cho hay: Nhờ áp dụng kỹ thuật này, nguy cơ cháy rừng từ việc đốt thực bì giảm hẳn. Hiện các diện tích rừng thuộc Dự án đã phát triển, khép tán, góp phần tích cực trong việc bảo vệ các lưu vực hồ chứa đầu nguồn, trong đó có hồ chứa nước Vạn Hội - một trong những hồ chứa lớn ở Hoài Ân nằm trên địa bàn 2 xã Ân Sơn và Ân Tín.
Theo ông Nguyễn Việt Tiến, một trong những hộ đang nhận khoán bảo vệ 8 ha rừng thuộc Dự án JICA 2 ở địa bàn xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, nhờ được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật bài bản của các chuyên gia JICA, gia đình ông áp dụng trong bảo vệ, chăm sóc rừng phòng hộ và cả trên rừng sản xuất của gia đình.
Thống kê của Ban quản lý Dự án JICA 2 Bình Định, Dự án đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ cho hàng trăm lượt cán bộ của ngành lâm nghiệp. Đồng thời, trang bị phương tiện, công cụ phòng chống cháy rừng, xây dựng các chòi canh lửa, trạm bảo vệ rừng và nâng cấp vườn ươm… cho các đơn vị thực hiện Dự án.
Nhân rộng điểm tích cực từ Dự án JICA 2
Những năm qua, độ che phủ rừng được nâng lên đáng kể, trong đó phải kể đến những dự án ưu tiên cho khôi phục và phát triển rừng phòng hộ. Song thực tế, chất lượng của rừng, tác dụng phòng hộ chưa phát huy như mong đợi. Chính vì thế, gần đây Chính phủ đã đề ra chiến lược phát triển lâm nghiệp cụ thể cho từng vùng miền và từng đối tượng rừng. Trong bối cảnh đó, Bình Định lại càng có lợi thế khi sớm tiếp cận Dự án JICA 2. Mục tiêu và cách thức tác động vào rừng của Dự án JICA 2 hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển lâm nghiệp, ứng phó đổi khí hậu và phòng chống thiên tai của Chính phủ và Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Kết quả đạt được của Dự án JICA 2 đã đóng góp lớn vào công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững vùng Dự án, có ảnh hưởng lớn đến phát triển KT-XH, bảo vệ xã hội và an ninh quốc phòng không chỉ cho các vùng Dự án mà còn là các khu vực lân cận. Kết quả quan trọng của Dự án JICA 2 là tạo ra tác động tích cực với hệ sinh thái rừng phòng hộ đầu nguồn thông qua việc chuyển giao kỹ thuật và đào tạo nhân lực cho các đơn vị quản lý; hướng dẫn và tạo dựng sinh kế cho người dân vùng Dự án để giảm áp lực lên rừng.
Thông qua hợp phần hỗ trợ cải thiện sinh kế, Dự án JICA2 đã đào tạo, hỗ trợ phát triển các mô hình sinh kế cho người dân sống gần rừng ở 26 thôn thuộc 12 xã của 6 huyện, với 381 hộ dân tham gia, hưởng lợi trực tiếp. Cùng với đó, Dự án thực hiện hỗ trợ các xã tham gia xây dựng hệ thống đường bê tông nông thôn, tạo thuận lợi cho hoạt động đi lại, giao thương của người dân.
Ông Nguyễn Rê, Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý Dự án JICA 2 tỉnh Bình Định, cho hay: “Dự án JICA 2 thành công trong thay đổi tư duy, phương thức quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn; đồng thời đưa tới nhiều kinh nghiệm để ngành lâm nghiệp tỉnh tiếp tục phát huy và xây dựng các dự án tương tự”.
Theo kế hoạch, Dự án JICA 2 Bình Định đã kết thúc thời gian triển khai. Song, với các vùng Dự án, đến nay chính quyền các cấp, ban quản lý rừng phòng hộ và cư dân tiếp tục thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng theo kỹ thuật, công nghệ đã làm chủ. Các ban quản lý rừng phòng hộ thực hiện giao khoán bảo vệ rừng dài hạn cho người dân với những lợi ích lâu dài như hưởng thu nhập từ khai thác gỗ khi đủ điều kiện, chi phí dịch vụ bảo vệ rừng… Đồng thời, chính quyền cấp xã và cộng đồng dân cư hưởng lợi từ các công trình cơ sở hạ tầng sinh kế tiếp tục duy tu, bảo dưỡng và sử dụng đúng để đảm bảo lợi ích lâu dài.
Mỗi dự án liên quan đến phát triển và bảo vệ rừng khi triển khai đều mang tới hiệu quả rất to lớn. Riêng với Dự án JICA 2, những cánh rừng phòng hộ được giữ gìn tạo ra giá trị về môi trường, về khí hậu, hạn chế được sạt lở, sụt lún vào mùa mưa; bảo vệ nguồn nước, giúp phát triển KT-XH. Giữ được rừng bằng việc tạo mối liên hệ chặt chẽ với cộng đồng, giao khoán rừng cho cộng đồng quản lý, đó là thành công to lớn của Dự án JICA 2 tại Bình Định”.
Ông LÊ ĐỨC SÁU, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm
Hoài Ân có 4 xã được hưởng lợi từ Dự án JICA 2. Từ Dự án, những cánh rừng phòng hộ ở các lưu vực hồ chứa nước đang được phủ xanh, phủ kín, đảm bảo an toàn cho vùng hồ đập. Từ Dự án, chính quyền các cấp và Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Hoài Ân đã xây dựng được phương án quản lý bền vững rừng phòng hộ với diện tích 26.000 ha”.
Ông HOÀNG ANH THIỆN, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân
THU DỊU