Những bất cập trong việc xuất bản sách dành cho trẻ em
Tại nhiều quầy sách, cửa hiệu sách trên cả nước trong nhiều năm trở lại đây, ấn phẩm dành cho lứa tuổi học trò luôn có một vị trí nổi bật, tuy vậy chưa hẳn là tín hiệu đáng vui mừng, vì có một thực tế là trong khi số đầu sách dành cho tuổi học trò tăng theo từng năm, thì chất lượng không theo đó để được cải thiện.
Với các nhà xuất bản, nhà sách quốc doanh hay tư nhân, bên cạnh các sách ngoại ngữ và kinh tế, sách dành cho lứa tuổi học trò đem tới nguồn lợi nhuận không nhỏ. Ðiều đó không chỉ thể hiện qua số kệ, tủ sách dành cho trẻ em thường chiếm vị trí bắt mắt, dễ tìm trong hiệu sách, mà còn qua số người mua các ấn phẩm này. Tuy nhiên, không cần khảo sát chi tiết cũng nhận thấy sự bất cập đang tồn tại trong việc xuất bản sách báo dành cho lứa tuổi học trò, khi phần lớn ấn phẩm là sách bổ trợ kiến thức học tập như bài tập, bài tập bổ trợ, bài tập nâng cao, bài tập tăng cường, để học tốt của các môn học "chính" từ lớp 1 đến lớp 12; sách dành cho tuổi mẫu giáo là tập tô mầu, dạy chữ cái tiếng Việt và cả chữ cái tiếng nước ngoài (trong khi phần lớn trẻ em ở lứa tuổi này còn chưa nói sõi!). Chất lượng các cuốn sách lại là thực tế đáng buồn khác, bởi ngoài một số đầu sách có lô-gô và dán tem của NXB Giáo dục, NXB Ðại học Quốc gia, NXB Ðại học Sư phạm có giá trị tham khảo, còn thì một phần không nhỏ đầu sách gọi là "bổ trợ" kiến thức cho học sinh, trẻ em mẫu giáo là sách in lậu, nội dung sao chép, chất lượng in lòe nhòe, nhiều lỗi chính tả. Thậm chí có sai sót nguy hại về tri thức, lịch sử như đã được báo chí chỉ rõ trong thời gian qua. Hiện tượng này đưa tới sự hồ nghi, đó là các đầu sách nhập lậu từ nước ngoài, nhưng dường như chúng ta lại quên rằng lỗi trước hết là ở người biên tập, người minh họa sách, thay vì tự thiết kế, vẽ hình phải chăng họ đã đi "đạo" sách vở của nước ngoài và dẫn đến tình trạng dở khóc, dở cười chứ không nhầm lẫn như có nhà xuất bản đã giải thích?
Việc số đầu sách bổ trợ kiến thức xuất hiện tràn lan dường như còn cho thấy quan niệm về giáo dục của nhiều phụ huynh đang có vấn đề. Vì muốn con em có kiến thức vượt trội so với bạn đồng lứa để đạt kết quả học tập cao, rồi thi đỗ vào các trường đại học danh giá ở trong và ngoài nước, nhiều phụ huynh cũng như học sinh đã vô tình tạo điều kiện giúp một số người trục lợi? Bên cạnh đó, tuy sách bổ trợ kiến thức có đủ loại tương ứng với các cấp học, song ấn phẩm về kiến thức cần thiết cho cuộc sống hằng ngày, các kỹ năng "mềm" của học sinh thuộc mọi lứa tuổi lại rất ít, nếu có thì nội dung sơ sài, giáo điều, thiếu trực quan, thiếu sinh động. Có thể lý giải điều này từ hai nguyên nhân. Thứ nhất, giáo viên và phụ huynh đã giáo dục học sinh rất tốt các kỹ năng đó nên không cần sách vở hỗ trợ? Tuy nhiên, nguyên nhân này có vẻ sẽ không thuyết phục được nhiều người khi liên hệ với một số hiện tượng đã xuất hiện trong lứa tuổi học đường gần đây, như: quan hệ tình dục sớm, sử dụng các chất gây nghiện, tiếp xúc với văn hóa phẩm đồi trụy, phạm tội,... cùng hệ lụy đáng tiếc khác khiến xã hội đau lòng. Thứ hai, phụ huynh và học sinh ở đô thị cho rằng, vì các em chỉ ở nhà và đến trường nên không cần các kỹ năng "mềm" hỗ trợ; nhất là các học sinh đang sống và học tập theo chu trình khép kín: học và nghỉ tại trường bán trú, tan trường tiếp tục học tập tại trung tâm học thêm, tối mới về đến nhà? Thiết nghĩ, điều đó sẽ gây khó khăn rất lớn cho các em trong tương lai, vì khi trưởng thành, các em phải tự làm chủ cuộc sống của chính bản thân mình. Ðáng lo ngại là số phụ huynh có quan niệm như vậy đang có xu hướng tăng lên. Thiếu kỹ năng sống cũng là lý do khiến cho học sinh có quan điểm sai lạc về tương lai, dẫn đến tình trạng học sinh nhầm lẫn trong đánh giá bản thân, có cái nhìn sai lạc đối với các ngành, nghề trong xã hội.
Một phần nhỏ trong số ấn phẩm dành cho lứa tuổi học trò là sách văn học, và ở bộ phận này cho thấy một vấn đề hệ trọng. Phải nói rằng, hiện tại con em chúng ta có quá ít đầu sách văn học để lựa chọn, quá ít thời gian để đọc các cuốn sách, hoặc nhiều em tìm niềm vui từ những trò giải trí khác chứ không quan tâm đến văn học (nhất là trẻ em ở các thành phố). Rồi nữa là thị phần sách văn học dành cho trẻ em không chỉ lép vế so với thị phần của sách bổ trợ kiến thức, mà còn phải đối mặt với các tác phẩm nước ngoài, trong đó đáng ngại nhất là truyện tranh. Là sách dành cho lứa tuổi học trò nhưng thị trường truyện tranh thực tế rất phức tạp. Ðã từ lâu, có một quan niệm khá phổ biến rằng, truyện tranh là sản phẩm dành cho thiếu nhi, nên một bộ phận phụ huynh để con cái thoải mái lựa chọn các truyện tranh có bìa mầu bắt mắt mà không để ý tới nội dung. Chỉ khi thấy hành động hay lời nói bất thường của con cái, tình cờ đọc các cuốn truyện này, phụ huynh mới phát hoảng vì quá... người lớn! Bên cạnh một số truyện tranh có nội dung dung tục, thì mức độ bạo lực thậm chí còn đậm hơn mấy bộ phim dành cho người lớn vẫn được truyền hình khuyến cáo trước khi xem. Và thật ngạc nhiên, có nhà xuất bản lại thấy mình không hề "có lỗi" trong việc này, vì họ đã "cảnh báo, chú thích" kèm theo ấn phẩm! Về lý, có thể không sai, nhưng xét đến cùng thì người làm sách chỉ làm chiếu lệ qua dòng cảnh báo chữ rất nhỏ in ở bìa lót hay bìa sau cuốn truyện, ít người có thể đọc thấy. Hơn nữa, các cuốn sách có chú thích như vậy liệu có ý nghĩa gì khi được bày lẫn với các ấn phẩm văn học dành cho trẻ em mà không có sự phân biệt; và họ có quan tâm tới một đặc điểm tâm lý quan trọng là với trẻ em (và không chỉ trẻ em) sự khuyến cáo hay cảnh báo rất dễ kích thích sự tò mò?
Cuối cùng, trong khi đổ lỗi cho nhà xuất bản hay người tiêu dùng, hầu như các chủ hiệu sách, người bán hàng trực tiếp cho học sinh dường như lại vô can? Chính sự lòng vòng, thiếu chế tài nghiêm khắc ấy đã tạo ra cơ hội để một số truyện tranh có nội dung xấu xuất hiện, và ai dám bảo đảm chúng không tác động tới tâm hồn các em? Gần đây, một giải pháp được nhiều nhà xuất bản, các tác giả trẻ nghĩ tới là xuất bản các tập truyện tranh của người Việt, phù hợp với văn hóa Việt. Tuy nhiên đến nay, các ấn phẩm này chưa đủ sức cạnh tranh với truyện tranh nước ngoài, vì thua kém về nhiều mặt. Ngoài thành công hiếm hoi của bộ truyện tranh Thần đồng Ðất Việt khi khéo léo lồng cốt truyện dân gian, truyện danh nhân vào những nét vẽ hóm hỉnh có cá tính riêng, các bộ truyện tranh còn lại nếu không "ăn theo" cốt truyện, hình ảnh của truyện tranh nước ngoài thì cũng bắt chước chính... Thần đồng Ðất Việt! Một số bộ truyện tranh khác có những nỗ lực nhất định khi đi tìm lối đi riêng, chủ đề phù hợp với lứa tuổi học sinh nhưng sớm dừng lại vì chi phí cao, hình họa không phù hợp, tư duy còn cứng nhắc. Do thị trường truyện tranh hầu như đã thuộc về các đầu sách đến từ nước ngoài, việc truyện tranh Việt Nam phải làm gì để tạo dựng một thị phần xứng đáng đang trở thành vấn đề cấp bách. Thiết nghĩ, tác giả truyện tranh không chỉ đòi hỏi sự tâm huyết, mà còn phải hiểu các em, lấy sự phát triển trí tuệ, nhu cầu, sự giải trí lành mạnh của các em là mục đích, từ đó lắng nghe, suy nghĩ và sáng tạo.
Ngày nay không phải trẻ em đã "quên" sách in, hay chỉ ham đọc truyện tranh như một số bài báo chỉ trích. Với sách nước ngoài, các em vẫn tìm đọc Harry Potter, Nhóc Nicolas, Cậu bé rồng Eragon,... và ở trong nước, tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh được bạn đọc trẻ nhiệt tình đón nhận. Vấn đề là sách văn học dành cho trẻ em đã phong phú, đa dạng, sinh động, hấp dẫn để các em tìm đọc? Hiện tượng đơn lẻ của Nguyễn Nhật Ánh buộc chúng ta phải nhìn vào một sự thật là sáng tác cho trẻ em, viết về trẻ em ở Việt Nam hiện có nhiều vấn đề cần bàn. Các nhà văn ở thế hệ đi trước dường như chưa theo kịp xu thế, phong cách khuynh hướng phát triển của học sinh hiện nay, nên nhân vật trong sáng tác cho lứa tuổi học sinh khá "cứng tuổi". Ngay như nhân vật trong tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ðông Thức hay Nguyễn Ngọc Thuần cũng chỉ gần gũi với lứa bạn đọc sắp tốt nghiệp phổ thông trung học, ít nhận được sự quan tâm của học sinh sinh ra trong những năm đầu thế kỷ này? Các vấn đề của sách văn học dành cho trẻ em trong quá khứ và các tác giả thuộc các thế hệ trước để lại một khoảng trống đầy cơ hội, thách thức với các nhà văn trẻ. Hiện thực sinh động là thế, nhưng không ít nhà văn trẻ lại tự giới hạn mình trong đề tài tình yêu học đường. Chưa kể một số cuốn sách về "tình yêu học trò" nhưng nhân vật lại suy nghĩ, trải nghiệm như người lớn từng trải; rồi chuyện tình éo le, tình tiết ngang trái, cảm xúc đau đớn,... Ðọc cuốn sách như vậy, học sinh có thể sẽ có cái nhìn lệch lạc về tình cảm của chính mình dành cho bạn bè đồng lứa, thậm chí khiến các em suy nghĩ ích kỷ, xem nhẹ các tình cảm cao quý khác...
Xã hội và con người đã đạt tới trình độ phát triển mới, vì thế nhu cầu nhận thức, nhu cầu thẩm mỹ của trẻ em cũng đã đạt tới một trình độ phát triển mới so với thế hệ đi trước. Bởi vậy, thay vì áp đặt quan niệm, suy nghĩ, rung động của người lớn vào các em, các tác giả có xu hướng sáng tác văn học cho lứa tuổi học trò nên nhập thân vào với các em, hiểu các em, suy nghĩ và rung cảm cùng các em,... để phát hiện ra vấn đề tư tưởng - thẩm mỹ cần phản ánh qua tác phẩm. Các tác giả nên coi đó là hoạt động sáng tạo có trách nhiệm vì tương lai đất nước. Khi thị trường sách dành cho lứa tuổi học trò sôi động, thì chất lượng những cuốn sách dành cho lứa tuổi học trò như thế nào sẽ góp phần quyết định thái độ sống của mỗi người đọc sách trong tương lai không xa. Hiện tại sách dành cho lứa tuổi học trò ở Việt Nam đang được xuất bản khá tự do, thiếu một định hướng rõ ràng, có không ít "mầm bệnh",... Việc khắc phục như thế nào phụ thuộc vào hệ thống các tổ chức, cá nhân có liên quan để đề ra những giải pháp, hướng đi mới. Thật đáng lo ngại, nếu trong tương lai, xã hội sẽ có một bộ phận mang danh "trí thức trẻ", nhưng lười đọc sách và có những suy nghĩ hẹp hòi, lệch lạc.
. Theo VIỆT QUANG (Nhân Dân)