Giáo dục sức khỏe sinh sản ở Tuy Phước :
Hiệu quả từ những mô hình
Các mô hình, hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh niên ở huyện Tuy Phước giúp các em biết cách tự bảo vệ. Đồng thời, làm thay đổi cách nghĩ của một số phụ huynh trong hỗ trợ con em tiếp cận với những thông tin, kiến thức xoay quanh vấn đề giới tính, sinh lý, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục.
Kết quả tích cực
Thành lập từ tháng 7.2013, câu lạc bộ (CLB) tiền hôn nhân của thị trấn Tuy Phước đã duy trì nền nếp sinh hoạt vào ngày 15 hằng tháng. Mỗi lần sinh hoạt thu hút khoảng 30 người, dù số thành viên chính thức của CLB chỉ là 18. Nội dung chính của các buổi sinh hoạt là tư vấn tuổi kết hôn - sinh con, hậu quả của quan hệ tình dục trước hôn nhân, phòng ngừa có thai và phá thai không an toàn; phòng và điều trị các bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục; trách nhiệm của tuổi trẻ trong thực hiện chính sách DS-KHHGĐ…
Theo chuyên trách DS-KHHGĐ của Trạm Y tế thị trấn Tuy Phước Lâm Thị Bích Đào, qua các buổi sinh hoạt, nhận thức, thái độ, hành vi của vị thành niên, thanh niên về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục đã chuyển biến rõ rệt. “Cuối mỗi buổi sinh hoạt, chúng tôi đều có “bài test” để xem các em tiếp nhận thông tin như thế nào. Sự chuyển biến còn thể hiện qua kiến thức trong từng câu hỏi mà các em cùng trao đổi với chúng tôi”, bà Đào cho hay.
Bên cạnh CLB tiền hôn nhân, ở huyện Tuy Phước còn có mô hình khám sức khỏe và tư vấn tiền hôn nhân được triển khai tại thị trấn Tuy Phước và 5 xã Phước Thắng, Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thuận, Phước An. Từ năm 2006 đến nay, đã có 26 đợt truyền thông tư vấn được tổ chức, giúp cho các đối tượng tiền hôn nhân chuẩn bị kiến thức, tâm lý đúng cho cuộc sống vợ chồng và phát hiện, điều trị sớm một số bệnh tật ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. 21 đợt khám sức khỏe cũng được tổ chức cho 1.349 lượt vị thành niên, thanh niên.
Ngoài ra, huyện Tuy Phước còn có mô hình sinh hoạt ngoại khóa giáo dục dân số - sức khỏe sinh sản vị thành niên ở các trường THPT. Đã thành lập và duy trì hoạt động của 9 CLB vị thành niên với số lượng 245 em, sinh hoạt 2 kỳ/năm học; tổ chức 14 buổi ngoại khóa chuyên đề về giáo dục giới tính, tình bạn, tình yêu, tình dục và sức khỏe sinh sản với 9.500 lượt học sinh tham gia. Đồng thời, tổ chức 10 lớp tập huấn cung cấp thông tin, kiến thức và kỹ năng bảo vệ sức khỏe sinh sản cho 360 lượt học sinh.
Ông Phạm Tích Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, đánh giá: “Các hoạt động đã đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu về tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của một bộ phận vị thành niên, thanh niên. Từ đó, giúp các em biết cách ứng xử và hành động đúng trong các mối quan hệ xã hội, biết cách tự bảo vệ, phòng tránh thai, phá thai và lạm dụng tình dục ở tuổi vị thành niên. Đặc biệt là làm thay đổi cách nghĩ của một số phụ huynh trong việc hỗ trợ các em tiếp cận với những thông tin, kiến thức xoay quanh vấn đề giới tính, sinh lý, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục”.
Cần thêm nguồn lực
Tuy đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhưng công tác tuyên truyền, giáo dục sức khỏe sinh sản cho đối tượng tiền hôn nhân vẫn còn không ít khó khăn. “Trong lúc có quá nhiều phương tiện giải trí hấp dẫn, việc thu hút các bạn trẻ đến sinh hoạt không hề dễ dàng. Trong khi đó, kinh phí tổ chức quá thấp, mỗi buổi sinh hoạt chỉ có 250 ngàn đồng, “co kéo” lắm cũng chỉ đủ mua bánh kẹo”, Bí thư Đoàn thanh niên thị trấn Tuy Phước Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết.
Nguồn kinh phí hạn hẹp cũng là lý do chính khiến các hoạt động chưa được tổ chức nhiều. Do đó, việc cung cấp thông tin, giáo dục kỹ năng sống và chăm sóc sức khỏe sinh sản chỉ mới tiếp cận 10-15% vị thành niên, thanh niên của huyện. Mặt khác, một số phụ huynh chưa thật sự quan tâm và ủng hộ các em tham gia các hoạt động của mô hình. Tình trạng có thai, phá thai, sinh con ở tuổi vị thành niên vẫn xảy ra. Trong năm 2013, toàn huyện có 35 vị thành niên có thai, chiếm 1,2% tổng số phụ nữ có thai.
Theo các cán bộ trong ngành Dân số, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên rất cần được đầu tư thêm nguồn lực. Các mô hình cần được duy trì và nhân rộng đến số đông vị thành niên, thanh niên. “Cần có cơ chế, chính sách để thanh niên được tiếp cận dễ dàng, an toàn, bí mật các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục. Hoạt động này trong trường học cần sâu hơn, thiết thực hơn. Ngành Giáo dục cần cụ thể hóa các chương trình giảng dạy giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp theo các cấp học nhằm trang bị kiến thức cho từng giai đoạn phát triển của học sinh”, một cán bộ Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Tuy Phước bày tỏ.
Em Nguyễn Thị Mỹ Hân, học sinh của một trường THPT trên địa bàn thị trấn Tuy Phước, chia sẻ: “Sinh hoạt giáo dục dân số- sức khỏe sinh sản vị thành niên là hoạt động ngoại khóa mà chúng em thích nhất. Em nghĩ, trường học cũng là môi trường thích hợp để tổ chức các hoạt động như thế này”.
MAI HOÀNG