Rưng rưng những nỗi niềm
Theo dõi ngành nội chính, tôi đã có được những khoảnh khắc khó quên qua những lần trực tiếp gặp phạm nhân hay người nhà của họ ở trại giam, hoặc dự các phiên tòa. Nhân kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6), xin ghi lại vài câu chuyện cảm động.
1.
Ba năm đã trôi qua nhưng tôi vẫn không quên được hình ảnh đôi vợ chồng trẻ mừng mừng tủi tủi trùng phùng qua vách kính ngăn đôi giữa người nhà - phạm nhân tại Trại giam Kim Sơn (Hoài Ân) trong dịp cận Tết Nguyên đán.
Mẹ con trùng phùng trước cổng Trại giam Kim Sơn ngày con được mãn hạn tù.
Ngồi xe đò suốt đêm từ TP Hồ Chí Minh ra đến Trại giam Kim Sơn vào sáng sớm, và chờ thêm 2 tiếng nữa mới đến giờ thăm nuôi, vậy mà cô vợ trẻ vẫn giữ được nét tươi vui, nhí nhảnh khi gặp chồng. Người chồng xấp xỉ tuổi vợ, dẫu đối mặt với bản án tù 27 năm, đón vợ bằng câu đùa hồn nhiên pha chút trẻ con: “Vợ có đồng hồ mới nha”. Họ tíu tít nói chuyện. Lần vách ngăn bằng kính kia, cả đông đảo cảnh sát trại giam lẫn những người thăm nuôi và phạm nhân khác trong gian phòng không mấy rộng rãi, hình như không làm họ bận tâm. Bỗng dưng tôi cảm thấy mình, dù chỉ đứng ngoài quan sát, thừa thãi pha lẫn xấu hổ vì đã xen vào câu chuyện tình yêu của họ. Chút nữa thôi, họ sẽ được gặp nhau ở căn phòng thăm nuôi 24 giờ dành riêng cho các cặp vợ chồng.
Sau này, cô gái có tên Đ.T.K.Y. kể lại, chồng của cô phạm tội đặc biệt nghiêm trọng khi mới 19 tuổi. 3-4 người trong nhóm cướp ấy đã bị xử tử, chính cô và gia đình đã động viên chồng ra đầu thú để hưởng lượng khoan hồng. “Mấy năm nay, ảnh chuyển đi trại nào là em đi theo đó. Trước, bị giam ở Bình Thuận, mỗi tuần em thăm một lần, giờ chuyển ra trại Kim Sơn, mỗi tháng em ra một bận. Có em động viên an ủi, anh ấy sẽ yên tâm cải tạo tốt hơn”, cô gái tâm sự.
2.
Tôi gọi điện hỏi thăm kết quả thi tốt nghiệp THPT vừa rồi, em vui mừng thông báo: “Điểm em cao nhất nhì hội đồng thi bổ túc đó chị. Ba môn Toán-Lý-Hóa đều 9 với 10. Em đã đăng ký thi ĐH ngành kỹ thuật”.
Chàng thanh niên xấp xỉ tuổi 30 ấy, mới được đặc xá tha tù trước thời hạn 10 năm trong dịp Quốc khánh 2.9.2013, đang quyết tâm làm lại cuộc đời. Trước khi xe ô tô lăn bánh ra khỏi cổng Trại giam Kim Sơn, đưa em về với cuộc sống tự do, em ngoái lại: “Chị ơi, em hứa sẽ thi ĐH”. Tưởng chỉ là câu nói đùa, vậy mà lại thật. Em đã lấy được tấm bằng tốt nghiệp THPT loại khá mà mình đã làm dang dở cách đây 10 năm trước bằng hành động dại dột.
Nhưng rồi, em hơi chùng giọng: “Em muốn hoàn thành nốt ước nguyện của thằng con trai từng học giỏi năm xưa: Học ĐH, nhưng ngại gánh nặng học phí. Bữa giờ có người nói vào nói ra, bảo nếu em đậu ĐH thì lấy tiền đâu mà học. Mà nếu có học thì với lý lịch của em, liệu có xin được việc làm hay không. Em hơi nản lòng…”.
Nghe em tâm sự, tôi rưng rưng: “Cố lên em! Chị tin em sẽ làm hoàn thành được ước nguyện của mình. Có công mài sắt, có ngày nên kim. Trời sẽ không phụ người có lòng”.
3.
Lại có những phiên tòa gợi lên trong tôi những nỗi niềm khó tả. Tức giận có. Tội nghiệp có. Lắm khi buồn cho nhân tình thế thái khi đồng tiền đứng trên đạo lý tình thâm. Mẹ kiện con, con kiện mẹ. Anh em kiện nhau. Tráo trở, lật lường. Đôi khi không nén nổi tiếng cười chua xót trước những hành động ngây ngô vì thiếu sự hiểu biết pháp luật hoặc lối suy nghĩ đến giản đơn của bị cáo.
Có lần, không chỉ mình tôi mà những đồng nghiệp khác đã khóc khi chứng kiến một bị hại chưa đến 7 tuổi phải ra tòa kể lại hành vi dâm ô của người hàng xóm đáng tuổi ông mình. Rồi nay mai, khi gã hàng xóm ấy mãn hạn tù trở về, liệu cháu có thể bình yên mà tiếp tục sống khi ngày qua ngày đối mặt với kẻ đồi bại sát vách nhà mình.
Và, lòng chợt ấm lại khi tình người vẫn còn đó, vẫn san sẻ cho nhau giữa người nhà bị hại và bị cáo. Đó là lời xin giảm án của người mẹ có con bị đâm chết ở lứa tuổi 15 bởi những bị cáo ngang tuổi con mình: “Các bị cáo cũng đồng tuổi với con tôi, cũng đang tuổi ăn tuổi lớn, mong hội đồng xét xử giảm án cho các cháu sớm trở về làm lại cuộc đời”.
Tôi biết, những nỗi niềm rưng rưng ấy sẽ vẫn còn theo suốt tôi trong những chuyến đi.
Bài, ảnh: NGUYỄN SƠN