Cần phải coi chừng
Tháng “Hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” năm nay đề ra quyết tâm thực hiện các mục tiêu: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, người tiêu dùng nhằm chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm nhất là các vụ ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm…
Tuy nhiên, chỉ sau khi tháng hành động này kết thúc chưa đầy một tháng đã xảy ra vụ phát hiện lô hàng hơn 300 tấn trái cây, là những loại rất phổ biến với người tiêu dùng như cam, quýt, cà rốt, chanh, nho, hồng, táo…, có nguồn gốc từ Trung Quốc nhập vào có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá ngưỡng quy định của Việt Nam khiến cho người tiêu dùng phải lo lắng.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên phát hiện ra chuyện này. Thực tế cho thấy, tình trạng trái cây nhập khẩu “có vấn đề” vẫn diễn ra thường xuyên từ nhiều năm nay. Tuy cơ quan chức năng không phải lúc nào cũng phát hiện ra và công bố thông tin về các lô hàng “có vấn đề” như vụ việc này, nhưng cứ từ thực tế các sản phẩm được mua về có dấu hiệu khác thường, để cả tuần thậm chí hàng tháng không hư hỏng, không thối rữa như bình thường thì đã là biểu hiện của sự bất thường rồi.
Vì thế, dư luận có quyền nghi ngờ về những câu trả lời hay được nghe, kiểu như “thực phẩm vẫn an toàn”, “mức dư lượng vẫn nằm dưới ngưỡng cho phép”… từ phía cơ quan chức năng. Đành rằng, với các sản phẩm thuộc diện “dưới ngưỡng” theo các chỉ số quy định như thế thì ăn ít sẽ không bị nhiễm độc ngay lập tức. Nhưng nếu cứ hàng ngày đều đều ăn vào các sản phẩm “độc chưa đủ đô” như thế thì đến một lúc nào đó “thuốc độc” cũng sẽ ngấm vào người đủ để gây hại thì các nhà quản lý tính sao? Đó là chưa kể, theo quy định của pháp luật thì việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hay thuốc bảo quản quá mức, phải được coi là hành vi trái pháp luật hay vi phạm cả đạo đức, do đó cần phải bị lên án và xử lý trách nhiệm.
Hiện nay tình hình dịch bệnh ngày càng gia tăng, nhiều loại bệnh “lạ” xuất hiện, đặc biệt là tình trạng ung thư các kiểu xảy ra ngày càng phổ biến khiến người dân hết sức lo lắng. Theo nhiều nhận định, trong các nguyên nhân không loại trừ nguyên nhân “họa từ miệng” tức là do ăn thực phẩm “bẩn” nhiễm dư lượng hóa chất cấm gây ra. Vì vậy, có thể thấy việc để lọt các lô hàng trái cây nhập khẩu không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vào nội địa như đã nêu là rất đáng lo cho sức khỏe của người dân, thậm chí đến cả giống nòi dân tộc.
Thực phẩm bẩn đã và đang trở thành nỗi lo toan thường nhật của mỗi người dân vì nó liên quan trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng của họ. Vì thế, các cơ quan có trách nhiệm phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để lập lại trật tự về an toàn vệ sinh thực phẩm, thực sự lo và bảo vệ sức khỏe, tính mạng của mỗi người dân, tương lai xa của giống nòi.
V.T