Ngư dân đánh bắt xa bờ:
Không nên thờ ơ việc chăm sóc sức khỏe
Khi tham gia đánh bắt xa bờ, ngư dân không chỉ đối mặt với hiểm nguy do thiên tai, bất trắc. Những sự cố về sức khỏe xảy ra giữa biển khơi khó xử lý, điều trị hơn rất nhiều so với khi ở trên bờ, gần bờ; đôi khi dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Bình Định là một trong những địa phương có số lượng lớn tàu thuyền tham gia đánh bắt xa bờ, hàng ngày có hàng nghìn ngư dân của Bình Định đối mặt với biển khơi để khai thác hải sản. Bình quân mỗi chuyến đánh bắt xa bờ, người ngư dân thường lênh đênh trên biển kéo dài từ 20 - 30 ngày. Khoảng cách từ địa điểm đánh bắt của ngư dân nếu cách bờ gần nhất thường cũng mất ít nhất 2 ngày di chuyển. Do đó nếu ngư dân phát bệnh bất ngờ, nhất là những bệnh nghiêm trọng đòi hỏi phải có sự can thiệp y tế ngay thì việc cấp cứu, điều trị là vô cùng khó khăn, phức tạp.
Thực tế cho thấy, đã có nhiều trường hợp ngư dân trong quá trình đánh bắt xa bờ bị tử vong liên quan đến các bệnh như tai biến, đột quỵ, đau ruột thừa cấp tính… cũng như các chấn thương do tai nạn trên biển. 2 trường hợp ngư dân trên các tàu của huyện Hoài Nhơn vừa tử vong khi đang đánh bắt trên biển là những ví dụ. Cụ thể, lúc 6 giờ, ngày 23.5.2014, tàu BĐ 50218 TS của ông Nguyễn Văn Thanh (thôn Kim Giao Bắc, xã Hoài Hải) hành nghề lưới vây, trên tàu có 7 lao động đang hoạt động tại vùng biển đảo Phú Quốc thì thuyền viên Nguyễn Văn Nhậm (SN 1975, ở thôn Kim Giao Thiện, xã Hoài Hải) bị đột tử. Hoặc lúc 3 giờ ngày 6.6.2014, tàu BĐ 97075 của ông Võ Thái Văn (thôn Thạnh Xuân, xã Hoài Hương) có 7 lao động, hành nghề câu mực khi đang hoạt động ở ngư trường miền Nam cách đảo Côn Sơn khoảng 60 hải lý, thì thuyền viên Võ Đăng Sơn (SN 1962) bị trở bệnh nặng và không cứu chữa kịp.
Những ngư dân bị đột tử, tai biến về sức khỏe trên biển phần nhiều đều chưa thực sự lưu ý đến việc khám sức khỏe định kỳ, thường xuyên. Nhiều tàu khi ra khơi đánh bắt chỉ chuẩn bị một số ít thuốc cảm, đau đầu, đau bụng... Trên tàu gần như không có người biết cách sơ cứu những tai nạn thông thường, cách thức nhận biết và đánh giá các triệu chứng một số bệnh nguy hiểm để có những phản ứng phù hợp, kịp thời.
Để thực hiện thắng lợi Chiến lược biển của Việt Nam, phát triển bền vững lĩnh vực đánh bắt xa bờ thì những vấn đề liên quan đến ngư dân trong đó có chế độ chăm sóc y tế đặc thù dành cho họ cần được quan tâm nhiều hơn. Ngành y tế cần sớm nghiên cứu, ban hành chính sách chăm sóc y tế đặc thù dành cho lực lượng ngư dân tham gia đánh bắt xa bờ. Cùng với đó, nhà nước cần quan tâm đầu tư nhiều hơn đến việc nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở y tế khu vực dân cư vùng biển, đảo, tạo thuận lợi cho bà con ngư dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Chính quyền, hội, đoàn thể các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của bà con vùng biển đối với vấn đề bảo vệ sức khỏe bản thân; thường xuyên tham gia khám sức khỏe định kỳ, kịp thời phát hiện, điều trị đối với những bệnh tật nguy hiểm tiềm ẩn.
Ngoài ra, về dài hạn nhà nước cần đẩy mạnh phát triển lĩnh vực dịch vụ hậu cần nghề cá ngay trên biển, kết hợp việc thu mua sản phẩm, cung cấp nguyên liệu với triển khai kịp thời công tác điều trị bệnh tại chỗ cho ngư dân trong các trường hợp mắc bệnh đột xuất, thương tích do tai nạn cần có sự can thiệp y tế.
Ngư dân là lực lượng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam. Để người ngư dân yên tâm bám biển đánh bắt xa bờ, mang lại nguồn lợi kinh tế cho đất nước cũng như tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo thì việc quan tâm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho họ là vô cùng cần thiết.
NGUYỄN TRUNG ĐẠT