Kỷ niệm 50 năm chiến thắng An Lão (7.12.1964-7.12.2014):
Gặp đạo diễn làm phim tài liệu “Bên dòng An Lão”
Hướng tới kỷ niệm 50 năm Chiến thắng An Lão (7.12.1964-7.12.2014), Đoàn làm phim Đài Truyền hình Việt Nam (THVN) đã về huyện An Lão thực hiện phim tài liệu “Bên dòng An Lão”, dài 30 phút, phản ánh không khí hào hùng của quân và dân An Lão trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và những đổi mới hôm nay. CTV Báo Bình Định đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hồng Phong, đạo diễn phim tài liệu này.
● Thưa ông, Đài THVN đã về huyện An Lão làm phim tài liệu về kỷ niệm 50 năm Chiến thắng An Lão, ông có thể cho biết sơ bộ về nội dung bộ phim?
- Huyện An Lão đang chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 50 năm Chiến thắng An Lão (7.12.1964-7.12.2014) với quy mô cấp tỉnh. Đây là chiến thắng có giá trị rất lớn về mặt lịch sử quân sự và tinh thần của quân và dân An Lão, đặc biệt là trên chiến trường Khu V thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Chiến thắng An Lão cho thấy lần đầu tiên trên chiến trường đã xuất hiện một lối đánh mới, kết hợp chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và quân dân du kích. Từ những chất liệu đó chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, kịch bản để sản xuất phim tư liệu này. Đoàn làm phim có mặt tại huyện An Lão ngày 15.6 và dự kiến thực hiện trong thời gian một tuần, phim có thời lượng khoảng 30 phút. Do điều kiện thời đó quá khó khăn nên những tư liệu về Chiến thắng An Lão không lưu lại nhiều nên chúng tôi đã trực tiếp gặp những nhân chứng lịch sử để họ tự kể lại, giúp khán giả hình dung được thời khắc lịch sử đó cũng như quy mô, ý nghĩa to lớn của Chiến thắng An Lão, đó là nội dung chính của phim.
● Ông có thể cho biết những điểm nhấn trong phim?
- Ngoài câu chuyện về chiến tranh, trong phim còn giới thiệu tiềm năng kinh tế của huyện An Lão, đặc biệt là tiềm năng du lịch sinh thái rừng rất lớn ở huyện. An Lão có lợi thế lớn về hệ thống sông, suối, với những thác ghềnh còn hoang sơ rất đẹp như Thác Cây số 10, thác Đá Ghe An Hưng và những khu rừng nguyên sinh có nhiều loài động, thực vật phong phú và đa dạng, không khí mát mẻ… Phim khai thác giới thiệu những nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào Hrê, Bana, nhất là các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây và các làn điệu dân ca, hát sử thi…
● Ông có cảm nghĩ gì khi đến với vùng đất An Lão hôm nay?
- Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết từ các Chương trình mục tiêu Quốc gia, trong nhiều năm qua huyện An Lão đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giúp người dân phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo đạt hiệu quả tích cực. Đời sống của người dân đã được cải thiện đáng kể, đây là niềm vui, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào vùng căn cứ địa cách mạng. Đặc biệt con người An Lão thật hiền hòa dễ mến, tôi đã được nghe câu thơ do một cô gái ở An Lão đọc rằng: “Chừng nào rừng An Lão hết cây/Sông Lại Giang hết nước thì em đây cạn tình”. Đó mới biết vì sao ai đã một lần đến An Lão rồi chân bước đi không đành!
● Phim dự kiến có tên là “Bên dòng An Lão”, ông có thể kể cho bạn đọc vài điều từ đây không?
- Thông thường, theo các trục dòng sông là nơi có những tiểu vùng văn hóa, ở những dòng sông lớn thì có nền văn hóa lớn do có người dân sống đôi bờ. Trục dòng sông còn là chiều dài của lịch sử, là dòng chảy của văn hóa. Vì vậy khi chọn tên phim là “Bên dòng An Lão” chúng tôi muốn giới thiệu đất nước - con người và một vùng văn hóa thú vị của Bình Định. Phim sẽ được phát sóng trong chương trình “Việt Nam đất nước con người”, trên kênh VTV2 Đài THVN trong tháng 7 tới.
● Xin cảm ơn ông!
HOÀNG NAM QUỐC (Thực hiện)