Buồn vui kinh doanh trên Facebook
Hình thức kinh doanh qua mạng xã hội Facebook đang được nhiều bạn trẻ là sinh viên, công chức, nội trợ ưa chuộng vì không cần mặt bằng, bỏ ít vốn, thời gian. Mặt hàng kinh doanh cũng khá đa dạng, từ mỹ phẩm, quần áo đến phụ kiện thời trang... cũ lẫn mới.
Hình ảnh Facebook rao bán đồ cũ, mới khi thu dọn tủ đồ của chị Hiền.
Mua tiện, bán lợi
“Chào các bạn! Hôm nay thời tiết chuyển mùa, mình dọn tủ đồ và chọn được một số quần áo, mỹ phẩm còn mới, đẹp không dùng đến nên nhượng lại cho ai nhanh tay nhất với giá rẻ nhen”, đó là lần đầu tiên chị Lê Thị Thu Hiền, Facebook Winne HienPooh nghĩ ra cách giải quyết số đồ không dùng đến qua trang mạng cá nhân. Trong vòng 2 giờ đồng hồ, bạn bè, người thân, quen của chị Hiền đã đăng ký mua hết. Chị Hiền vốn là người sành điệu, lại có điều kiện kinh tế nên chị hay tậu cho mình những chiếc váy, bộ mỹ phẩm, nước hoa… đắt tiền ở nước ngoài. Khi bán lại, dĩ nhiên giá cả các món hàng này rẻ hơn nhiều so với hàng chính hãng dù chúng còn rất mới, nhưng có những món hàng độc do chị sưu tầm thì giá vẫn được giữ nguyên như giá gốc. Chị Hiền tâm sự: “Sau khi tôi bán được các loại đồ dùng không cần dùng nữa của mình, tôi nhận thấy bạn bè, người thân rất tin tưởng mình. Tôi thấy một số bạn bè cũng “ăn theo” và chúng tôi có một hội chuyên bán đồ mà người này thấy chán còn người kia thì đang lùng sục tìm kiếm trên mạng”.
Nhìn chung, bán hàng qua mạng là công việc khá nhàn nhã. Chỉ cần đặt hàng sỉ, sau khi hàng được chuyển đến tận nhà thì chụp hình đưa lên trang cá nhân, chờ khách đặt mua, nhận tiền chuyển khoản rồi giao hàng lẻ. Do khách hàng chủ yếu là bạn bè, đồng nghiệp nên người bán có thể giao hàng trực tiếp tại văn phòng hoặc nhờ người chuyển giùm. Với những khách ở xa hơn chút thì người bán có thể tranh thủ thời gian ngoài giờ hành chính hoặc ngày nghỉ để giao hàng. Chị Châu Ngọc Hồng, một công chức, nhà ở đường Hà Huy Tập, TP Quy Nhơn, chủ trang Facebook Thời Trang Yêu Thương kể: “Thấy bạn bè than thở không có thời gian đi chọn quần áo, tôi bèn chọn một số mẫu mình thích đưa lên facebook, ai thích và đặt hàng thì tôi mới gởi mua về. Khách hàng ban đầu chủ yếu là bạn bè, người quen, rồi nhờ người này giới thiệu cho người kia, khách hàng ngày càng đông, tôi mới quyết định kinh doanh một cách bài bản. Ngoài giới thiệu hàng trên mạng, tôi đồng thời cũng trưng bày tại nhà để khách có thể tới xem và thử trước khi quyết định mua”.
Chủ động để tránh rủi ro
Có mối nhập hàng mỹ phẩm, giày dép, túi xách... chính hãng, biết các phương thức kinh doanh qua mạng, đó có thể được coi là lợi thế mà nhiều chị em là công chức, nội trợ đã nắm bắt được và không ngừng khai thác để tranh thủ kiếm thêm thu nhập. Tuy vậy, việc mua bán qua mạng cũng có những rắc rối mà người trong cuộc cần biết để chủ động ứng phó.
Với khách hàng, hình ảnh sản phẩm trên mạng và thực tế có khi là một trời một vực, nên thận trọng là không thừa. Chị Hoàng Nguyên, một tín đồ mua hàng qua mạng, chia sẻ kinh nghiệm: “Nếu là hàng hiệu, hàng của các website bán hàng trực tuyến uy tín thì có thể yên tâm về chất lượng cũng như hình thức, bởi tiền nào của đó. Nhưng nếu là hàng không rõ xuất xứ, lập lờ kiểu hàng xách tay giá rẻ, hàng khuyến mãi giảm giá đến vài chục phần trăm thì nên dè chừng. Tôi cũng đã mấy lần hụt hẫng khi tới nơi bán để xem, thử đồ trước khi mua bởi quá khác so với mẫu mã mình đã lựa chọn trên mạng, màu sắc thì nhạt hơn, kích cỡ thì to quá hoặc nhỏ quá, ngắn hoặc dài quá”.
Còn chị Vân Bích, sau khi nhận hàng là một chiếc áo sơmi được đặt mua qua mạng, đã hỡi ôi bởi chất liệu vải rất kém, không như hình trên mạng. Chị Bích đề nghị đổi hoặc trả hàng nhưng chủ shop dùng dằng, có ý làm khó. Chị Bích bực mình bỏ luôn chiếc áo và tự nhủ sẽ “cạch” việc mua hàng qua mạng.
Người bán cũng có rủi ro riêng
Dù kiếm được 1-2 triệu đồng/tháng mà không tốn chi phí gì nhưng Bích Hằng, lớp K36 QT, Khoa Quản trị kinh doanh-Tài chính ngân hàng, Trường ĐH Quy Nhơn vẫn quyết định dừng việc kinh doanh qua mạng bởi nhiều phiều toái. Trên lớp, đang thi, ở nhà…, bất kỳ ở đâu cô cũng có thể bị khách hàng gọi điện, nhắn tin về việc hàng họ, mua bán. Thậm chí, cô còn bị cạnh tranh không lành mạnh từ những bạn cùng kinh doanh trên mạng qua facebook Chợ sinh viên Quy Nhơn bằng việc “khủng bố” điện thoại với những câu từ rất khiếm nhã.
Chị Thanh Nga, chủ một shop thời trang ở đường Trần Phú, TP Quy Nhơn thì đã có lần bị lừa một đơn hàng trị giá vài triệu đồng. Sau một thời gian đặt mua hàng và thanh toán sòng phẳng, lần ấy vị nữ khách hàng nọ đặt hàng khá nhiều và đề nghị shop cứ gởi hàng rồi sẽ chuyển khoản sau với lý do thẻ ATM bị gãy, đang chờ làm lại. Chị Thanh Nga giao hàng đúng yêu cầu nhưng đến hẹn, tiền thanh toán vẫn chẳng thấy đâu. Gọi điện mấy lần thì vị khách hứa hẹn sẽ thanh toán, sau đó chuyển nhà trọ, đổi số điện thoại và biệt tăm.
CÔNG HIẾU