Lo ngại lớn nhất là thanh khoản giảm mạnh
Chỉ sau một phiên hồi phục nhẹ hôm 17.4, chỉ số VN-Index tiếp tục lao dốc trong phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ trong khi HNX-Index giảm phiên thứ hai liên tiếp. Như vậy, sau 3 phiên giảm mạnh và chỉ có 1 phiên tăng trong tuần này, chỉ số này đã mất đến 4,28% so với cuối tuần trước.
Trước đó, chỉ trong 4 phiên (10.4 - 15.4) vốn hóa của thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước đã bốc hơi mất khoảng 2,5 tỉ USD mà gần như không có lý do. Thị trường giảm mỗi ngày 2-3% cho dù tin tốt được công bố khá nhiều, như: lãi suất có thể giảm tiếp, các gói giải cứu kích cầu bất động sản được tung ra, mốc 500 điểm “đã rất quen mắt”... Tuy nhiên, thực tế lại khác hoàn toàn khi chỉ số VN-Index nhanh chóng xuyên thủng ngưỡng 500 điểm không do dự và hiện đang loanh quanh ở mức 475 điểm. Không ít nhà đầu tư bắt đáy trong tuần trước và đầu tuần này có nguy cơ lỗ nặng.
Theo tờ TBKTSG, phiên hồi phục hôm 17.4 kém bền vững vì VN-Index chỉ tạm thời bật lên sau khi được hỗ trợ ở khu vực 460 điểm trong khi những dấu hiệu khác như thanh khoản thấp, nhà đầu tư nước ngoài giảm giao dịch… cho thấy xu hướng thị trường đang trở nên tiêu cực. Sự gia tăng của một số cổ phiếu chủ chốt đã giúp chỉ số VN-Index tăng gần 6 điểm, tuy nhiên sự phục hồi có dấu hiệu không vững chắc khi mà thanh khoản trên thị trường tụt giảm nghiêm trọng.
Trên sàn TPHCM hôm 18.4, lệnh bán chiếm áp đảo ngay từ đầu phiên và tăng vọt trong đợt khớp lệnh cuối. Hàng loạt cổ phiếu lớn nhỏ quay đầu giảm giá về cuối phiên. Trong rổ tính VN30, đa số cổ phiếu đều rớt giá. Chỉ số VN-Index cũng không nhận được lực đỡ từ khối nhà đầu tư nước ngoài khi khối này giao dịch khá yếu.
Sự thận trọng của rất nhiều nhà đầu tư, bao gồm cả trong nước và ngoài nước có thể là nguyên nhân khiến VN-Index quay đầu rơi trở lại, giảm gần 11 điểm (-2,2%) vào cuối phiên giao dịch buổi sáng 18.4, trước kỳ nghỉ lễ giỗ Tổ. Chỉ số HNX-Index của sàn chứng khoán Hà Nội cũng giảm hơn 0,6% với thanh khoản cực thấp.
Đóng cửa phiên, VN-Index giảm 10,78 điểm, tương ứng 1,94%, xuống còn 473,21 điểm. Mức độ tham gia thị trường của nhà đầu tư giảm đi rõ rệt trước kỳ nghỉ lễ khiến thanh khoản trên sàn vẫn ở mức thấp. Khối lượng giao dịch trên sàn chỉ đạt 38,5 triệu đơn vị với giá trị gần 682 tỉ đồng. Trên sàn giao dịch Hà Nội, chỉ số HNX-Index đóng cửa giảm 1% xuống 58,36 điểm. Khối lượng giao dịch khá yếu, chỉ đạt hơn 30,4 triệu đơn vị với tổng giá trị 215 tỉ đồng. Chỉ số này cũng mất hơn 3,2% trong tuần thứ 3 của tháng 4.
Diễn biến giảm nhanh của chứng khoán cùng với thanh khoản suy giảm khiến nhiều nhà đầu tư sốc bởi nó hoàn toàn khác với nhận định của rất nhiều người về một đợt tăng giá “khó tránh khỏi” của TTCK trong bối cảnh các kênh đầu tư khác èo uột. Theo phân tích của các chuyên gia, trong bối cảnh thị trường suy giảm, điều đáng quan tâm nhất là sự suy giảm về tính thanh khoản hơn là giá chứng khoán. Theo đó, TTCK mà giảm thanh khoản tức là giảm số lượng người quan tâm và giảm số lượng người tham gia. Vì ở bất cứ thị trường nào, người trả tiền là quan trọng nhất. Với TTCK, niềm tin đã suy giảm trong nhiều năm qua khi mà hàng loạt các vấn đề liên quan tới thị trường vẫn chưa đáp ứng được mong đợi của đại bộ phận các nhà đầu tư. Để các thị trường hồi phục, điều quan trọng là thanh khoản thị trường sẽ ổn định và đi lên.
H.Đ