“Cần” và “Đủ”!
Với ngư dân làm nghề khai thác hải sản trên biển thì mỗi chuyến ra khơi là một quá trình lao động vật hóa đầy gian nan. Bởi lẽ, do đặc thù nghề nghiệp phải hoạt động trong điều kiện sóng gió bấp bênh, đối tượng lại là “chim trời cá nước” nên nghề khai thác hải sản có tính không ổn định và luôn có những bất trắc đi kèm. Gặp thời tiết xấu là nguy hiểm. Không gặp luồng cá là lỗ tổn phí. Khai thác nhiều nhưng về bờ giá thấp chưa chắc đã có lời… Thông tin có đến 95% số tàu hành nghề câu tay đánh bắt cá ngừ đại dương hòa vốn hoặc lỗ, một số ít tàu có lời nhưng ở mức thấp mà Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh vừa cho biết là một ví dụ
Nhìn vào thực trạng của nghề cá hiện nay ở nước ta, điều dễ thấy chung nhất là sự lỏng lẻo, cắt khúc trong các khâu của hoạt động sản xuất vốn có tính liên hoàn với nhau. Hầu hết lực lượng khai thác là sản xuất mang tính cá thể ở qui mô gia đình hay các nhóm nhỏ lẻ nên năng suất không cao, hiệu quả thấp. Các công đoạn có tính tiếp nối như đánh bắt, bảo quản nguyên liệu, thu mua và chế biến xuất khẩu thiếu sự liên kết chặt chẽ nếu không nói là đang hết sức rời rạc. Vì vậy, sản xuất nghề cá thường xuyên ở trong tình cảnh lúc được lúc mất, khâu này được thì khâu kia mất. Bà con ngư dân vẫn canh cánh nỗi lo “được biển, mất chợ” vì không được quyền định đoạt giá trị cho sản phẩm mà hoàn toàn phụ thuộc vào các đậu nậu hoặc thương lái. Gặp thời điểm giá thu mua hải sản thấp, trong khi chi phí sản xuất, giá xăng dầu liên tục tăng thì ngư dân cầm chắc là thua lỗ. Ngư dân khó khăn kéo theo ngành nghề không phát triển được là cái vòng luẩn quẩn mà nghề cá nước ta đến nay vẫn chưa thể thoát ra.
Làm thế nào để ngư dân đỡ chịu cảnh thiệt thòi và tiến tới làm ăn có lãi. Làm thế nào để doanh nghiệp chế biến sản xuất ổn định từ sự chủ động được nguồn nguyên liệu. Làm thế nào để hệ thống hạ tầng nghề cá thoát khỏi cảnh cũ kỹ, lạc hậu, yếu kém... Đó là những vấn đề thuộc diện “cần làm ngay” để phát triển nghề cá của đất nước.
Điều đáng mừng là những chuyện “cần làm ngay” này đã được nhận diện và mới đây Quốc hội và Chính phủ đã đồng ý cho Ngân hàng Nhà nước thành lập gói tín dụng 10 ngàn tỉ đồng hỗ trợ ngư dân đóng tàu công suất lớn, cải hoán tàu cá đánh bắt xa bờ và tàu hậu cần nghề cá. Theo dự kiến, với gói tín dụng này, Nhà nước sẽ cho ngư dân vay 90% tổng giá trị tàu nếu đóng tàu vỏ thép và 70% nếu đóng tàu vỏ gỗ, lãi suất 3%/năm, được ân hạn 1 năm. Ngoài ra, ngư dân còn được vay vốn lưu động 200 triệu đồng/năm, tàu làm dịch vụ được vay 500 triệu đồng/năm; được hỗ trợ 70% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, 100% kinh phí mua bảo hiểm thuyền viên. Tổ chức, cá nhân làm dịch vụ tiêu thụ hải sản có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho ngư dân được vay 60% giá trị hợp đồng.
Gói tín dụng 10 ngàn tỉ đồng ra đời sẽ mở ra một bước ngoặt mới cho ngành hải sản. Tuy nhiên, có một điều cũng hết sức quan trọng mà Chính phủ cần quan tâm sau khi đã “trao cần câu” cho ngư dân, đó là làm thế nào để ngư dân có lãi. Bởi lẽ, đóng được tàu lớn rồi, nếu làm ăn thua lỗ thì ngư dân cũng sẽ không có tiền trả nợ ngân hàng. Giúp ngư dân có vốn tạo dựng cơ nghiệp là điều kiện “cần”, song phải làm sao cho ngư dân có lãi để họ bám biển lâu dài mới là điều kiện “đủ” của bài toán phát triển nghề cá. Bài toán này đang cần có lời giải thỏa đáng để nghề cá Việt Nam phát triển mạnh mẽ, tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của mình.
HẢI ĐĂNG