Giấc mơ về bác sĩ không mặc áo blouse
Truyện ngắn của LÊ ĐAN
Tôi ngồi trầm ngâm trước bộ hồ sơ tuyển sinh vào đại học. Tôi đã lật đi lật lại quyển tư vấn tuyển sinh không biết bao nhiêu lần rồi mà vẫn không tìm cho mình được một trường trong số hàng trăm trường đại học trong cả nước đang đăng thông tin tuyển sinh trong quyển sách dày cộm này.
Uể oải. Tôi bấm máy gọi cho chị họ. Một giọng nói cũng không kém phần uể oải đang rè rè trong điện thoại:
- Gì vậy, em gái?
- Em đang làm hồ sơ tuyển sinh vào đại học. Chị giúp em với. Chọn ngành nào đây, chọn trường nào đây?
Giọng chị tôi càng thiểu não hơn:
- Chị chịu thôi. Em có sở thích gì thì đi ngành đó. Chị đang đi giúp việc gia đình với tấm bằng cử nhân kế toán đây. Chị không dám hướng cho em, nhỡ khi em ra trường lại thất nghiệp như chị.
Tôi lại bấm máy gọi cho anh họ:
- Em sẽ thi ngành nào đây, anh Hai?
- Thích gì nhóc? Giọng ông anh có vẻ hứng khởi hơn bà chị.
- Gì cũng được, miễn là ra trường có việc làm đúng chuyên ngành mình học, không thì phí lắm.
- Vậy thì “bắc thang lên hỏi ông trời đi nhé”. Anh Hai nhóc cầm tấm bằng kỹ sư xây dựng đã hai năm nay giờ đang kéo gạch cho một công ty đang sản xuất gạch đây. Thế nhé. Anh phải kéo gạch để còn trả nợ tiền vay sinh viên.
Tôi còn biết hỏi ai trong cái xóm núi bé xíu hiu quạnh này. Rồi đây, những đứa bạn cùng lứa của tôi ở vùng này, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, chúng nó sẽ đi đào vàng. Không đào vàng ở núi Kim Sơn thì cũng đi phát rẫy trồng keo lấy gỗ trên Ba hai đồi tranh, có đứa đợi đêm xuống đi buôn gỗ lậu…. con gái như tôi thì ở nhà nuôi heo gà hay vào Sài Gòn may công nghiệp. Tôi không muốn giống chúng nó. Tôi muốn mình phải học một ngành gì đó chí ít nếu không mang lại giàu sang cho bản thân thì cũng còn có ích đối với mẹ, với chị hay là với cái xóm núi này.
* * *
Sáng nay tôi lại khăn gói ra thị trấn. Tôi chất lên xe đạp một bó củi, một bao gạo nhỏ, một ít rau nhặt nhạnh trong vườn nhà và một ít tiền đã được cất sâu trong túi quần đủ để sinh hoạt trong hai tuần học tập. Mẹ tôi nhét vội cái mùng vào trong cặp táp tôi dặn dò:
- Nhớ thay cái mùng mới này con nhé. Cái mùng cũ có cửa, lũ muỗi dễ chui vô lắm. Mùng này mẹ nhận từ cô y tá thôn đấy. Mùng của chương trình quốc gia phòng chống sốt xuất huyết đấy, không con muỗi nào bay vào được đâu. Con nhớ mắc mùng khi đi ngủ nhen con.
Tôi càu nhàu:
- Mẹ đưa cái mùng đây cho con là được rồi. Dặn hoài!
Tôi phóng xe đạp như bay ra khỏi ngõ, không thèm ngoái đầu lại nhìn mẹ. Không phải vì tôi đang ở tuổi “nổi loạn” không thích nghe mẹ dặn dò mà vì nếu ngoái đầu lại nhìn mẹ, tôi sẽ thắt ruột với cái dáng tảo tần của mẹ. rồi biết đâu lên thị trấn, tôi lại bỏ học để đi làm cái gì đó như là phụ việc trong quán bún quán phở hay quán cà phê để kiếm tiền, để mẹ khỏi khổ khỏi lo cho tôi suốt một chặng đường dài nữa, mà cũng là để khỏi mất mấy năm đại học rồi có khi ra trường cũng chỉ phụ quán cơm, quán phở, quán photo… sau đó lại quay về cái xóm nhỏ này để nuôi gà heo. Những ý nghĩ ấy thoáng qua trong đầu làm tập hồ sơ tuyển sinh trong tay tôi nặng trĩu.
Trong lớp, tiếng lũ bạn tôi lao nhao:
- Trường gì mày?
- Y.
- Gớm, trèo cao té nặng nha.
- Kệ! Không đậu bác sĩ thì tao đi y sĩ. Từ y sĩ tao sẽ học lên bác sĩ. Ba tao đang làm ở bệnh viện mà, để ổng lo.
- Thủy, mày có đi Luật không? Tao nghe nói ngành này còn đất dụng võ đấy.
- Còn thì mày thi đi, đừng rủ tao. Đến khi ra trường cầm bằng mà sắc nước uống nhé!
- Ê! Minh! Mày làm xong hồ sơ chưa?
- Xong
- Ngành gì?
- Quân sự cho chắc. Khỏi lo thất nghiệp.
Vậy là các bạn trong lớp tôi đã làm xong hồ sơ rồi. Cái lớp chọn của trường huyện này mang hy vọng của nhiều thầy cô lắm. Toàn những ngành, những trường có tên tuổi. Chỉ tôi là còn đang đắn đo. Tôi nghĩ về mẹ, về cái xóm núi nơi tôi ở. Tôi quyết định trở về nhà lần nữa để làm hồ sơ trên chính mảnh đất ấy, mảnh đất ít người tài, nhiều dịch bệnh.
Có tiếng gọi ngoài ngõ, tôi chạy ra. Tiếng chị y tá thôn lanh lảnh:
- Mẹ có nhà không bé? Có mấy bác sĩ trên tỉnh xuống vùng mình bắt muỗi.
Họ vào nhà tôi, tay cầm vợt, mắt đăm đăm nhìn vào những cái xó xỉnh rồi đưa vợt ra vợt sống từng con muỗi bỏ vào trong cái ống thủy tinh dài bằng ngón tay đeo nhẫn của tôi. Họ ra chuồng gà, vào chuồng heo, vào nhà vệ sinh cắm cuối khẽ khàng bắt từng con muỗi.
Tôi tròn xoe mắt hỏi chị y tá thôn và anh đội trưởng đội vệ sinh phòng dịch huyện:
- Bác sĩ bắt muỗi hả chị?
- Ừ!
Tôi tròn mắt vẻ hồ nghi:
- Bác sĩ không cầm ống nghe, mặc áo blouse mà đi bắt muỗi hả chị?
Chị hứ tôi một tiếng rõ to:
- Sắp thi đại học tới nơi rồi mà không biết bác sĩ y học dự phòng.
- Vậy mấy chị mà hôm trước tới xóm mình cân đo trẻ rồi phát cho mỗi đứa một hộp sữa cũng là bác sĩ hả chị?
- Ừ, bác sĩ ở Trung tâm y tế dự phòng đi điều tra dinh dưỡng đấy.
Tôi theo chân chị y tá thôn cùng đoàn y, bác sĩ rong ruổi đến từng ngôi nhà trong những ngày nhà trường cho nghỉ làm hồ sơ thi đại học. Chạng vạng có, sáng sớm có. Họ tranh thủ những giờ nhiều muỗi nhất, những nơi nhiều muỗi nhất để bắt chúng. Họ còn bắt cả những con bọ gậy lăng quăng trong những vũng nước đọng cho vào ống nghiệm nữa. Họ đem chúng về thành phố để tính toán về mật độ muỗi, loại muỗi trong vùng.
Khi đoàn y, bác sĩ đã hết đợt công tác về lại tỉnh. Tôi tò mò lục lọi trong phòng làm việc của người anh bà con làm ở đội vệ sinh phòng dịch. Những bức ảnh rơi ra, những khoảnh khắc tự nhiên chụp họ. Những y, bác sĩ ngủ trưa trên ghế trường tiểu học miền núi để đợi đến chiều nhổ răng cho các cháu trong chương trình nha học đường. Có những y, bác sĩ lặn lội trong những ngày nắng thiêu đốt đến từng thôn xóm để cân đo theo dõi sự phát triển của trẻ em, về tỉ lệ trẻ thấp còi trên đất nước mình. Cơm trưa của họ là những hộp cơm tự mang theo nguội lạnh. Họ đến từng nhà để điều tra tình hình, nguyên nhân tử vong của những người đã mất vì căn bệnh ung thư rồi lấy từng mẫu nước mang đi xét nghiệm nhằm sớm phát hiện, xác định và giám sát các vấn đề về sức khỏe có liên quan đến yếu tố môi trường, tác hại nghề nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm nguồn nước… Còn bây giờ, họ đang đeo trên lưng những chiếc máy phun, mặc quần áo chuyên dụng, khẩu trang trùm kín mặt, gương che kín mắt để đi đến từng ngóc ngách xó xỉnh và phun lên những dòng hóa chất diệt lũ muỗi vằn nhằm khống chế dịch sốt xuất huyết có thể bùng lên bất cứ lúc nào. Xong việc, họ lại đi. Lặng thầm và tỉ mẩn không ai biết họ là y, bác sĩ, họ tên gì, làm ở đâu… Sự lặng lẽ của họ đang ngấm ngầm mang theo mơ ước của tôi.
Đêm nay, tôi ngủ ngon trong không gian tĩnh lặng không còn những tiếng muỗi vo ve hù dọa. Trong giấc mơ, tôi thấy mình trở thành bác sĩ không mặc áo blouse, đầy nhiệt huyết, đi từ hẻm hóc nơi phố phường đến ngõ ngách thôn xóm làng mạc để tuyên truyền về những yếu tố của môi trường tự nhiên, xã hội tác động đến sức khỏe cộng đồng với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Tôi thấy mình ngập tràn niềm tin trong những kế hoạch về dự báo kiểm soát và khống chế được các bệnh dịch nguy hiểm, các tác nhân truyền nhiễm gây dịch, góp phần mang lại cuộc sống bình yên trên quê hương mình.
Tỉnh dậy, tôi với lấy bộ hồ sơ điền vội những thông tin còn trống:
Họ và tên: Lê Đan
Ngành dự thi: Bác sĩ y học dự phòng, Trường Đại học Y dược Huế.
L.Đ