Thực chất của “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”
Trong những năm gần đây, đặc biệt là dịp toàn Đảng, toàn dân ta góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, một số người cho rằng “Ở Việt Nam cần thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” vậy thực chất nó là gì?
Vấn đề đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập không phải là vấn đề mới, nó xuất hiện nhiều từ thế kỷ XIX, khi giai cấp tư sản đang độc quyền thống trị xã hội. Lúc đầu tư tưởng “đa nguyên luận” nhằm mục đích ngăn chặn tình trạng độc quyền, mất dân chủ của giới tài phiệt và một số chính trị gia tư sản, bảo vệ quyền lợi của các tầng lớp dân cư. Tuy nhiên nó không đạt được mục đích của mình là dân chủ hóa xã hội mà chỉ hình thành nên một số đảng phái trong xã hội nhằm phân chia, tranh giành quyền lực lẫn nhau. Đặc biệt, sau Cách mạng Tháng Mười Nga, chính quyền của giai cấp vô sản ra đời, Đảng Cộng sản nắm quyền lãnh đạo một số nước, một số người chủ yếu là các học giả, các chính trị gia tư sản, những người đại diện cho giai cấp tư sản - giai cấp bị mất đi sự độc quyền chính trị xã hội lại rùm beng mạnh mẽ vấn đề đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Theo họ, đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập “sẽ tạo nên sự đa dạng, phong phú trong ý thức hệ tư tưởng” và “là nhân tố bảo đảm cho một nền dân chủ thực sự”.
Chúng ta không phủ nhận những yếu tố tích cực của đa nguyên, đa đảng, nhưng thực chất đa nguyên, đa đảng không đồng nhất với dân chủ. Một đảng lãnh đạo không đồng nhất với độc tài lãnh đạo, không đồng nhất với mất dân chủ. Không nhất thiết cứ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập mới có dân chủ thực sự và không có đa nguyên, đa đảng thì không có dân chủ.
Đa nguyên, đa đảng không phải là “yếu tố duy nhất, nền tảng duy nhất” đảm bảo được dân chủ đích thực mà bản chất của dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân. Dân chủ là một giá trị xã hội, được hình thành và đảm bảo bởi nhiều yếu tố, trong đó có lực lượng cầm quyền xã hội, cơ chế quản lý xã hội và trình độ làm chủ của người dân…Theo Hồ Chí Minh: “Dân chủ là dân làm chủ, dân là chủ”. Vì vậy, bất cứ xã hội nào, nhất nguyên hay đa nguyên, một đảng hay đa đảng nhưng nếu đảng cầm quyền và nhà nước quan tâm đến thể chế bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân, tôn trọng nhân dân, chăm lo cho nhân dân, coi nhân dân là gốc, là chủ thể của quyền lực…được thể hiện trong cương lĩnh, mục tiêu, chương trình hành động, thông qua hệ thống Hiến pháp và pháp luật…thì xã hội đó có dân chủ. Dân chủ là thành quả của cuộc đấu tranh lâu dài của nhân dân, là một bậc thang giá trị của nhân loại chứ dân chủ không phải là sản phẩm “của sự kêu gào” của một số phần tử trong xã hội.
Thực chất của cái gọi là đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập ở một số nước không như một số người hiểu rằng đó là một chế độ “thực sự dân chủ” mà bản chất của nó vẫn là nhất nguyên chính trị. Đó là một chế độ chính trị tư sản và giai cấp tư sản vẫn là giai cấp duy nhất cầm quyền thống trị xã hội. Vậy sao một đất nước, một dân tộc như Việt Nam đã lựa chọn và đi theo con đường XHCN lại phải trao, chia sẻ quyền lực cho các đảng phái không theo con đường XHCN.
TRUNG NGÔN