Việc quản lý, bảo vệ rừng vẫn được tăng cường thực hiện (?)
Trước thực trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, buôn bán gỗ lậu diễn ra khá phổ biến hiện nay, dư luận đặt câu hỏi phải chăng ngành chức năng bó tay với hiện tượng này? PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Lê Đình Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (KL) tỉnh, xung quanh vấn đề này.
● Thưa ông, vì sao lực lượng KL đã thành lập nhiều chốt chặn trên các trục đường chính dẫn vào các khu rừng lớn, nhưng gỗ lậu vẫn “lọt” và tình trạng phá rừng đầu nguồn không giảm?
- Tôi khẳng định, công tác tuần tra, kiểm soát việc vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép được lực lượng KL duy trì 24/24 giờ. Trên các trục đường dẫn về các xã có nhiều rừng thuộc huyện Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, Vân Canh, đều có trạm của lực lượng KL chốt chặn. Hầu hết, các trường hợp vi phạm đều được tổ công tác phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, song chưa thật triệt để. Nguyên nhân là do lâm tặc tìm nhiều cách khác nhau để có thể “tuột” trạm, như: cử người theo dõi, cảnh giới lực lượng KL; trà trộn với gỗ có nguồn gốc hợp pháp, ngụy trang, cất giấu trong các phương tiện vận chuyển hàng hóa hoặc lén lút vận chuyển trong đêm.
Mặt khác, nhu cầu sử dụng đất lâm nghiệp để trồng rừng nguyên liệu giấy, trồng cây lấy gỗ của người dân hiện nay rất lớn và đang bộc phát thành phong trào ở nhiều địa phương. Trong khi đó, khâu quản lý đất lâm nghiệp của chính quyền các cấp còn yếu; việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất lâm nghiệp, phương án giao đất lâm nghiệp của ngành chức năng chưa đáp ứng tình hình thực tế; chính quyền cơ sở thực hiện chưa đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp.
● Gần đây, nhiều đối tượng ở tỉnh Quảng Bình cấu kết với một số người dân trong và ngoài huyện An Lão vào rừng đặc dụng An Toàn dựng lán trại khai thác gỗ hương trái phép. Lực lượng KL đã tổ chức truy quét và xử lý các đối tượng này như thế nào, thưa ông?
- Không chỉ khu rừng đặc dụng An Toàn bị một số đối tượng đưa vào “tầm ngắm”, mà hiện nay, tại vùng giáp ranh giữa các huyện, nhất là khu vực làng O2, xã Vĩnh Kim (Vĩnh Thạnh), xã Đak Mang (Hoài Ân) và xã An Nghĩa, An Toàn (An Lão) cũng xuất hiện một số người dân từ tỉnh Quảng Bình vào khai thác gỗ trái phép. Trước tình hình trên, Chi cục đã kịp thời chỉ đạo KL các huyện khẩn trương tổ chức lực lượng phối hợp với chính quyền cơ sở triển khai công tác tuần tra, truy quét và ngăn chặn các đối tượng vận chuyển gỗ trái phép nhằm lập lại kỷ cương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại vùng giáp ranh. Đến nay, các Hạt KL đã tổ chức được 585 đợt tuần tra, kiểm tra rừng với 2.867 lượt người tham gia. Qua đó, đã phá hủy 28 lán trại, gỡ bỏ 453 bẫy thú rừng, tạm giữ 38 mô tô, 18 máy cưa xăng cầm tay, trên 46 m3 gỗ các loại; buộc rời khỏi địa bàn 35 đối tượng.
● Có dư luận cho rằng, tình hình vi phạm Luật Bảo vệ - Phát triển rừng (BV-PTR) ở tỉnh ta ngày càng gia tăng, một phần là do một số cán bộ KL đã móc nối với các đối tượng lâm tặc. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
- Tôi khẳng định rằng, hiện nay lực lượng KL thuộc các Hạt KL, Đội KL cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng vẫn đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương triển khai, thực hiện sát sao công tác tuần tra, truy quét, xử lý nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất các trường hợp vi phạm Luật BV-PTR. Tuy nhiên, để phòng, chống tiêu cực trong lực lượng KL, lãnh đạo Sở NN - PTNT, Chi cục KL sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những cán bộ KL móc nối với các đối tượng bên ngoài (nếu có) vi phạm pháp luật. Chi cục KL sẽ tiếp tục chỉ đạo các Hạt KL tập trung công tác thông tin, tuyên truyền, xây dựng các tổ, đội quần chúng tham gia bảo vệ rừng. Đẩy mạnh hoạt động của đoàn kiểm tra liên ngành các huyện, thị xã, thành phố; triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn triệt để tình trạng người dân vào rừng khai thác gỗ trái phép. Đặc biệt, Chi cục đã lưu ý các Hạt KL huyện Tây Sơn, Vân Canh phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Vân Canh, Tây Sơn và UBND xã Tây Xuân duy trì chốt chặn 24/24 giờ tại khu vực làng Cam thuộc xã Tây Xuân. Bên cạnh đó, Chi cục chỉ đạo Hạt KL huyện An Lão, Vĩnh Thạnh và Hoài Ân thường xuyên tổ chức lực lượng tuần tra, truy quét và ngăn chặn kịp thời tình trạng khai thác gỗ trái phép ở vùng giáp ranh giữa khu vực làng O2 (xã Vĩnh Kim, Vĩnh Thạnh), Đắk Mang (Hoài Ân), An Nghĩa, An Toàn (An Lão).
● Xin cảm ơn ông!
Trong 6 tháng đầu năm 2014, các Hạt KL, Đội KL cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng đã phát hiện và lập biên bản 369 vụ vi phạm Luật BV- PTR; xử lý hành chính 284 vụ, thu nộp vào ngân sách trên 2,4 tỉ đồng. Các Hạt KL cũng đã kiểm tra, phát hiện gần 32,6 ha rừng bị phá trái pháp luật. Trong đó, tập trung chủ yếu ở huyện Vân Canh (gần 7,3 ha); huyện Vĩnh Thạnh (trên 23,4 ha); huyện Phù Cát (0,45 ha) và huyện Hoài Ân (gần 1,5 ha).
TRỌNG LỢI (Thực hiện)