Quy hoạch xây dựng tuyến tượng dọc bờ biển Quy Nhơn:
Thể hiện bản sắc và truyền thống văn hóa - lịch sử Bình Định
Theo UBND tỉnh, trong thời gian tới, sẽ quy hoạch xây dựng một cụm tượng dọc bờ biển Quy Nhơn. Việc xây dựng cụm tượng sẽ thể hiện bản sắc và truyền thống văn hóa - lịch sử của quê hương Bình Định, đồng thời góp phần điểm tô đẹp hơn cho không gian đô thị Quy Nhơn.
1.
Xây dựng hệ thống tượng, vườn tượng ở TP Quy Nhơn đã được ngành văn hóa tỉnh nhà ấp ủ từ lâu, nhưng nhiều lí do vẫn chưa thực hiện được. Vì vậy, nhiều người đã vui mừng khi đón nhận thông tin UBND tỉnh vừa có buổi làm việc với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) về dự án khảo sát và quy hoạch xây dựng tuyến tượng dọc bờ biển Quy Nhơn.
Vỉa hè phía biển đường Xuân Diệu nơi sẽ được đặt các tượng nghệ thuật.
Theo ý tưởng quy hoạch, tuyến tượng ven biển Quy Nhơn sẽ được hình thành trên đoạn bờ biển từ khách sạn Hoàng Gia đến tượng đài Chiến Thắng. Trong giai đoạn đầu, dự kiến sẽ xây dựng khoảng 70 tượng trên đoạn vỉa hè phía biển đường Xuân Diệu (từ đường Nguyễn Thiếp đến khách sạn Sài Gòn - Quy Nhơn) bao gồm các loại tượng nghệ thuật, tượng thú, tượng phong cảnh, tượng thể hiện những đặc trưng về đất nước và con người Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung.
Theo dự tính, kinh phí xây dựng mỗi tượng (chiều cao từ 2 – 3 m) là từ 50 – 80 triệu đồng. Như vậy, chỉ tính tổng kinh phí xây dựng 70 tượng trên đường Xuân Diệu đã từ 3,5- 5,6 tỉ đồng. Kinh phí thực hiện toàn tuyến tượng ven biển Quy Nhơn sẽ còn cao hơn, nhưng được huy động theo hình thức xã hội hóa trong tỉnh và hỗ trợ của BIDV.
2.
Mới đây có dịp đến TP Đà Nẵng, chúng tôi đã tham quan vườn tượng bên bờ sông Hàn. Vườn tượng có đến hơn 200 tượng nhiều kích cỡ trải dài theo con đường Bạch Đằng ven bờ sông. Trong đó, có một số tượng là tác phẩm của trại sáng tác điêu khắc quốc tế được Đà Nẵng tổ chức trước đây, còn lại phần lớn tượng đá tạc bằng sa thạch, cẩm thạch trắng, cẩm thạch đỏ được tạo tác bởi các nghệ nhân ở làng đá mỹ nghệ Non Nước. Vào buổi chiều tối, vườn tượng bên bờ sông Hàn thu hút rất đông du khách đến thăm quan, chụp hình bên những bức tượng người, tượng thú, tượng nghệ thuật…
Vườn tượng bên bờ sông Hàn đặt ở khu vực trung tâm TP Đà Nẵng nên thu hút được nhiều người tham quan, qua đó góp phần quảng bá những nét đặc sắc của nghề truyền thống điêu khắc đá ở địa phương. Tuy nhiên, “điểm trừ” của vườn tượng này là có nhiều loại tượng đặt gần nhau, chưa có sự phân chia về chủ đề cụ thể nên nhiều lúc làm “rối mắt”. Một số bức tượng được thực hiện rất công phu, có chất lượng nghệ thuật nhưng chưa được sắp đặt chỗ trưng bày phù hợp nên làm giảm giá trị…
3.
Nhà thơ, họa sĩ Lê Ân, người có nhiều kinh nghiệm làm tượng và vườn tượng ở Bình Định, gợi ý: “Theo tôi, cần sắp đặt tượng theo lối ngẫu hứng nhưng hài hòa, chứ không quy định cụ thể về khoảng cách các tượng theo kiểu ngay hàng thẳng lối. Chiều cao của tượng cũng không nên khống chế một cỡ, mà tượng lớn hay nhỏ còn phụ thuộc vào những tầm nhìn xa hay gần. Về chủ đề tượng, tôi nghĩ ở tuyến đường ven biển nên có những tượng về các nhà thơ trong nhóm Bàn thành tứ hữu, Trường thơ loạn, hay quần thể tượng về các võ sĩ đang thể hiện thập bát ban binh khí Bình Định…”.
Có thể phần nào học hỏi được những kinh nghiệm từ vườn tượng ở Đà Nẵng để xây dựng tuyến tượng ven biển ở Quy Nhơn. Trước tiên, cần xét đến khi xây dựng 70 tượng ở đoạn vỉa hè đường Xuân Diệu ven biển, thì theo quy hoạch dự tính khoảng cách giữa 2 tượng là từ 30 - 50m. Khoảng cách đặt tượng khá xa như vậy cộng với không gian rộng lớn ven biển, liệu các tượng có đảm bảo “không lạc lõng”(?). Những ai muốn ngắm hết đầy đủ 70 tượng thì phải đi đoạn đường từ 2,1 - 3,5 km, đây cũng phần nào là trở ngại cho du khách…
Theo kết quả buổi làm việc của UBND tỉnh với BIDV về xây dựng cụm tượng dọc bờ biển Quy Nhơn, tỉnh sẽ bổ sung thêm tượng danh nhân và nhấn mạnh biểu tượng đặc trưng về Bình Định. Chúng tôi thử tham khảo ý kiến đối với một số văn nghệ sĩ, cán bộ, nhân dân, thì tất cả đều thống nhất không nên “lan man” theo nhiều loại tượng, mà cần tập trung vào các loại tượng thể hiện được truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa địa phương. Vùng đất Bình Định từ lâu đã được nhìn nhận đầy tự hào “đất võ trời văn”, còn Quy Nhơn cũng được gọi “thành phố thi ca”. Những định danh này là “chủ đề mở” có thể khai thác xây dựng những tuyến tượng về cô gái “múa roi, đi quyền” hay các võ sĩ với những đòn thế đặc trưng của võ Bình Định; tượng về chủ đề thơ ca, nghệ thuật tuồng, bài chòi… hoặc xây dựng tượng gần gũi với sinh hoạt, lao động của ngư dân địa phương ngay tại nơi đặt tượng.
Có ý kiến cho rằng cũng nên tạo điều kiện cho một số nghệ nhân tạc tượng Chăm bằng đá sa thạch ở Bình Định, có cơ hội giới thiệu những sản phẩm của mình làm ra để góp phần làm nên những nét độc đáo riêng, thể hiện rõ “dấu ấn địa phương” cho tuyến tượng dọc bờ biển ở Quy Nhơn…
HOÀI THU
Chúng ta hay dùng cách nói Bình Định đất võ trời văn và cứ đề nghị lấy thơ văn ra làm điểm tựa cho du lịch, nhưng xin hỏi có bao nhiêu khách du lịch nước ngoài biết Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Yến Lan là ai? Ngay ở trong nước hầu như cũng mấy ai quan tâm. Nói ra thì phủ phàng, nhưng bây giờ một cuốn thơ của tác giả nỗi tiếng như Xuân Diệu bán ra được 200 cuốn đã là điều may mắn. Cho nên khi muốn phát triển du lịch chúng ta phải lưu ý những yếu tố văn hóa mà có khả năng gây chú ý đến khách du lịch như nghệ thuật, lịch sử champa, võ cổ truyền hay là văn hóa ẩm thực thì may ra họ còn chú ý phần nào