Điều trị gút: Chế độ ăn uống rất quan trọng
Gút (gout) là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa purine, làm tăng acid uric trong máu, dẫn đến lắng đọng các tinh thể urate ở tổ chức (bao hoạt dịch khớp, các tổ chức quanh khớp, ống thận và nhu mô thận).
Trong vài thập niên gần đây, số lượng bệnh nhân gút gia tăng nhanh trên toàn thế giới. Ở Mỹ, tỉ lệ người mắc bệnh gút 0,5% năm 1969 đã tăng lên 3% vào năm 1996. Cũng như nhiều bệnh lý chuyển hóa khác (đái tháo đường, rối loạn lipid máu, béo phì…), bệnh gút đã trở nên thường gặp trong thực tế lâm sàng. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với sự phát triển xã hội và gia tăng tuổi thọ hiện nay. Bệnh gút chiếm 2-4% các bệnh về khớp, đứng thứ 4 trong 15 bệnh khớp thường gặp.
Nguyên nhân mắc bệnh là do tăng acid uric máu (yếu tố nguy cơ quan trọng nhất), ăn nhiều thức ăn chứa purine, uống nhiều rượu, béo phì, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu. Bệnh thường gặp ở nam (90%), thường khởi phát vào cuối thập niên thứ 3, đầu thập niên thứ 4 của cuộc đời.
Bệnh khởi phát đột ngột bằng cơn viêm khớp cấp tính dữ dội (sưng, nóng, đỏ, đau) tại một khớp, không đối xứng, thường xảy ra về đêm. Triệu chứng viêm khớp tăng tối đa trong 24-48 giờ và kéo dài từ 3-10 ngày rồi tự khỏi hoàn toàn. Trong giai đoạn cấp, người bệnh có thể sốt cao, rét run, mệt mỏi, cứng gáy… Bệnh diễn tiến từng đợt, khoảng cách giữa cơn đầu tiên và cơn thứ hai có thể vài tháng đến vài năm. Càng về sau khoảng cách này càng ngắn lại, thậm chí không còn vì cơn nọ nối tiếp cơn kia, không có khoảng cách. Ở giai đoạn mạn, biểu hiện viêm ở nhiều khớp, đối xứng, khớp đau liên tục, không tự khỏi. Các u cục xuất hiện ở sụn vành tai, phần mềm cạnh khớp, quanh khớp.
Để điều trị viêm khớp gút, cần kết hợp phương pháp sử dụng thuốc để giảm tổng hợp acid uric và chế độ ăn uống sinh hoạt. Ngoài ra, trong điều trị viêm khớp gút phải chú ý đến các bệnh lý chuyển hóa (béo phì, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu) thường đi kèm. Nếu không được kiểm soát tốt thì sẽ ảnh hưởng xấu đến bệnh. Người bệnh phải được điều trị lâu dài và theo dõi trong suốt quá trình điều trị. Xét nghiệm định kỳ acid uric, creatinin, SGOT, SGPT, bilan lipid máu mỗi tháng trong 3 tháng đầu, sau đó mỗi 3 tháng.
Bên cạnh đó, cần kết hợp với ăn uống hợp lý (không ăn mỡ động vật, giảm đường, giảm đạm…), không dùng thức ăn giàu purin (tim, gan, óc, hột vịt lộn, cá trích, cá đối…), uống nhiều nước, ăn các loại hoa quả, canh rau, không uống rượu; tránh béo phì, gắng sức, căng thẳng, lạnh đột ngột. Vận động, tập thể dục phù hợp tùy theo mức độ cải thiện chức năng của khớp. Nếu chức năng khớp bình thường thì có thể chơi bóng bàn, cầu lông, bơi lội… Nếu khớp đã biến dạng thì cần bài tập riêng theo tình trạng bệnh.
BS NGUYỄN HOÀNG VŨ