Vân Canh: Rừng ươi đang bị tận diệt
Khoảng 2 tháng trở lại đây, mỗi ngày có đến hàng trăm người từ nhiều địa phương khác nhau đổ xô vào các cánh rừng ở làng Canh Tiến (xã Canh Liên, huyện Vân Canh)- thuộc khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Núi Một - để khai thác trái ươi. Điều đáng nói, nhiều đối tượng ngang nhiên sử dụng cưa máy đốn hạ cây ươi để hái quả; cây ươi rừng Canh Tiến có nguy cơ tuyệt chủng.
Hàng đoàn xe máy nối đuôi nhau chở ươi từ làng Canh Tiến ra trước cổng Khu du lịch sinh thái hồ Núi Một để bán.
Ồ ạt tận thu
Những ngày cuối tháng 6.2014, trong vai thương lái thu mua ươi, chúng tôi về làng Canh Tiến và tìm cách thâm nhập vào “đội quân” hái ươi đang có mặt đông đảo tại đây. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Đa số những người khai thác ươi đến từ các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi…; còn lại, một số ít là dân địa phương ở làng Canh Tiến và ở một số xã lân cận thuộc huyện Tây Sơn và thị xã An Nhơn.
Mỗi nhóm ít thì từ 2 - 3 người; nhiều thì từ 10 - 15 người; đồ nghề họ mang theo trong lúc khai thác ươi gồm cưa máy, rựa, bao tải… Một ngày khai thác thường bắt đầu từ khoảng 5 giờ sáng và kết thúc vào khoảng 16 - 17 giờ cùng ngày. Ngày nào “trúng quả”, mỗi nhóm có thể thu hoạch từ vài chục ký đến vài trăm ký ươi tùy vào lượng người tham gia hái nhiều hay ít.
Với người dân “bản địa”, họ thường tận thu ươi bằng cách đợi quả ươi chín (hay còn gọi là “ươi bay”) phát tán xuống đất trong chu vi chừng 100 m, rồi sau đó đi xung quanh thu lượm. Riêng “đội quân” khai thác ươi là người ngoài tỉnh, họ khai thác ươi theo kiểu hủy diệt - dùng cưa máy đốn hạ tận gốc cây ươi, rồi sau đó hái cả “ươi bay” lẫn ươi xanh.
Theo chân anh Mai Thanh Sô (một người dân ở làng Canh Tiến), chúng tôi vào cánh rừng có tục danh núi Hòn Ông để chứng kiến cảnh khai thác ươi theo kiểu tận diệt của một số đối tượng đến từ các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Theo quan sát, phát hiện nơi nào có cây ươi, bất kể trái ươi đã chín hay còn xanh, các đối tượng đều dùng cưa máy đốn hạ tận gốc để thu hoạch. Tại một vùng rừng rộng lớn, hàng chục cây ươi có đường kính gốc từ 30cm - 70cm nằm phơi xác. Sau khi tận thu toàn bộ trái, bọn “ươi tặc” tiếp tục tìm cây mới; cứ thế, rừng ươi bị tiêu diệt gần như toàn bộ. Đáng nói hơn, để đốn hạ một cây ươi, các đối tượng phải chặt bỏ hàng loạt cây ở xung quanh.
Theo anh Sô: “Trước đây, người dân địa phương thu hoạch trái ươi bằng cách nhặt “ươi bay”. Hiện nay, rất nhiều người ở các tỉnh khác đổ về đây dùng cưa máy đốn hạ cây ươi để hái trái. Mỗi ngày, có hàng chục cây ươi bị các đối tượng triệt hạ; với kiểu khai thác này, chẳng bao lâu nữa Canh Tiến chẳng còn cây ươi nào!”.
Mai này cây ươi có còn?
Theo một số người dân lớn tuổi đang sống tại làng Canh Tiến, cây ươi không có chu kỳ ra trái cố định. Lần gần nhất rừng ươi ở Canh Tiến cho trái cách đây đã 13 năm. Năm nay ươi ở đây cho trái, dân chưa kịp vui đã kinh hoàng trước kiểu tận diệt ươi của những kẻ lạ. Mỗi ngày có hàng trăm người ùn ùn kéo về làng Canh Tiến “đóng đô” để khai thác ươi. Sau mỗi ngày khai thác, men theo con đường mòn dưới lòng hồ Núi Một, họ điều khiển xe máy từ làng Canh Tiến nối đuôi nhau chở ươi ra khu vực trước cổng Khu du lịch sinh thái hồ Núi Một (xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn) để tiêu thụ. Tại đây, tầm từ 16 giờ mỗi ngày, hàng chục thương lái đưa phương tiện chuyên chở, có cả ô tô con đến từ các địa phương như Hải Phòng, Lâm Đồng, Đà Nẵng… luôn túc trực để thu mua ươi.
Qua tìm hiểu, hiện tư thương thu mua “ươi bay” với giá dao động từ 120.000 đồng - 150.000 đồng/kg; còn “ươi xô” (trái ươi xanh) được mua với giá 20.000 đồng - 35.000 đồng/kg. Được biết, các thương lái thu gom ươi rồi sau đó đa phần bán cho các đầu nậu xuất qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch; chỉ một số ít ươi được tiêu thụ tại thị trường miền Nam.
Theo anh Phạm Văn Phong, một người khai thác ươi, trú xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn, cho biết: “Với giá cả hiện nay, mỗi ngày trung bình bọn tui cũng kiếm được hơn 500 ngàn đồng tùy vào chất lượng trái ươi. Người ta mua có giá thì bọn tui đi nhặt để bán kiếm tiền, chứ chẳng để ý họ mua ươi để bán cho ai. Bọn tui khai thác ươi bằng cách thu lượm ươi bay và mót ươi xanh còn sót lại trên cây, chứ không chặt hạ cây như một số người đến từ các tỉnh khác”.
Còn ông Đinh Chưng (76 tuổi, trú làng Canh Tiến), lo lắng: “Khoảng 40-50 năm cây ươi mới ra quả, vậy mà hiện nay nhiều người ở tận đẩu, tận đâu kéo đến đây để chặt cây hái trái. Khai thác kiểu này thì sau này lấy đâu ra ươi nữa mà hái. Dân làng có phản ứng với kiểu khai thác này, nhưng họ quá đông, dù là ở tận đẩu tận đâu về đây nhưng họ rất hung dữ nên cũng chẳng làm gì được họ”.
Liên quan vấn đề này, ông Đoàn Văn Tây, Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Vân Canh, cho biết: Tình trạng chặt hạ cây ươi lấy trái tại rừng Canh Tiến là có xảy ra. Nhận được tin báo của dân, Ban quản lý Rừng phòng hộ cùng với chính quyền và ngành chức năng huy động lực lượng, tổ chức truy quét các đối tượng; đến nay, nhiều đối tượng đã ra khỏi rừng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đối tượng khai thác hạt ươi vẫn còn rình rập, lén lút chặt phá cây rừng. Ban quản lý sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền, vận động bà con nhận khoán giữ rừng tăng cường công tác bảo vệ; đồng thời, tiếp tục truy quét quyết liệt các đối tượng có hành vi chặt phá cây ươi để bảo vệ rừng”.
Đề nghị chính quyền các địa phương và ngành chức năng phải vào cuộc mạnh mẽ hơn, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại Canh Tiến.
VĂN LỰC - XUÂN THỨC
Kính gửi các Cấp Lãnh Đạo Tỉnh Bình Định Mong Cấp trên xử lý nghiêm hành vi khai thác ươi. Vì muốn khai thác thì phải chặt cây, mà cây phải trải qua hàng nghìn năm mới cao to được như vậy, dưới tình trạng khai thác ồ ạt gây ra mất rừng, cây có nguy cơ không còn nữa, gây những biến đổi khí hậu như năm 2013 gây thiệt hại nặng nề. Đặc biệt vùng Huyện Vĩnh Thạnh, rừng tươi tốt, nhiều động vật sinh sống nhưng ý thức của người dân không cao, lấy nghề khai thác tài nguyên rừng làm nghề sinh sống, pháp luật còn lỏng lẻo nên nhiều người vẫn không tuân theo. Bản thân là một sinh viên học ngành quản lý tài nguyên và môi trường em đau lòng trước sự việc mà không biết làm gì hơn mong các Cấp Chính Quyền ra tay giúp đỡ. Ước mơ của em sau này ra có thể làm người bảo vệ cho tài nguyên mà mình đang có. Xin chân thành cảm ơn