Chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số vào lớp 1:
Trẻ đã tự tin, giao tiếp tốt
Năm học 2012-2013, lần đầu tiên trẻ em ở các địa bàn miền núi huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân và Tây Sơn được học Chương trình tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số chuẩn bị vào lớp 1. Sau một năm tích cực thực hiện, nhiều trẻ đã tự tin và mạnh dạn giao tiếp bằng tiếng Việt.
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, ở các lớp mẫu giáo, mầm non có học sinh dân tộc thiểu số, giáo viên phải dạy tăng cường tiếng Việt mỗi ngày thêm 15 phút. Cụ thể sẽ cung cấp khoảng 3 từ liên quan đến chủ đề đang học do giáo viên tự chọn, giúp trẻ thực hiện ba kỹ năng: nghe, nói và tiền đọc - viết.
Trẻ tự tin, mạnh dạn, giao tiếp tốt
Cùng đoàn kiểm tra của Sở GD&ĐT làm việc tại huyện Vân Canh, chúng tôi được dự giờ buổi dạy tăng cường tiếng Việt tại điểm trường mẫu giáo làng Đăk Đâm, thị trấn Vân Canh. Lớp có 20 trẻ 3-5 tuổi, trong đó có khoảng 7 cháu 5 tuổi. Cô giáo Hoàng Thị Minh Phương giới thiệu với cả lớp 3 từ: nguồn nước, nước sạch, nước bẩn. Với mỗi từ, cô Phương hướng dẫn từng trẻ đọc thật tròn vành rõ chữ, sửa sai từng cháu một; đồng thời đưa ra nhiều hình ảnh minh họa nghĩa của từ.
Cô Phương cho biết: “Để giáo viên tự chọn từ dạy cho trẻ là hợp lý vì phù hợp với thực tế của lớp học. Chẳng hạn, thứ hai chủ đề Quê hương chào năm mới, cô giáo giới thiệu các từ: tên làng, tên xã, nhà sàn; thứ Ba giới thiệu từ dân làng, nhà rông, nhà văn hóa; sang thứ Tư dạy trẻ từ nấu rượu, cồng chiêng, đánh cồng chiêng… Việc dạy chữ còn được lồng ghép vào các trò chơi, tập tô chữ, tập viết chữ... Nhờ theo dõi sát sao nên trẻ yếu kỹ năng nào, các cô sẽ lên kế hoạch cụ thể rèn cho trẻ”.
Kết thúc tiết học, trẻ theo chân chúng tôi ra tận cổng trường. Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó trưởng Phòng Tiểu học - Mầm non, Sở GD&ĐT, hỏi: “Các em đã ăn sáng chưa? Đi học có vui không? Có thương cô giáo không?”, các trẻ tranh nhau trả lời to, rõ: “Cháu ăn sáng rồi. Đi học vui lắm, thương cô giáo lắm”, rồi quay sang nhìn nhau cười vui vẻ.
Trong 5 địa phương triển khai thực hiện chương trình này, huyện Vân Canh có cách làm bài bản nhất. Cô Huỳnh Thị Thương Thương, chuyên viên phụ trách mảng mầm non Phòng GD&ĐT huyện, cho biết: “Phòng Giáo dục đã tổ chức tập huấn 34 giáo viên đang dạy các lớp có học sinh dân tộc về chương trình này, có minh họa tiết dạy để các cô dự giờ. Mỗi giáo viên đều có thêm 3 cuốn sổ chương trình soạn những từ sẽ dạy hằng ngày phù hợp với chủ điểm và trình độ của trẻ trong lớp, sổ kế hoạch giảng dạy và sổ đánh giá trẻ.
Chương trình tăng cường tiếng Việt được xem như lời giải bài toán ngôn ngữ cho trẻ đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ chuẩn bị vào học lớp 1. Huyện Vĩnh Thạnh có 26 lớp có trẻ dân tộc thiểu số ở 9 xã, thị trấn. Theo đánh giá, qua một năm triển khai thực hiện, trẻ ở các trường mẫu giáo xã Vĩnh Thuận, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hảo, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hòa đã tiến bộ vượt bậc.
Còn ở An Lão, cô Võ Thị Ngọc Nữ, chuyên viên phụ trách mầm non Phòng GD&ĐT huyện, chia sẻ: “100% trường mầm non, mẫu giáo có trẻ dân tộc thiểu số đã triển khai chương trình này. Các trường họp phụ huynh, đề nghị họ hỗ trợ, nhắc trẻ ôn từ ở nhà, tập nói tiếng Việt. Kết quả kiểm tra đầu tháng 4 cho thấy sự tiến bộ rõ nét của trẻ trong giao tiếp. Ở lớp, trẻ mạnh dạn giơ tay phát biểu, phát âm to, rõ. Gặp trẻ ở làng, hỏi thăm, trẻ không rụt rè, né người lạ”.
Còn đó những khó khăn
Bên cạnh những kết quả đáng phấn khởi, việc tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số chuẩn bị vào lớp 1 cũng gặp không ít khó khăn. Theo thống kê sơ bộ của Sở GD&ĐT, tỉnh ta hiện vẫn còn hàng trăm lớp ghép trẻ 3-5 tuổi. Cô Nguyễn Thị Tính, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo xã Canh Hòa (huyện Vân Canh), chia sẻ: “Ở các lớp ghép, trình độ tiếp thu của trẻ không đều nên việc dạy tiếng Việt gặp nhiều trở ngại”.
Một khó khăn khác là trẻ về nhà thường giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ, nên hay quên từ tiếng Việt đã học. Cô Hà Thị Trang, chuyên viên phụ trách mảng mầm non huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Phụ huynh chủ yếu là người trẻ tuổi, bận làm nương rẫy không có nhiều thời gian cho con, việc học phần lớn “khoán trắng” cho nhà trường”.
Trong số ba kỹ năng cần trang bị, trẻ nghe và nói thường tốt hơn kỹ năng tiền đọc - viết. Cô Trần Thị Nhường, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo thị trấn Vân Canh, cho biết: “Trẻ ở thị trấn đã biết cầm bút, mở vở, lật trang, nhưng chữ viết chưa đẹp. Các cô đã khắc phục bằng cách xây dựng môi trường chữ viết trong lớp. Hiện, đồ dùng, đồ chơi nào cũng đều có chữ viết để trẻ nhìn thường xuyên cho quen dần. Các cô cũng thường tổ chức nhiều trò chơi, kể chuyện, để trẻ mạnh dạn hơn”.
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết: “Sở sẽ chỉ đạo các Phòng để yêu cầu hiệu trưởng các trường mẫu giáo, mầm non liên hệ trường tiểu học trên địa bàn đánh giá chất lượng đầu vào của trẻ chuẩn bị vào lớp 1. Những hạn chế sẽ tiếp tục được khắc phục trong những năm tiếp theo”.
NGỌC TÚ