Chuyện bia rượu của công chức
Từ lâu nay, việc sử dụng bia rượu trong các cuộc gặp gỡ, giao lưu, tiếp khách làm việc, đối tác làm ăn... đã trở thành một thói quen trong giao tiếp hàng ngày ở nước ta. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cái điều hết sức bình thường này đã bị lạm dụng một cách thái quá dẫn đến đánh mất ý nghĩa tích cực ban đầu của nó, thậm chí mang lại những hệ quả tiêu cực. Đặc biệt, trong nhiều trường hợp đã trở thành một thói quen bê tha và gây nên hậu quả rất xấu như giảm hiệu suất làm việc, thiếu kiềm chế, gây mất uy tín các cơ quan công quyền và làm méo mó hình ảnh tốt đẹp của người cán bộ, công chức trong mắt nhân dân.
Vì vậy, gần đây nhiều tỉnh và một số bộ, ngành đã ban hành quy định và công bố thực hiện nhiều biện pháp xử lý, thậm chí kỷ luật nặng đối với các trường hợp cán bộ công chức, viên chức vi phạm giờ giấc hành chính, uống rượu bia trong giờ hành chính, buổi trưa… Nhiều nơi đã quy định rõ các hình thức xử lý nếu cán bộ, công chức bị phát hiện vi phạm và các biện pháp kiểm tra, giám sát cụ thể gắn với công tác thi đua khen thưởng, kỷ luật cán bộ công chức...
Chẳng hạn ở tỉnh Trà Vinh nếu vi phạm quy định uống rượu bia trong giờ hành chính và buổi trưa có thể bị kỷ luật từ khiển trách đến cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc cắt hợp đồng lao động. Ở Bến Tre thì thực hiện việc thanh tra đột xuất từ lề lối giờ giấc làm việc, tinh thần thái độ phục vụ của công chức cho đến việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…, các vi phạm được phát hiện sẽ bị lập biên bản để xử lý kỷ luật. Còn ở Quảng Bình thì mạnh tay hơn với việc thực hiện việc xem xét trách nhiệm của người đứng đầu và xử lý kỷ luật nghiêm đối với mọi cá nhân trong bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp và cả lực lượng vũ trang nếu có vi phạm các chỉ thị về chống lãng phí, thực hiện nếp sống văn hóa và kỷ cương hành chính…
Có thể nói các quy định này đã được dư luận xã hội và đông đảo nhân dân đón nhận với sự đồng tình cao. Vì đây là việc làm cần thiết để góp phần chống lãng phí và bảo đảm hiệu lực, hiệu quả đối với công việc trong các cơ quan công quyền. Điều quan trọng là các đối tượng liên quan đến các quy định này cần nhận thức rõ đây là những biện pháp cần thiết, có ý nghĩa nhân văn hướng đến mục tiêu phát triển con người chứ không chỉ là một sự cấm đoán đơn thuần, từ đó mỗi người nêu cao ý thức kỷ luật và tinh thần tự giác để cùng thực hiện nghiêm túc.
Vĩnh Tâm
Nhìn người mà nói làm gương, còn tỉnh ta cơ quan nào sẽ làm điều ấy ? Và nếu có thì ai và CQ nào sẽ làm việc thanh tra, kiểm tra - Không khéo sẽ bị mích lòng và lại không đủ chứng cứ nữa thì mệt đấy.....