Thực hiện Thông tư 22 về quản lý chất lượng vàng trang sức:
Khó khăn vì còn nhiều bất cập
Từ ngày 1.6.2014, Thông tư 22 của Bộ KH-CN về quản lý đo lường, chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường bắt đầu có hiệu lực. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện thông tư này còn nhiều bất cập, khó khăn.
Từ trước đến nay, đồ trang sức bằng vàng, hoặc có gắn các vật chất khác (đá quý, kim loại, kim cương…) đều do các cơ sở chế tác, kinh doanh tự công bố hàm lượng, trọng lượng vàng. Người mua vàng trang sức thường bán trở lại nơi đã mua, tức bán cùng “hiệu” thì đỡ mất giá hơn. Để người tiêu dùng không bị thiệt thòi khi mua vàng không được ghi đúng hàm lượng, và để có sự thống nhất chung hàm lượng vàng công bố trên sản phẩm vàng trang sức, tháng 9.2013, Bộ KH-CN ban hành Thông tư 22 quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức mỹ nghệ, có hiệu lực thi hành từ 1.6.2014.
Về đo lường, Thông tư 22 quy định: Giới hạn sai số cho phép khi xác định hàm lượng vàng có 3 mức: vàng 99,9% trở lên cho phép sai số chỉ 1%0 (một phần ngàn), vàng hợp kim có hàm lượng từ 80% đến 99,9% là 2%0, dưới 80% là 3%0. Tuy nhiên, theo kết quả kiểm tra của Chi cục Tiêu chuẩn- Đo lường- Chất lượng, trên 90% cân của các cửa hàng vàng của tỉnh (cả tỉnh có trên 180 cơ sở kinh doanh vàng) không đáp ứng yêu cầu Thông tư 22, bởi vì mức vạch chia nhỏ nhất của cân vàng không đáp ứng được. Để thực hiện theo đúng quy định, các hiệu vàng phải trang bị lại cân mới khá tốn kém. Hơn nữa, việc đo, kiểm hàm lượng vàng trang sức, mỹ nghệ trong lưu thông cũng rất khó khăn. Nếu lấy mẫu vàng từ cơ sở kinh doanh vàng thì phải đúng quy định, vận chuyển theo quy định, chưa nói đến trách nhiệm lưu giữ... nên rất khó khăn cho công tác kiểm tra.
Còn việc ghi nhãn, nhiều sản phẩm vàng trang sức mua đi bán lại, gia công nhiều lần, ghi nhãn rất khó. Muốn vậy, phải nấu lại, chế tác lại gây hao hụt, tốn công, giá thành cao, không cạnh tranh được và người kinh doanh sẽ bị lỗ. Tiếp xúc một số hiệu vàng trên địa bàn TP Quy Nhơn, thực tế cho thấy rằng các chủ tiệm vàng đều biết Thông tư 22 quy định việc ghi nhãn, chất lượng, trọng lượng sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ, song chỉ có một vài cơ sở đã thực hiện.
Bà Trần Thị Ngọc Ánh, chủ tiệm vàng Mỹ Long (đường Lê Lợi, TP Quy Nhơn), cho biết: Từ ngày 1.6, các sản phẩm vàng trang sức bày bán trong tiệm đều gắn nhãn phụ ghi tên hàng, tuổi vàng, trọng lượng, xuất xứ… Vì hầu hết sản phẩm đều được mua từ TP Hồ Chí Minh, trên sản phẩm này có khắc đầy đủ hàm lượng, trọng lượng vàng, tiệm chỉ gia công chế tác một số mẫu đơn giản, nên thực hiện Thông tư 22 cũng không có gì biến động lắm. Tuy nhiên, khi chế tác nữ trang, vàng sẽ mất tuổi, do lẫn “vảy” vàng. Vì vậy, hàng tồn trước ngày 1.6 đem nấu lại, chế tác lại, để ghi đúng hàm lượng thì con số thiệt hại là không nhỏ.
Theo ông Lê Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn- Đo lường- Chất lượng: Trước ngày 1.6, Chi cục chưa tập huấn cho hộ kinh doanh vàng trên địa bàn tỉnh do chưa có kinh phí, chỉ gửi công văn cho từng cơ sở hướng dẫn về Thông tư 22 trước ngày thông tư này có hiệu lực. Chi cục cũng có kế hoạch mua máy kiểm tra chất lượng vàng nhưng có thể sau 1 năm mới xong thủ tục và đủ tiêu chuẩn kiểm tra chất lượng vàng. Từ ngày 1.6, nếu cơ sở kinh doanh vàng không gắn nhãn, hàm lượng vàng, trọng lượng vàng trên sản phẩm vàng trang sức mỹ nghệ, theo nguyên tắc là sai với Thông tư 22. Nhưng nếu thực hiện đúng thời gian trên thì trên 80% cơ sở kinh doanh vàng trang sức ở Bình Định có nguy cơ đóng cửa. Tại đợt tập huấn về thanh tra khoa học công nghệ toàn quốc vừa được tổ chức, chúng tôi đã có những ý kiến nêu các vấn đề bất cập của việc triển khai thông tư tại tỉnh để Bộ KH-CN xem xét, điều chỉnh.
HOÀNG LÂN